Kinh tế

Chi tiết mức lương tối thiểu vùng năm 2022

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong năm 2020, 2021, mức lương tối thiểu vùng không tăng. Vậy năm 2022, mức lương tối thiểu vùng là bao nhiêu?

Tính đến thời điểm hiện tại, mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể:

Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.

Lương tối thiểu vùng là gì?

- Là mức thấp nhất chi trả cho người lao động
Mức lương tối thiểu vùng 2022 được xem là mức lương thấp nhất làm cơ sở để các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) thỏa thuận, trả lương.

Chi tiết mức lương tối thiểu vùng năm 2022. Ảnh: Internet

Trong đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thoả thuận phải đảm bảo:

+ Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất;

+ Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

- Là mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu

Tại Điểm 2.6 Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:

+ Đối với NLĐ làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

+ Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

+ Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

+ Với NLĐ làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

- Là cơ sở để trả lương ngừng thử việc

Lương tối thiểu vùng là cơ sở để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Điều 98 Bộ Luật Lao động năm 2019.

- Là cơ sở tính thiệt hại NLĐ phải bồi thường cho người SDLĐ

Tại quy định ở Khoản 1, Điều 129 Bộ Luật Lao động 2019, NLĐ làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người SDLĐ thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người SDLĐ.

Đối với trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố không được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hàng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Bộ luật này.

- Là mức tiền lương tối thiểu khi chuyển NLĐ làm công việc khác với HĐLĐ
Tại Khoản 3 Điều 29 Bộ Luật Lao động 2019, NLĐ chuyển sang làm công việc khác so với HĐLĐ được trả lương theo công việc mới.

Nếu như tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Tác giả: Mai Anh

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

  Từ khóa: lương tối thiểu , kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok