Bơm xăng là một trong những bộ phận quan trọng của ô tô mà nếu chỉ gặp một trục trặc nhỏ sẽ ngay lập tức ảnh hướng đến vận hành an toàn của cả chiếc xe. Những triệu chứng "vặt" của bơm xăng xảy ra khá phổ biến nhưng không phải tài xế nào cũng đủ kiến thức để nhận diện sự nguy hiểm tiềm ẩn.
Đừng chủ quan khi xe bị hụt hơi
Kể lại với VietNamNet về sự cố bơm xăng, anh Nguyễn Đăng Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sở hữu chiếc Deawoo Lacetti đời 2011 liên tục nhấn mạnh :"Đúng là bài học nhớ đời".
Anh Minh cho hay, cách đây khoảng một năm, trong một lần đang lái xe trên đường cần tăng tốc, chiếc xe bỗng có cảm giác yếu máy, hụt hơi.
"Lúc đầu, hiện tượng này xảy ra không rõ ràng, rất ít nên tôi không mấy để ý. Nghĩ xe cũ nên yếu máy là đương nhiên. Tuy nhiên, sau những lúc dừng chờ đèn đỏ, tôi đều phải “đệm” thêm ga vào để chiếc xe tăng tốc được được tốt hơn", anh Minh nói.
|
Sau vài ngày, khi đang lưu thông bình thường, chiếc xe có cảm giác giật và ga không mượt. Tuy vậy, anh Minh cũng chỉ nghĩ có thể trước đó anh đổ phải xăng kém chất lượng, lại là lỗi không mấy cấp thiết nên…kệ.
Anh kể tiếp: "Đến cuối tuần khi di chuyển đến đoạn đường cao tốc để về quê, chiếc xe Lacetti của tôi mới thực sự dở chứng nặng, đột ngột lịm máy. Tôi loay hoay tìm đủ mọi cách để khởi động chiếc xe giữa đường cao tốc, dưới trời nắng nóng nhưng hoàn toàn vô ích"
Sau đó, anh phải nhờ đến xe cứu hộ để đưa về gara, tổng chi phí thay bơm xăng và cứu hộ là 5 triệu đồng, trong đó riêng thay bơm xăng hết hơn 3 triệu đồng.
Lỗi bơm xăng không chỉ xảy ra ở xe cũ. Đáng chú ý, gần đây, nhiều hãng xe tại Việt Nam cũng phải triệu hồi hàng chục nghìn xe vì các vấn đề lỗi sản xuất liên quan bộ phận này.
Vụ việc gây xôn xao cộng đồng xe nhất năm 2019 là xe Mitsubishi Xpander. Thời điểm tháng 4-5, rất nhiều khách hàng tại Việt Nam đã phản ánh tình trạng đang đi thì chết máy, xe bị hụt hơi khi tăng tốc. Sau nửa năm, tháng 10/2019, Mitsubishi Việt Nam đã phải triệu hồi hơn 14.000 chiếc Xpander sản xuất từ 14/8/2018 đến 26/8/2019 để thay thế bơm xăng.
Giữa tháng 5 vừa qua, Toyota Việt Nam cũng đã công bố triệu hồi 33.276 xe gồm đủ các thương hiệu từ bình dân như Toyota Corolla Altis, Innova, Fortuner tới hạng sang như Land Cruiser, Lexus 450h. Phần lớn là các xe sản xuất từ 2017-2019.
Ngày 16/6, Honda Việt Nam cũng phát thông báo triệu hồi 19.219 xe, đủ các thương hiệu như CR-V, Civic, Accord, Jazz sản xuất năm 2018-2019.
Trên toàn cầu, Honda triệu hồi tới 1,4 triệu xe, Toyota triệu hồi 2 triệu xe vì lỗi bơm xăng này.
Theo các hãng xe trên, cánh bơm bị lỗi sản xuất khiến cho bơm nhiên liệu bị kẹt và có thể dẫn tới đến tình trạng động cơ không khởi động được hoặc chết máy trong khi lái xe, nhất là khi xe đang tăng tốc, làm tăng nguy cơ tai nạn.
Hãy luôn đảm bảo bình xăng đầy một nửa
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, kỹ sư ô tô Lê Hồng Đại, Giám đốc Công ty Phát triển thương mại Ô tô Đại Linh (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho hay, theo thiết kế, bơm xăng ô tô là một bộ phận rất bền, không hề dễ hỏng như nhiều người tưởng. Nếu không bị lỗi sản xuất, thông thường, tuổi thọ của bơm xăng được từ 8-12 năm mới phải thay.
Bơm xăng hiện nay có 2 loại là bơm thả thùng, nằm trực tiếp trong bình xăng và bơm nằm ngoài. Trong đó, bơm xăng nằm ngoại hiện này xuất hiện ít, thường trang bị trên các dòng xe đời cũ.
