Giới trẻ

Chàng trai đam mê trang điểm: 'Tôi vẫn là trai thẳng'

Khi việc trang điểm ngày càng trở nên phổ biến cũng là lúc các chàng trai bắt đầu bị mê hoặc bởi những hộp phấn, cây son bắt mắt.

Wang Yuepeng (25 tuổi, đến từ Hà Nam, Trung Quốc) vẫn tức giận khi nhớ về lần đầu tiên mua một cây son Dior. Anh nhớ ánh mắt của nhân viên bán hàng cùng câu hỏi châm chọc: "Anh định mua cái này về dùng à?". Thái độ của nữ nhân viên khiến Yuepeng không giấu được bực tức, anh nhanh chóng đáp trả: "Tôi dùng thì có vấn đề gì không?".

So với bây giờ, có lẽ việc đàn ông dùng phấn son còn khá lạ lẫm đối với mọi người ở thời điểm đó. Nhưng hiện tại, chuyện làm đẹp không còn chỉ dành cho con gái nữa, bởi càng ngày càng nhiều chàng trai bắt đầu "nghiện" trang điểm.

Họ không chỉ dừng ở những thỏi son dưỡng chữa nẻ, mà còn sử dụng thành thạo dụng cụ trang điểm, thậm chí trở thành chuyên viên make up có tiếng tăm và trình độ.

Việc trang điểm không còn quá xa lạ đối với các chàng trai. Ảnh: Sixth Tone.

Những anh chàng... không nam tính?

Số liệu trang Sixth Tone đưa ra cho thấy không chỉ riêng phái nữ, các chàng trai Trung Quốc cũng để ý đến vẻ ngoài của mình. Theo Euromonitor International năm 2016, doanh số của những mặt hàng như nước hoa, đồ vệ sinh nam tăng 5,1% với cùng kỳ năm 2012.

Không dừng lại ở đó, khi ngoại hình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày, cộng thêm sự ảnh hưởng của những mỹ nam "đẹp hơn hoa" đến từ Hàn Quốc, nam giới Trung Quốc bắt đầu chăm chút vẻ đẹp với những loại mỹ phẩm phục vụ phái đẹp như son môi, phấn, kẻ mắt, kẻ mày...

Điều này có thể thấy rõ rệt ở các video, hình ảnh được đăng tải trên mạng, quả thực không hiếm chàng trai sở hữu cặp mắt to, làn da trắng như em bé và đôi môi hồng mọng. Họ thường được gọi là "xiaoxianrou" (tiểu thịt tươi) bởi vẻ ngoài ngọt ngào của họ.

Song Geng - giáo sư Đại học Hong Kong, Trung Quốc - cho rằng: "Các chàng trai thậm chí còn thay đổi những gì một người đàn ông vốn có".

Từ trước đến nay, nam giới luôn được gắn với hình tượng mạnh mẽ, ăn to nói lớn, tuyệt đối không yểu điệu thục nữ. Vì vậy, hình ảnh những chàng trai nữ tính khá kỳ quặc trong con mắt nhiều người, mặc dù đây không phải xu hướng tiêu cực.

Đàn ông thích trang điểm là xu hướng toàn cầu hay chỉ là sở thích của vài cá nhân? Ảnh: Tang Xiaolan/Sixth Tone.

Wang Yuepeng là một ví dụ điển hình. Từ khi còn là học sinh cấp 3, Yuepeng đã bị quyến rũ bởi những vật dụng làm đẹp vốn chỉ dành cho các bạn nữ. Món đồ đầu tiên anh sở hữu là hộp che khuyết điểm trị giá 15 tệ (khoảng 45.000 đồng) ở cửa tiệm tạp hóa.

Không còn là chàng trai ngây thơ ngày ấy, nay Yuepeng trở thành chuyên viên trang điểm có trình độ, đồng thời là beauty blogger nổi tiếng với gần 2 triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội.

Sự nghiệp của Yuepeng phát triển rực rỡ không kém các beauty blogger nữ. Anh thường xuyên được mời đến sự kiện làm đẹp hay tiệc ra mắt sản phẩm của các nhãn hàng nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới.

Trang Sixth Tone còn tiết lộ beauty blogger nam nổi tiếng nhất có thể kiếm được 10 triệu NDT/năm từ việc bán sản phẩm "cộp mác" mình và quảng cáo xuất hiện trong các video.

Là sinh viên đại học, Che Huixuan gặp không ít rắc rối với sở thích của mình. Ảnh: Tang Xiaolan/Sixth Tone.

Nếu như Yuepeng là beauty blogger đi đầu trào lưu nữ tính thì Che Huixuan (21 tuổi) lại chỉ là sinh viên đại học bình thường. Song giữa hai chàng trai có một điểm chung, đó là niềm đam mê với trang điểm.

Thoạt nhìn, Che Huixuan không có điểm gì khác biệt so với các sinh viên nam cùng lứa tuổi. Ký túc xá của anh chàng cũng bừa bộn không kém ai, nhưng có một điều đặc biệt: Bên cạnh chồng sách vở ngổn ngang, đồ đạc lộn xộn, Che dành riêng một góc gọn gàng, ngăn nắp để cất đồ trang điểm.

"Chẳng ai nói rằng chỉ con gái mới được trang điểm cả" - nam sinh ngành Kiến trúc nói.

Ban đầu, Che chỉ trang điểm để phục vụ cho mục đích lên sân khấu trình diễn. Nhưng sau này, khi trở nên quen thuộc, cậu bắt đầu tô son, đánh phấn, kẻ lông mày tỉ mỉ kể cả ngày thường.

Tuy Che rất thích khuôn mặt khi đã được trang điểm, cậu vẫn gặp nhiều rắc rối với sở thích của bản thân. Trong lần trở về quê nhà ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), người lớn đã chỉ trích Che vì "vẽ mặt quá trắng". Đây cũng là điều dễ hiểu bởi xưa nay, trong tâm trí của các cụ, con trai lúc nào cũng phải "mình đồng da sắt", cứng rắn mới đáng mặt trượng phu.

Che chia sẻ: "Phần lớn mọi người có định kiến với những chàng trai thích trang điểm. Chính điều ấy đã củng cố khái niệm cứ con trai thì nhất định phải đao to búa lớn".

Trang điểm không còn là chuyện riêng của các cô nàng điệu đà nữa. Ảnh: Sixth Tone.

Trên Sixth Tone, Zeng Xuening - beauty blogger sở hữu 1,7 triệu lượt theo dõi trên Weibo - hy vọng có một ngày phái mạnh có thể thoải mái trang điểm và tự tin đi trên phố mà không cần lo lắng những ánh nhìn săm soi luôn hướng về phía mình nữa.

"Vài cô gái từng tuyên bố trên mạng xã hội kể cả họ có uống rượu bia, xăm mình hay hút thuốc, họ vẫn là những cô gái tốt chính hiệu. Vậy thì tôi cũng tuyên bố rằng dù tôi có làm đẹp, tô son, đánh phấn, kẻ lông mày đi chăng nữa, tôi vẫn là người đàn ông chuẩn" - Zeng cứng rắn nói.

Trang điểm nhưng vẫn là 'trai thẳng'

Tại Nhật Bản, khái niệm "Genderless Kei" hay "phong cách phi giới tính" đã trở nên khá phổ biến. Thậm chí, vài người nổi tiếng còn xây dựng hình tượng theo phong cách này. Genderless Kei có thể là con trai hoặc con gái, nhưng những chàng trai nữ tính lại được chú ý hơn cả.

Theo Tokyo Fashion, đặc điểm thường thấy nhận biết một chàng trai theo đuổi phong cách phi giới tính chính là đầu tóc nhuộm sặc sỡ, gương mặt trang điểm đáng yêu, đeo kính áp tròng nhiều màu, ngay cả móng tay cũng được trang trí bắt mắt, đặc biệt sở hữu thân hình mảnh mai.

Tuy vậy, có một điều chắc chắn rằng đa số anh chàng ăn mặc theo phong cách này đều là "trai thẳng". Vì thế, Genderless Kei được nhìn nhận như xu hướng thời trang hơn là vấn đề về giới tính.

Toman - thành viên ban nhạc đến từ Nhật XOX, kiêm người mẫu nổi tiếng - chia sẻ: "Tôi không nghĩ bản thân là chàng trai phi giới tính, tôi chỉ cảm thấy đang được làm chính mình, được mặc những gì mình yêu thích".

Ryucheru nổi tiếng nhờ phong cách phi giới tính mình theo đuổi. Anh muốn truyền cảm hứng cho những chàng trai muốn thử "Genderless Kei". Ảnh: Tokyo Fashion.

Bên cạnh đó, câu chuyện của cậu bé Jack Bennet (10 tuổi) cũng phần nào chứng minh đàn ông make up không còn là việc quá kỳ lạ hay khó chấp nhận.

Những gì được đăng trên Instagram của cậu bé này chắc chắn sẽ khiến nhiều cô gái "phục sát đất" bởi trình độ trang điểm quá chuyên nghiệp. Đa số dân mạng đều khen ngợi tài trang điểm của Jack. Số ít lại cho rằng việc này không phù hợp với trẻ em.

Nhờ những hình ảnh ấy, không chỉ nổi tiếng trên Instagram với 331.000 lượt theo dõi, Jack còn khiến nhiều hãng mỹ phẩm nổi tiếng như MAC và NYX chú ý.

Gương mặt được trang điểm khá cầu kỳ của Jack Bennet. Ảnh: The New York Times.

Liệu nam giới có nên trang điểm?

Trên trang Quora từng có một câu hỏi như thế này: "Phụ nữ có bị thu hút bởi đàn ông trang điểm hay không?".

Dưới câu hỏi ấy, tài khoản Linda Russel bình luận: "Nếu một chàng trai trang điểm vì sở thích, tôi rất sẵn sàng đón nhận anh ấy. Nhưng nếu anh ta lúc nào cũng trang điểm để cố tình giấu đi những khiếm khuyết của bản thân, tôi sẽ không chấp nhận. Chúng ta đều là con người, ai cũng có khuyết điểm, phải chấp chận chứ không phải che giấu nó".

Danielle Lan thì cho rằng: "Ai cũng có quyền được trang điểm! Xã hội cần thay đổi cách nhìn, bởi họ cũng là con người, dù họ có ăn mặc hay trang điểm như thế nào đi chăng nữa. Chúng ta phải được tự do làm điều mình thích".

"Tôi bị thu hút bởi những anh chàng đánh mắt và sơn móng tay" - Sati Marie Frost khẳng định.

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh câu hỏi: "Đàn ông có nên trang điểm hay không?". Ảnh: Premium Beat.

Chưa hết, theo một thống kê của trang Debate, 84% người dùng cho rằng đàn ông có thể trang điểm, trong khi lượng người không đồng tình chiếm tỷ lệ 16%.

Một người giấu tên cho biết lý do phản đối việc đàn ông trang điểm: "Là một phụ nữ, tôi không thoải mái khi nhìn thấy đàn ông trang điểm hay quá nữ tính. Điều này xúc phạm đến cả hai giới. Ranh giới giữa hai giới tính nên được vạch rõ. Đàn ông không nên trang điểm, vì việc đó chỉ dành cho phụ nữ và ngược lại, phụ nữ cũng không nên cư xử như đàn ông".

Người khác chia sẻ: "Tôi không thích ý tưởng đàn ông nên make up. Họ sinh ra để làm những việc nam tính, chứ không phải trở nên xinh đẹp. Khi nhìn thấy một người đàn ông trang điểm ở phố, tôi thường nhìn khá lâu và cảm thấy anh ta thật kỳ quặc. Tuy nhiên, trang điểm để phục vụ cho việc biểu diễn trên sân khấu lại là ngoại lệ".

Tác giả: Khánh Linh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok