Lan xa nhà, mẹ vẫn gìn giữ mọi đồ đạc trong căn phòng của Lan sạch sẽ và đúng vị trí cũ. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, cứ chừng độ tháng Chạp về, mẹ lại bỏ nhiều thời gian, công sức hơn để chăm chút cho căn phòng ấy.
Cuối năm, trời miền Bắc là cao điểm mùa lạnh. Có những ngày mưa rét, cha gọi điện lên bảo “Mẹ mày lúc nào cũng càm ràm, cầu khấn mong sao có được một ngày trời tạnh ráo, nắng lên!”. Chả là mẹ rất mong có nắng để được sốt sắng mở toang từng cánh cửa phòng con gái cho không khí lưu thông, thoáng đãng.
Cô biết trân trọng hơn những quan tâm, chu đáo của mẹ và thấy mình là người con may mắn, hạnh phúc biết bao. Ảnh minh họa |
Mẹ mong có nắng để lôi tất cả gối chăn, màn chiếu lẫn quần áo cũ của Lan ra kiểm tra rồi phơi phóng lại cho thật sạch sẽ, thơm tho. Đặc biệt, cũng trong suốt chừng nửa đầu tháng Chạp đó, hầu như tối nào mẹ Lan cũng đi ngủ muộn. Mẹ choàng áo bông, ra ngoài ghế ngồi xem tivi và chờ đợi một tiếng chuông điện thoại lảnh lót kêu. Mẹ hy vọng từ thành phố, con gái mẹ đã biết Tết về thật gần...
Thường 27, 28 tháng Chạp, Lan mới xuất hiện ở cổng nhà. Chỉ cần đặt ba lô xuống giường, cô đã thấy mẹ chào đón mình bằng một mâm cơm với cơ man đồ ăn mà Lan thích. Lại đến lượt cha càm ràm: “Suốt mấy hôm nay, mẹ mày cứ cuống cả lên, nấu với nướng suốt, chỉ để đợi mày về ăn thôi đấy!”.
Dù việc chuẩn bị Tết nhất có bận rộn, hối hả thế nào thì trong mọi hành động, tâm thế của mình, lúc nào mẹ cũng có một phần những dự định, kế hoạch dành cho Lan. Khi mẹ nhào ra hàng tạp hóa gần đó mua vàng, hương, hoa quả thì cũng phải tính chuyện tiện thể ghé luôn vào nhà ai đó trong xóm mua thêm vài chục trứng gà quê, dăm cân lạc, đôi cân bột sắn... để cho con gái làm quà.
Đã quá nhiều năm Lan đón nhận sự chăm sóc chu đáo, đầy đủ của mẹ như một lẽ đương nhiên. Thậm chí, có những lần về Tết, Lan thấy mẹ cứ luôn tay, luôn chân sấp ngửa với đủ mọi việc, Lan còn cho rằng mẹ đang tự làm khổ mình.
Giữa tiết trời cuối năm giá rét là thế mà từng manh áo ấm của mẹ cứ dần được tháo bỏ ra. Thảng có lúc ngồi bên bếp củi, Lan còn nhìn rõ từng giọt mồ hôi rơi trên trán mẹ. Có lần Lan lên tiếng: “Ai bắt mẹ phải vất vả thế chứ! Mẹ phải bớt bớt việc đi!”.
Hoặc cũng có năm, sau Tết, thấy mẹ chuẩn bị quà cho mình quá nhiều, Lan nhấc ba lô lên, thấy nặng quá đâm lười. Cô quyết định từ chối, bỏ lại nhà một số thứ. Vậy mà mẹ không ưng, mẹ bảo: “Trên phố chả có những thứ này, mà nếu có thì cũng đắt đỏ.
Con cứ chịu khó mang đi để đỡ phải tốn tiền”. Thế là mẹ lại ấn vào hành trang của con đến chật ních. Lan đâm khó chịu, phát cáu lên với mẹ...
Một năm, cũng chừng giữa tháng Chạp về, trời mưa rét liên miên. Mẹ Lan trên đường đi chợ về, chẳng may trượt chân. Cú ngã tuy không mạnh lắm nhưng có lẽ do thời tiết lạnh, tuổi mẹ đã cao, xương khớp thoái hóa nhiều nên chậm phục hồi.
Tết đến rồi mà mẹ vẫn nằm im một chỗ, chân bó thuốc lá, không di chuyển được. Ngày 27 Tết, Lan trở về, bước vào phòng riêng của mình, thấy mọi đồ đạc lạnh lẽo. Mâm cơm đón Lan cha làm chỉ đơn sơ đôi món luộc. Những ngày sau đó, dù hai cha con Lan đã rất cố gắng trong mọi việc; dù mẹ Lan đã hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình nhưng gia đình vẫn như không có Tết.
Lần đầu tiên, Lan cảm nhận khi mình về nhà, thiếu vắng bàn tay lo toan, ân cần của mẹ, cô bị thiếu đi một điều thực sự lớn lao.
Kể từ độ ấy, dù Lan đã kết hôn, nhưng cứ trời chớm đông là cô cảm thấy đứng ngồi không yên, bắt đầu ngóng về cái Tết để được sớm trở về bên mẹ. Cô cũng đã chủ động gọi điện thoại về cho mẹ nhiều hơn, thăm hỏi sức khỏe, dặn dò mẹ phải cẩn thận đủ đường.
Và khi trở về, trong suốt những ngày Tết ấy, Lan đã thấy mình có nhiều đổi thay. Cô biết trân trọng hơn những quan tâm, chu đáo của mẹ và thấy mình là người con may mắn, hạnh phúc biết bao
Tác giả: Hoàng Anh
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam