Nghị quyết 02 có tên gọi tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Bốn quốc gia phát triển nhất, đi đầu về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là: Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia |
Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh được thực hiện lần đầu tiên từ năm 2014, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết được Chính phủ ban hành đã được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, mốc thời gian ban hành vào tháng 5 hàng năm không phù hợp với các chương trình hành động từ đầu năm của Chính phủ, Bộ ngành và địa phương, do đó năm 2019, Chính phủ đổi tên Nghị quyết 19 thành Nghị quyết 02 và thay đổi thời gian ban hành, áp dụng ngay từ đầu năm.
Nghị quyết 02 nêu rõ từng phần việc phải làm của Việt Nam như nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) lên 15 -20 bậc từ năm 2019 - 2021. Riêng năm 2019, tăng chỉ số này lên từ 5 - 7 bậc.
Nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh theo WEF tăng 5 - 10 bậc từ 2019 - 2021 và tăng 2 -3 bậc vào năm 2019.
Nâng chỉ số xếp hạng đổi mới, sáng tạo quốc gia theo đánh giá của Wipo lên 5 đến 7 bậc từ 2019 - 2021, năm 2019 tăng từ 2 -3 bậc.
Nâng chỉ số xếp hạng logistics theo đánh giá của WB tăng 5 - 10 bậc từ năm 2019 - 2021. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử lên 10 - 15 bậc vào năm 2020.
Về nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ đưa ra các chỉ số về khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư... đều phải tăng từ 3 đến 30 bậc từ năm 2019 đến 2021.
Về đầu mối thực hiện, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số nêu trên. Bộ này chịu trách nhiệm theo dõi bộ chỉ số về mội trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi các chỉ số đổi mới sáng tạo, và đánh giá mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai. Bộ Công Thương theo dõi bộ chỉ số đánh giá hiệu quả logistics... Các bộ ban ngành khác liên quan đều được giao nhiệm vụ chuyên môn để thực hiện cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ban ngành được giao theo dõi, đánh giá và định kỳ hàng tháng báo cáo, kiến nghị Chính phủ giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề phát sinh.
Thủ tướng yêu cầu, hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành như áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp; chuyển sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn thông quan hàng hóa tại thị trường nội địa.
Trước tháng 6/2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện công khai đẩy đủ danh mục này.
Về thực hiện, bên cạnh yêu cầu các Bộ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải coi việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng.
Các cơ quan phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 12 tháng 12, tổng hợp các báo cáo, đánh giá về tình hình triển khai, kết quả thực hiện trong quý, cả năm gửi về Bộ KH&ĐT để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Tác giả: An Linh
Nguồn tin: Báo Dân trí