Trong tỉnh

Chàng trai khuyết tật tài hoa

Từ những hạt gạo vô tri, bằng đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, Cao Văn Tuân (SN 1987), ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã khiến chúng trở nên sinh động đủ màu sắc và có ý nghĩa riêng trên mỗi bức tranh. Những bức tranh của Tuân với đủ thể loại như: Tranh phong cảnh, chân dung, tranh thư pháp… khách hàng có thể mua tranh về trang trí nhà hoặc tặng bạn bè, người thân.

Đam mê chữ Hán Nôm

Sinh ra trong gia đình có hai anh em, Tuân là anh trai cả trong gia đình. Bố Tuân là bộ đội về hưu, mẹ Tuân làm nông nghiệp. Khi sinh ra, Tuân cũng như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng rồi trong một lần nằm võng không may Tuân bị ngã. Sau di chứng của tai nạn đó, Tuân bị ảnh hưởng thần kinh khiến nửa người bên trái bị khuyết tật khó vận động được. Năm lên 4 tuổi, Tuân mới bắt đầu tập đi. Lớn lên, Tuân đến trường như các bạn cùng trang lứa. Điều khiến các bạn học nể phục Tuân là mặc dù không được may mắn như các bạn bình thường khác nhưng Tuân vẫn luôn học tốt. Suốt 12 năm học, Tuân luôn đạt học sinh tiên tiến. Yêu thích chữ Hán và có niềm đam mê nghiên cứu về chữ Hán nên sau khi tốt nghiệp THPT, Tuân đã dự thi vào ngành Hán Nôm, khoa Ngữ văn – Trường Đại học (ĐH) Huế. Nỗ lực học tập, Tuân luôn được các thầy cô quan tâm và đánh giá cao về thành tích học tập, năm 3 và 4 ĐH Tuân đạt sinh viên giỏi.

Năm 2009, khi ra trường, Tuân cũng có cơ hội đi làm nhưng do công việc không phù hợp với ngành học và sức khỏe nên Tuân đã từ chối.

Trong thời gian ở nhà, Tuân đã suy nghĩ, có thể tự tạo ra công việc phù hợp từ chính khả năng và niềm đam mê của mình. Cũng thích vẽ tranh và có năng khiếu vẽ tranh, Tuân đã nghĩ đến việc làm tranh. Tuân muốn tạo sự khác biệt với những dòng tranh trên thị trường. Lúc đó, trên thị trường đã có dòng tranh cát. Nghiên cứu về tranh cát, Tuân nghĩ: Làm sao để tìm một nguyên liệu thân thuộc hơn trong cuộc sống để làm tranh? Sau những ngày trăn trở, Tuân chợt nghĩ đến hạt gạo. Hạt gạo trắng sau khi rang lên sẽ chuyển thành nhiều màu sắc tùy thuộc vào nhiệt độ rang. Nghĩ là làm, năm 2011, Tuân bắt tay vào thực hành làm tranh bằng hạt gạo. Những ngày đầu, Tuân gặp nhiều khó khăn khi mày mò tập rang gạo. Thử nghiệm nhiều cách rang, thất bại cũng nhiều rồi Tuân mới rút được kinh nghiệm.

Có duyên với hạt gạo

Nhớ lại hành trình tự học của mình, Tuân cười nói: Tôi đến với tranh gạo bằng con số 0, sau đó là hành trình tự tìm tòi và đúc kết nên kinh nghiệm. Năm 2011, ở Việt Nam rất ít người làm tranh gạo, vì vậy tôi cũng không có tài liệu để học hỏi, mà chủ yếu là tự học. Đó là cả hành trình kiên nhẫn và quyết tâm của tôi khi những ngày đầu học rang gạo. Nhiều mẻ gạo rang lên không đạt màu như ý muốn bị bỏ đi rồi tôi lại hì hục rang lại. Điều đặc biệt là ngay những mẻ gạo rang đầu tiên tôi đã đạt được một số màu cơ bản, hạt gạo lại không bị nổ. Lúc đó tôi nghĩ mình có duyên với hạt gạo nên càng có thêm nghị lực để tiếp tục kiên trì thử nghiệm và đạt được thành công.

Tuân bật mí: Làm tranh gạo, khó nhất là khâu rang gạo. Sau khi chọn những hạt gạo dài, to đều, có độ bóng sẽ đem rang lên. Hạt gạo bình thường là màu trắng nhưng khi rang lên nó có thể cho ra đủ các màu sắc với khoảng 13, 14 màu. Các màu chủ đạo như: Trắng, trắng đục, đỏ nhạt, đỏ đậm, nâu… Khi rang gạo phải vừa lửa, nếu lửa to quá hạt gạo sẽ cong lại không thể dán vào tranh được. Trong quá trình rang gạo, Tuân đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm từ chính cảm nhận bản thân trong việc điều chỉnh nhiệt độ để tạo màu hạt gạo.

Để làm được một bức tranh cơ bản khổ 30 x 40, Tuân mất khoảng 3 đến 4 ngày, giá bán tranh dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng. Cũng có những bức tranh Tuân làm giá vài triệu đồng tùy thuộc vào kích thước tranh. Những ngày đầu làm tranh gạo, điều làm Tuân trăn trở nhất là việc xử lý mối mọt để hạt gạo được bền. Tuân đã tìm hiểu qua mạng và hỏi một số Trung tâm Bảo vệ thực vật về cách xử lý mối mọt, đến nay, Tuân đã thành công. Tranh của Tuân có độ bền cao, mặc dù đã làm nhiều năm nhưng màu vẫn sáng bóng tự nhiên. Chính vì vậy mà nhiều bạn hàng mua tranh từ những năm đầu Tuân mới làm tranh đến nay vẫn là “khách hàng ruột” của cửa hàng.

Từ những thành công của bản thân, Tuân đã thường xuyên giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh không may mắn như mình và những thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2016, Tuân đã tham gia đào tạo 2 lớp (20 người) làm tranh gạo và hiện Tuân vẫn thường xuyên giao tranh cho các học viên làm nhằm tạo thu nhập cho các học viên. Hiện nay, Tuân đang là Ủy viên Ban chấp hành Liên chi hội người khuyết tật Thanh Hóa; Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo trợ người khuyết tật huyện Quảng Xương.

Tâm sự về dự định sắp tới, Tuân cho biết: Trong thời gian tới, Tuân sẽ mở rộng cửa hàng, đa dạng hình thức tranh hơn để có cơ hội tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho những thanh niên khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thành công với con đường lập nghiệp riêng, Cao Văn Tuân đã được nhiều người biết đến là tấm gương vượt khó vươn lên. Từ khi bắt đầu làm tranh, đến nay Tuân đã đạt được nhiều thành tích với nhiều giấy khen, bằng khen của địa phương và ngành chức năng. Năm 2016, Tuân được tham dự Hội nghị tuyên dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Bằng khen của Liên hiệp hội người khuyết tật Việt Nam… Tuân cũng vinh dự được tham gia nhiều chương trình truyền hình như: Hôm nay ai đến, Cuộc sống vẫn tươi đẹp… Đó là niềm vinh dự lớn lao, là động lực để Tuân thêm quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok