Thế giới

Châu Âu rầu rĩ khi mắc kẹt giữa Putin và Trump

Đối với EU, ưu điểm duy nhất trong việc Trump trở thành tổng thống Mỹ là tự dưng Putin bị mất vị thế "độc quyền" ở khía cạnh "khó đoán".

Châu Âu bị kẹt giữa hai nhà lãnh đạo khó đoán là Trump và Putin. (Ảnh: AFP)
Theo Guardian, các quốc gia châu Âu đã rất tích cực trong việc gửi các sứ giả kín đáo đến New York để tìm cách hiểu rõ những ý định của tổng thống đắc cử Donald Trump.

Thủ tướng Đức, Angela Merkel, người từng cảnh báo Trump về trách nhiệm nặng nề trong việc dẫn dắt nước Mỹ, đã gửi cố vấn thân tín của mình là Christoph Heusgen sang gặp tướng Michael Flynn - cố vấn an ninh quốc gia của Trump – vào cuối tháng 12 vừa rồi.

Tổng thống Pháp François Hollande cũng đã cử cố vấn ngoại giao Jacques Audibert sang Mỹ.

Thủ tướng Anh Theresa May mới đây thông báo bà sẽ đích thân đến Washington để trực tiếp gặp ông Trump vào mùa xuân này.

Thủ tướng Anh Theresa May sắp sang Washington để trực tiếp gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo ở châu Âu vẫn gần như "lạc lối", không biết nên mong đợi gì ở tổng thống mới đắc cử của nước Mỹ - người liên tục đưa ra các tuyên bố về chính sách đối ngoại thông qua Twitter.

"Chúng ta đang sống trong một thế giới khác", một quan chức chính phủ Đức nói với báo Guardian, sau khi ông này chỉ ra rằng ở thời ông Obama, Đức và Mỹ đã hợp tác chặt chẽ đến mức nào trong vấn đề Ukraine cũng như các vấn đề khác.

2 nguy cơ của châu Âu khi bị "kẹt" giữa Trump và Putin

Những người dân chủ Mỹ thất vọng và "rầu lòng" về Trump đã đành, cảm giác ấy ở những người dân chủ châu Âu còn mạnh mẽ và rõ rệt hơn, vì sự lo lắng của họ còn gắn với các yếu tố địa chính trị.

Với Trump ở Nhà Trắng và Putin đang "hài lòng" ở Kremlin, châu Âu thấy mình đang bị "kẹt" giữa một tảng đá lớn và một nơi khó khăn.

Tảng đá lớn chính là Trump với xu hướng chê bai các liên minh và bày tỏ sự đồng cảm với những chính trị gia phi tự do ở châu Âu. Thậm chí việc phu nhân của Trump đã được sinh ra và lớn lên ở Slovenia cũng là điều được cho là sẽ ảnh hưởng tới sự quan tâm của ông tới khu vực này.

Nơi khó khăn chính là kỳ vọng của Putin về việc có nhiều thêm các cơ hội mới để thúc đẩy chính sách đối ngoại theo hướng theo cách làm lợi nhất cho lợi ích quốc gia của Nga ở châu Âu.

Đối với châu Âu, có hai nguy cơ phát sinh. Nguy cơ đầu tiên là các nguyên tắc tồn tại từ khi thành lập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (năm 1949) - bao gồm các cam kết duy trì "dân chủ, tự do cá nhân và các quy định của pháp luật" - có thể bị Trump "vứt vào sọt rác".

Lễ ký chính thức thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1949. Dưới thời Trump, châu Âu lo ngại sẽ có sự rạn nứt trong NATO khi tổng thống mới của Mỹ không coi trọng liên minh này . (Ảnh; EPA)
Nguy cơ thứ hai là châu Âu có thể chứng kiến sự trở lại của những "ảnh hưởng cũ", nơi kẻ mạnh có thể làm điều mình muốn và bên yếu hơn phải gánh chịu những điều mà chọ phải chịu đựng. Đó là khi các nước lớn chạy theo lợi ích quốc gia của mình và không để tâm đến những hậu quả mà cả châu lục cũng như các nước láng giềng nhỏ hơn phải gánh chịu.

Trong viễn cảnh đó, Guardian cho rằng tổng thống Nga Putin sẽ mở rộng vòng tay chờ đợi bất cứ quốc gia châu Âu nào muốn thúc đẩy các thỏa thuận với Nga, để bù đắp cho sự lạnh nhạt của ông Trump ở NATO.

Bài báo của Guardian nhận định, đẩy châu Âu ra xa Mỹ là mục tiêu mà ông Putin đã tỏ rõ bấy lâu.

Những quan chức tình báo của Đức và Pháp cũng đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ các cuộc bầu cử ở đất nước họ cũng sẽ bị Nga can thiệp, thông qua việc "hack" các hệ thống mạng và các chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch. Và việc chính tổng thống đắc cử Donald Trump lên tiếng hoài nghi về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ lại càng làm cho các chính khách châu Âu cảm thấy nản chí.

Lợi ích duy nhất châu Âu đang thấy ở Trump

Châu Âu không phải chưa từng gặp vấn đề trong quan hệ với Mỹ. Mỹ và Nga cũng không phải chưa từng đạt được tiếng nói chung nào. Vấn đề châu Âu lo ngại hiện nay, là dưới thời Trump, liệu các "thỏa thuận" giữa Trump và Putin có đồng nghĩa với việc Trump sẽ đồng ý với những "định đoạt" mà Putin đưa ra?

Đức thì hy vọng rằng Trump sẽ dần bị thuyết phục và tiếp tục gìn giữ di sản của mối quan hệ 70 năm giữa Mỹ và châu Âu. Dù Đức được coi là "người lãnh đạo cuối cùng của phương Tây", nhưng khi không có Mỹ, Đức rất khó thực hiện nhiệm vụ đó một mình.

Ở Pháp, việc hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố là điều cần thiết.

Đối với Anh, cứu vãn "mối bang giao đặc biệt" với Mỹ là điều phải làm khi Anh sắp rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) sau sự kiện Brexit.

Thế nhưng, các nhà lãnh đạo ở châu Âu vẫn đang trong tình trạng khá chán nản trước người lãnh đạo mới của Mỹ. "Chúng tôi đang đợi, hãy chờ xem" là trạng thái chung của họ.

Có lẽ "bài kiểm tra" đầu tiên cho mối quan hệ Mỹ -EU dưới thời tổng thống mới chính là Ukraine. Nếu Trump dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga trong vấn đề Ukraine, liệu châu Âu có thể còn tiếng nói chung với Mỹ?

Đức đã phát đi một cách kín đáo thông điệp rằng, nếu Trump làm như vậy, một "rạn nứt xuyên Đại Tây Dương" sẽ xuất hiện, và Đức sẽ không thể làm ngơ nếu lợi ích của châu Âu bị đe dọa. "Chúng tôi có thể sẽ [mang quân] đến đó [Ukraine]", một quan chức Đức nói, sau đó nhanh chóng thêm vào rằng khả năng đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả bầu cử tổng thống ở Pháp. Các cuộc thảo luận về tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu cũng đang được thúc đẩy.

Cho tới gần ngày Trump nhậm chức, chẳng nhà lãnh đạo nào ở châu Âu nắm được các chiến lược của tân tổng thống Mỹ. Một vài người cho rằng, ưu điểm duy nhất trong việc Trump trở thành tổng thống Mỹ là tự dưng Putin bị mất vị thế "độc quyền" ở khía cạnh "khó đoán". Đây có thể là một điều an ủi trong ngắn hạn, nhưng không phải là một yếu tố để đi xây dựng lòng tin.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok