Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung Sáng 22/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã dự hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019. |
Năm 2018, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ kinh tế, tài chính, tiền tệ của thế giới nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhiều bước tiến và phát triển trong nhiều mặt hoạt động, cả ở hoàn thiện thể chế, khung pháp lý chính sách và tăng trưởng, quy mô và tính thanh khoản.
Chứng khoán - kênh huy động vốn hữu hiệu của Chính phủ và tư nhân
Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước Trần Văn Dũng cho biết cùng với xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2018 lần đầu tiên giảm điểm sau 5 năm tăng trưởng liên tiếp nhưng mức giảm điểm của TTCK Việt Nam vẫn khiêm tốn so với nhiều thị trường trên thế giới và trong khu vực. Cuối năm 2018, chỉ số VN-Index đạt 892,54 điểm, giảm 9,3% so với cuối năm 2017; chỉ số HNX-Index đạt 104,23 điểm, giảm 10,8% so với cuối năm 2017. Trong khi đó, một số TTCK trên thế giới có mức giảm điểm tương đối lớn như Trung Quốc giảm 24,6%, Đức giảm 18,3%, Hàn Quốc giảm 17,3%, Hong Kong giảm 14,6%, Anh giảm 12,5%, Nhật Bản giảm 12,1%.
Tính đến 31/01/2019, thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn giao dịch chứng khoán và 804 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt hơn 1,235 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm 2017. Quy mô vốn hóa của thị trường năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017, tương ứng 71,6% GDP của năm 2018, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2020.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.
Doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết tăng 15,2% và lợi nhuận sau thuế tăng 21,4%. Chỉ tiêu sinh lời năm 2018 của toàn thị trường đều được cải thiện so với năm 2017. Số công ty báo cáo lãi năm 2018 chiếm 94% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo. Tuy nhiên, chi phí tài chính và chi phí lãi vay đều tăng, lần lượt là 13% và 16,1% do nợ phải trả và mặt bằng lãi suất tăng, đồng thời, hàng tồn kho cũng tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sau hơn 1 năm hoạt động, TTCK phái sinh duy trì tốc độ tăng trưởng tốt và đều đặn, chứng tỏ vai trò là một kênh đầu tư, phòng vệ rủi ro hiệu quả, đặc biệt khi thị trường cơ sở có biến động mạnh.
Năm 2018, TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động được hơn 86.000 tỷ đồng. Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng. Giá trị phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 64.900 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và đấu giá cổ phần hóa đạt 21.400 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với năm 2017.
Dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi nhà đầu tư nước ngoài rút ròng ở các thị trường trong khu vực. Giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn.
Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Lãnh đạo một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư cho rằng với những chỉ đạo và động thái từ phía Chính phủ thời gian qua tới TTCK đã là sự “động viên” rất lớn cho thị trường, tạo ra tâm lý ổn định của nhà đầu tư trong thời gian qua. Còn mức độ phát triển của thị trường trong thời gian tới hoàn toàn là do các chủ thể tham gia TTCK phải quyết định.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán mong muốn Chính phủ có chính sách đủ mạnh để TTCK có thể cạnh tranh được với ngân hàng thương mại cho huy động và cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Chính phủ có chiến lược chứng khoán "dài hơi chứ không ăn đong"
Đồng tình với các nhận định năm 2018 là một năm vượt khó và thành công của TTCK Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra nguyên nhân là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các thành viên thị trường, vai trò điều phối của Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có thị trường vốn-chứng khoán. Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, muốn TTCK, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.
Với TTCK, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải “ăn đong” từng năm.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, chuyên nghiệp tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).
Cơ cấu lại nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường để tạo ra sự chuyên nghiệp. Cơ cấu lại thị trường với các giải pháp ngay trong năm nay như sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình mà Thủ tướng đã phê duyệt nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, bảo đảm thông suốt, ổn định cho các hoạt động của nhà đầu tư.
Hoàn thành và đưa vào hệ thống thông tin mới, hoạt động đồng bộ tại sở chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán; nghiên cứu khả năng từng bước áp dụng chuỗi công nghệ blockchain cho một số mảng thị trường và một số công đoạn của quá trình giao dịch, thanh toán, nâng cao tính toàn vẹn, minh bạch của dữ liệu nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra các giải pháp cơ cấu lại thị trường như nghiên cứu áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh và quy định trong luật; nghiên cứu mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sỏ phù hợp với năng lực tài chính khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức liên quan; phát triển các hệ thống nhà tạo lập thị trường ở cả thị trường sơ cấp và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát và thực thi...
Phó Thủ tướng nhắn gửi: “Dù là doanh nghiệp đại chúng hay doanh nghiệp chưa niêm yết, hãy cùng nắm tay nhau để đi xa và về đích theo mục tiêu Chính phủ kỳ vọng về TTCK phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, an toàn”.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: Báo Chính phủ