Kỹ sự Đại cho hay, bơm xăng thả thùng nằm ngập trong bình xăng và được làm mát bằng xăng. Bộ phận này có thể gặp trục trặc nếu bị nhiễm bẩn, làm việc quá tải như hoạt động quá lâu mà không được làm mát. Nguyên nhân có thể do lái xe thường chạy cố ở trạng thái gần hết xăng, kiệt bình xăng. Khi mức xăng trong bình thấp, bơm không được bôi trơn và làm mát đầy đủ thì sẽ bị nóng quá mức dẫn tới hỏng hóc.
Tuy nhiên, ở trường hợp này, nhiều xe đời cũ không không có bất kỳ tín hiệu nào cảnh báo, kể cả đèn Check Engine cũng không bật sáng.
Theo kỹ sư Đại, các lái xe có thể "cảm nhận" được bơm xăng trên xe mình có bất thường khi gặp các hiện tượng như xe chạy ì hơn, thỉnh thoảng bị hụt hơi, ga không mượt, đề dai hoặc xe đang chạy, đột nhiên chết máy. Vào buổi sáng, xe chỉ khởi động được duy nhất lần đầu tiên, chạy khoảng một phút đột nhiên chết máy và không thể khởi động lại dù khi vặn khóa điện trục khuỷu vẫn quay.
Bơm xăng vốn là bộ phận rất bền trong ô tô |
Để tự “bắt bệnh”, lái xe có thể bật khóa điện ở vị trí ON, lắng nghe xem có tiếng ồn phát ra từ khu vực bình xăng không. Nếu không thấy, có thể là bơm hỏng, đứt dây, lỏng tiếp xúc hoặc rơ-le điện có vấn đề.
Tại các gara, các kỹ sư ô tô sẽ kiểm tra kỹ hơn như tắt khóa điện, tháo ống dẫn xăng vào giàn phun, sau đó bật khóa ở chế độ ON, nếu xăng trào ra ngoài chứng tỏ bơm vẫn còn làm việc.
Theo kỹ sư Đại, trên các xe ô tô đời mới hiện nay đều trang bị một cổng chờ trong khoang động cơ. Đó là nơi lắp áp kế để kiểm tra áp suất bơm. Nếu áp suất xăng thấp, đó là dấu hiệu cho thấy bơm yếu hoặc tắc đường ống.
"Khi xe có bất thường về bơm xăng thì chủ xe nên lập tức đưa ngay tới các gara uy tín để được hỗ trợ. Chủ xe biết “bắt bệnh” sớm sẽ phòng tránh được rủi ro tai nạn và giảm thiểu chi phí sửa chữa", kỹ sư Đại khuyến cáo.
Theo kỹ sư Lê Hồng Đại, có 5 nguyên tắc để bảo vệ bơm xăng ô tô như sau:
- Nếu chạy xe đường dài, nên nghỉ ngơi mỗi 70-100km: Nghỉ ngơi không chỉ giúp người lái xe lấy lại sự tỉnh táo trong hành trình dài mà thực sự còn giúp chiếc xe của bạn được “nghỉ ngơi”. Khoảng thời gian khoảng 15-20 phút nghỉ là rất cần thiết cho hầu hết các bộ phận của xe, kể cả bơm xăng, nhất là vào mùa hè.
- Xăng trong bình luôn đảm bảo còn khoảng 1/2: Bình xăng đầy giúp bơm xăng được làm mát thường xuyên, giúp gia tăng tuổi thọ của cụm bơm.
- Thay thế lọc xăng thô, lọc xăng tinh và xúc rửa kim phun định kỳ: Điều này sẽ khiến xăng sạch hơn, bơm xăng được lưu thông tốt hơn.
- Kiểm tra đường dẫn, điểm tiếp xúc định kỳ: Hệ thống đường dẫn, điểm tiếp xúc có thể bị bẩn, kẹt khiến xăng khó lưu thông hơn. Những bộ phận này cũng có thể bị tuột hoặc bị chuột cắn.
- Chỉ thay thế bộ phận nào hỏng: Thông thường bơm xăng chỉ hỏng mô-tơ bơm, còn các bộ phận liên quan như: phao báo xăng, dây dẫn, ống dẫn, bộ gá cụm bơm sẽ không hỏng nếu không phải do tác động bên ngoài. Do đó, khi đến gara sửa chữa, chủ xe cũng nên kiểm tra kỹ và chỉ thay thế bộ phận nào bị hỏng, giúp tiết kiệm chi phí.
Tác giả: Nguyễn Hoàng
Nguồn tin: Báo VietNamNet