Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cáo buộc Iran “có nhiều vi phạm” với thỏa thuận hạt nhân, bất chấp việc chính quyền Washington, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho rằng Tehran vẫn đang tuân thủ. Ông cho biết sẽ không ủng hộ thỏa thuận hạt nhân đã được ký năm 2015 này.
Việc này sẽ chưa có tác động pháp lý trực tiếp lên các công ty đang đầu tư vào, hoặc buôn bán với Iran. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ sẽ có thời hạn 60 ngày để cân nhắc có tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran hay không
Thông tin này đang khiến giới chức châu Âu lên kế hoạch khẩn cấp để bảo vệ các công ty như Airbus, Total, Siemens hay Peugeot. Họ đã ký nhiều hợp đồng khổng lồ với Iran, từ sau khi các lệnh trừng phạt lên nước này bị gỡ bỏ vào tháng 1/2016.
Một máy bay A321 của Airbus giao cho Iran Air. Ảnh: AFP |
“Brussels vẫn đang quan sát. Chưa có kế hoạch chắc chắn nào cả. Tuy nhiên, nếu Mỹ định làm điều gì đó ảnh hưởng đến việc làm ăn hợp pháp của người châu Âu với Iran, chúng tôi sẽ phải chú ý”, David O’Sullivan - đại sứ EU tại Mỹ cho biết trên Financial Times.
Hàng chục tỷ USD đầu tư và thương mại từ phương Tây đã đổ vào quốc gia này kể từ đầu năm ngoái. Các nước châu Âu là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Khi đó, sau nhiều năm đàm phán, Tehran đã ký hiệp ước với Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc. Theo thỏa thuận, nước này sẽ thu hẹp quy mô hoạt động hạt nhân, để được gỡ bỏ các lệnh cấm vận.
Kể từ đó, Iran đã xuất khẩu gấp đôi lượng dầu mỗi năm, nhằm kéo đất nước ra khỏi suy thoái sau nhiều năm bị cô lập. Họ cũng có được lượng đầu tư nước ngoài cần thiết. Nhiều thỏa thuận lớn đã được ký với các công ty hàng đầu thế giới, như Total (4,8 tỷ USD), Boeing (20 tỷ USD), Airbus (25 tỷ bảng) và Peugeot (0,4 triệu euro). Iran còn đang đàm phán thỏa thuận 600 triệu USD với Hemla và một hợp đồng nhiều tỷ USD với Shell.
EU là đối tác thương mại hàng đầu của Iran, trước khi nước này bị cấm vận kinh tế năm 2010. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng gấp đôi, lên gần 10 tỷ euro nửa đầu năm nay.
Tuy vậy, Tehran vẫn thường xuyên phàn nàn rằng họ không nhận được lợi ích kinh tế như kỳ vọng. Các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ với cáo buộc Iran tài trợ khủng bố vẫn khiến các tổ chức tài chính phương Tây ngần ngại làm ăn với nước này.
Vì vậy, việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ gây ra “ảnh hưởng rất lớn” lên các công ty châu Âu tại Iran, Andrew Keller - luật sư tại hãng luật Hogan Lovells nhận xét. Các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ luôn có quy mô quốc tế. Họ cấm các công ty đầu tư vào Iran tiếp cận các tổ chức tài chính Mỹ, hoặc sử dụng đồng đôla nước này.
Dù vậy, những lệnh trừng phạt này cũng có thể khiến chính các công ty Mỹ gặp khó. Boeing đã ký thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD, bán 110 máy bay cho Iran. Hãng này cho biết thỏa thuận trên có thể tạo ra 118.000 việc làm tại Mỹ.
Các nỗ lực của châu Âu nhằm tạo ra “khiên sắt” chống lại các lệnh trừng phạt tiềm tàng của Mỹ đến nay vẫn chưa có hiệu quả, bà Nathalie Tocci - Giám đốc Viện Nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế tại Rome cho biết. “Đó là lý do các chính trị gia phải vào cuộc để bảo vệ thỏa thuận này”, bà cho biết.
Trong trường hợp mọi nỗ lực thất bại, các công ty châu Âu vẫn có thể chọn chiến lược rủi ro, là phớt lờ các lệnh trừng phạt của Mỹ, với hy vọng Washington sẽ không có đủ năng lực để đối phó với sự phản đối quy mô lớn như thế. Họ kỳ vọng các nước trên thế giới sẽ cùng có động thái này.
“Đến một mức độ nào đó, Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu tất cả các nước đều vi phạm luật của nước này”, Timothy O’Toole - luật sư tại Miller & Chevalier cho biết, “Nó còn tùy vào việc cộng đồng doanh nghiệp châu Âu có đủ dũng cảm chống lại cả hệ thống tài chính Mỹ hay không”.
Dù vậy, một nhà đầu tư châu Âu từng làm việc tại Iran cho biết sự thiếu chắc chắn về tương lai của thỏa thuận này đang ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại đây rồi. “Nếu biết là Tổng thống Mỹ sẽ không công nhận thỏa thuận này, tôi sẽ không tới Iran. Thế nên, nhà đầu tư mới sẽ thấy chùn chân. Còn chúng tôi thì đã dấn quá sâu để có thể rút chân rồi”, ông kết luận.
Tác giả: Hà Thu
Nguồn tin: Báo VnExpress