Kinh tế

Chiêu lừa đảo huy động hơn 1.200 tỷ của bà chủ Tập đoàn Mỹ Hạnh

Công ty Mỹ Hạnh đã "thổi phồng" giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh; "vẽ" ra những dự án hoành tráng, hứa hẹn trả lãi suất 24-48%/năm để lôi kéo các nhà đầu tư. Nhiều người dân tin vì thấy công ty này quảng cáo rất hoành tráng và được nhiều giải thưởng.

Bà chủ Tập đoàn Mỹ Hạnh từng nhận nhiều giải thưởng


Hứa hẹn trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư

Cơ quan cảnh sát điều tra vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Mỹ Hạnh (SN 1980, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, để điều tra tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Cầu Giấy phát hiện những dấu hiệu bất thường trong việc huy động vốn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (địa chỉ tại số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) do bà Phạm Mỹ Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc nên Công an quận Cầu Giấy đã tổ chức xác minh, điều tra.

Các tài liệu, chứng cứ thu thập được xác định, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh (Công ty Mỹ Hạnh) hoạt động trong lĩnh vực khai thác trồng cây và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Do nhu cầu về vốn, bà Hạnh và các cộng sự đã tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư hùn vốn với lợi nhuận cao.

Trong khoảng từ năm 2020-2022, dưới sự chỉ đạo của bà Hạnh, công ty này đưa ra nhiều quảng bá về dự án trồng cây sâm Ngọc Linh, đồng thời “vẽ” ra những ý tưởng hoành tráng, quy mô để lôi kéo nhà đầu tư. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Hạnh đứng ra hứa hẹn, cam kết trả lãi suất 24-48%/năm cho các nhà đầu tư.

Khi làm việc với các nhà đầu tư, Công ty Mỹ Hạnh đưa ra 3 loại hợp đồng gồm: hợp đồng góp vốn trồng sâm Ngọc Linh; hợp đồng vay vốn và hợp đồng bán cổ phần của bản thân bà Phạm Mỹ Hạnh trong công ty.

Bước đầu, cơ quan công an xác định, có khoảng hơn 1.000 nhà đầu tư đã góp vốn vào công ty của bà Hạnh với tổng số tiền hơn 1.264 tỷ đồng.

Nguồn tiền từ việc huy động vốn nêu trên không được bổ sung vào nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, không hạch toán tài chính doanh nghiệp mà chuyển riêng vào tài khoản của đối tượng Hạnh.

Trong số hơn 1.264 tỷ đồng này, bà Hạnh chỉ dùng khoảng 1% để sản xuất kinh doanh, còn lại, đối tượng này dùng để trả lãi cho các hợp đồng tất toán có thời hạn ngắn, chi tiêu cá nhân, mua bất động sản đứng tên của chính Phạm Mỹ Hạnh. Đến nay, có những dòng tiền mà bà Hạnh và công ty đã sử dụng nhưng chưa giải trình được với cơ quan điều tra, chưa rõ mục đích sử dụng…

Theo chỉ huy Đội Cảnh sát kinh tế tội phạm về Kinh tế và chức vụ Công an quận Cầu Giấy, Công ty Mỹ Hạnh đã “thổi phồng” giá trị doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và “vẽ” ra nhiều dự án, kịch bản nhằm đánh vào kỳ vọng của khách hàng, các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp không đúng với thực tế; tự ý thay đổi, nâng giá trị doanh nghiệp để đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cho đến khi biết công ty này bị điều tra, nhiều người mới tá hỏa biết bị lừa. Đến nay, công ty đã mất khả năng thanh toán với lượng tiền huy động của các nhà đầu tư.

Bà chủ Tập đoàn Mỹ Hạnh từng nhận nhiều giải thưởng

Công ty Mỹ Hạnh được thành lập tháng 8/2017. Đến tháng 11/2022, bà Hạnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty.

Công ty Mỹ Hạnh được giới thiệu với những từ ngữ mỹ miều như có mục đích và tôn chỉ là xây dựng, phát triển chuỗi giá trị bền vững của ngành sản xuất sâm Ngọc Linh. Công ty Mỹ Hạnh công bố doanh thu năm sau cao hơn năm trước từ 100% đến 300%.

Cũng theo giới thiệu của Công ty Mỹ Hạnh, họ không chỉ đơn thuần là mua sản phẩm, chế biến và làm thương hiệu như nhiều đơn vị khác mà đi từ gốc và triển khai theo quy trình khép kín, từ việc đầu tư phát triển vườn trồng sâm Ngọc Linh dưới những tán rừng nguyên sinh tại Quảng Nam, cho tới việc hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm và sản xuất tại nhà máy hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống showroom, đại lý trưng bày giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc.

Còn bà Hạnh được biết đến có hoạt động kinh doanh từ khi còn là sinh viên, với vai trò đại lý phân phối sim điện thoại, hàng điện tử, máy văn phòng... Sau đó, bà Hạnh tham gia vào nhiều lĩnh vực như kinh doanh viễn thông, thiết bị chống cháy…

Bà Hạnh khá nổi tiếng và nhận nhiều danh hiệu như “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, “Cúp Bông hồng vàng”...

Gần đây, nhiều người dân đã viết đơn tố giác gửi Công an quận Cầu Giấy vào cuộc điều tra làm rõ về Công ty Mỹ Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng cáo dự án trồng cây sâm Ngọc Linh.

Theo những người tham gia góp vốn, Công ty Mỹ Hạnh đã thực hiện hàng loạt quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, trang web và tổ chức các hội thảo mời người dân đến để mời gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.

Bên cạnh quảng cáo “có cánh” là nhiều lời hứa hẹn và cam kết nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận cao. Công ty hứa hẹn sau 1 năm sẽ nhận cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng trung bình 2,5%.

Tuy nhiên, trả lời báo chí, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam và Kon Tum cho biết, trên địa bàn hai tỉnh này không có dự án trồng sâm Ngọc Linh của Công ty Mỹ Hạnh.

Ngoài được tư vấn nhiệt tình họ còn được công ty này đưa đi tham quan các dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum, liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời giới thiệu dự án được nhà nước hỗ trợ 70% là 16.000 tỷ đồng và kêu gọi người dân góp thêm 30%.

Công ty này hứa hẹn nếu tham gia góp vốn sẽ có quà là các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Nếu giới thiệu người tham gia sẽ được hưởng % hoa hồng, càng nhiều người tham gia sẽ được hưởng nhiều % hoa hồng.

Nhiều người dân tin vì thấy trụ sở của công ty này quảng cáo rất hoành tráng và được nhiều giải thưởng.

Ban đầu, công ty này trả lãi đầy đủ nên nhiều người tiếp tục kêu gọi người thân và vay mượn. Sau một thời gian huy động, đến nay công ty này đã dừng chi trả cả gốc lẫn lãi đối với nhiều người dân.

Công ty này đã mở rộng mạng lưới huy động tại 10 chi nhánh ở các địa phương. Đã có rất nhiều người dân góp tiền cho công ty này.

Đa phần người góp vốn là cán bộ nghỉ hưu, người già thậm chí nhiều người đã vay mượn của người thân, ngân hàng khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok