Thế giới

Châu Âu rúng động sau khi 27 người di cư chết đuối khi cố vượt eo biển Channel đến Anh

Chiếc xuồng bơm hơi mong manh chở 34 người từ bờ biển nước Pháp vượt qua eo biển Manche đến Anh đã chìm. Ít nhất 27 người được xác định đã thiệt mạng trong một tai nạn bi thảm, nơi một cuộc khủng hoảng di cư khác ở châu Âu đang “nóng”, khủng hoảng eo biển Manche.

Tai nạn bi thảm trong cuộc khủng hoảng eo biển Manche

Ít nhất 27 người di cư, gồm 7 phụ nữ, một người đang mang thai và 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong nỗ lực vượt eo biển Manche để tiếp cận bờ biển nước Anh, khi chiếc xuồng bơm hơi của họ bị xì hơi và chìm ngoài khơi cảng phía bắc Calais, tỉnh Pas-de-Calais, Pháp. Đây là ngày chết chóc nhất tại eo biển Channel theo đánh giá của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) khi IOM bắt đầu thu thập dữ liệu vùng biển này từ năm 2014.

34 người được cho là đã lên chiếc thuyền hơi khi nó khởi hành từ bờ biển quận Dunkirk, tỉnh Nord, Pháp. Theo Bộ Nội vụ Pháp, các tàu tuần tra đã phát hiện thi thể và những người bất tỉnh dưới nước sau khi nhận tin báo chiếc xuồng bị chìm từ một ngư dân. Hai người được cứu vớt, mang quốc tịch Iraq và Somali, nhập viện trong tình trạng hạ thân nhiệt nghiêm trọng.

Một chiếc xuồng bơm hơi bị xì hơi được người di cư bỏ lại trên bãi biển gần Wimereux, Pháp, ngày 24/11. Ảnh: Reuters / Gonzalo Fuentes.

Pháp đã điều 3 trực thăng cùng nhiều tàu thuyền tham gia tìm kiếm người di cư từ còn mất tích sau sự cố lật xuồng. Các công tố viên Pháp đã mở một cuộc điều tra. Năm nghi phạm buôn người liên quan trực tiếp đến vụ vượt biên mạo hiểm đã bị bắt giữ.

Trong cuộc họp báo hôm 24/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson bày tỏ sốc trước vụ việc, gọi tai nạn là vụ chết chóc bi thảm; cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn cùng với Pháp

Ông Johnson cho biết, nước này sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho Pháp để tuần tra các bãi biển phía bắc nước này, nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư qua eo biển Manche giữa hai nước để vào Anh.

Ông Johnson nhấn mạnh, những nỗ lực của chính quyền Pháp trong việc tuần tra các bãi biển của họ là chưa đủ và Pháp cần làm việc nhiều hơn.

Không chỉ là vấn đề của châu Âu!

Tối 24/11, sau tai nạn, Thủ tướng Johnson đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cấp bách của việc đẩy mạnh các nỗ lực chung để ngăn chặn những vụ vượt biên mạo hiểm; lưu ý việc cần thiết phải duy trì các giải pháp để phá vỡ đường dây của các băng nhóm buôn người. Mặt khác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ với Bỉ và Hà Lan, cũng như các quốc gia khác trên lục địa châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông mong muốn Anh hợp tác toàn diện và nhấn mạnh "trách nhiệm chung" của hai nước trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Ông Macron cũng kêu gọi một cuộc họp khẩn của châu Âu cũng như việc đầu tư nhiều hơn cho cơ quan bảo vệ biên giới EU (Frontex).

Nhóm hơn 40 người di cư trên một chiếc xuồng bơm hơi, rời bến gần Wimereux, Pháp ngày 24/11 để vượt eo biển Manche vào Anh. Ảnh: Reuters/ Gonzalo Fuentes.

“Pháp sẽ không để eo biển Channel trở thành.. nghĩa địa.”, ông Macron tuyên bố.

London đã lặp lại lời đề nghị tổ chức các cuộc tuần tra chung với Paris ngoài khơi bờ biển Pháp gần Calais, vị trí hướng ra vùng nước hẹp nhất của eo biển với đường chim bay chỉ khoảng 34km, nơi từ Pháp có thể nhìn thấy Anh vào những ngày trời quang mây tạnh, cũng là bến thuyền mà hầu hết người di cư tập kết.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho rằng, khủng hoảng di cư ở eo biển Manche không chỉ là vấn đề của London và Paris hay của châu Âu, mà là một vấn đề quốc tế. Ông Darmanin kêu gọi các quốc gia châu Âu khác, bao gồm Đức, Bỉ,.. nơi những người di cư “quá cảnh” trên đường di chuyển đến bờ biển của Pháp và sau đó là Anh, hãy làm nhiều hơn nữa để giúp giải quyết khủng hoảng.

Từ Pháp, người di cư vượt qua eo biển Manche bằng xuồng hơi để đến Anh. Ảnh: GM.

Eo biển Manche là một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới, nơi dòng chảy mạnh, nước lạnh trong khi những chiếc xuồng bơm hơi mà người di cư hay sử dụng khi vượt biên thường trong tình trạng quá tải.

Theo Pháp, 31.500 người đã cố gắng đến Anh kể từ đầu năm và 7.800 người đã được cứu trên biển. Trong khi theo các nhà chức trách Anh, hơn 25.700 người không có giấy tờ đã vượt qua eo biển Manche đến Anh bằng những loại thuyền nhỏ trong năm nay, tăng gấp ba lần so với con số được ghi nhận vào năm 2020.

Tác giả: Văn Phong

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok