Thị trường nhạc Việt ngày càng bớt sôi động và thiếu chuyên nghiệp, theo các nhà chuyên môn, một phần do không còn ai quan tâm đến việc kinh doanh ca sĩ như trước đây.
Đầy ắp rủi ro
Từng khá mát tay trong đào tạo ca sĩ nhưng nay, khi được đề nghị đầu tư cho một giọng ca tiềm năng, nhạc sĩ Phương Uyên từ chối thẳng vì "khó làm lắm". Điều này không lạ khi thời nay, đầu tư kinh doanh ca sĩ là công việc đầy ắp rủi ro. Lý do được người trong giới đưa ra là "không thể đoán được thị trường, càng không thể đón đầu sự thay đổi thị hiếu công chúng". Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến hầu hết các nhà đầu tư ngại kinh doanh ca sĩ vì "khi mọi thứ trông chờ vào may mắn thì tốt nhất nên tìm việc khác chắc chắn hơn để làm" - nhạc sĩ Phương Uyên khẳng định.
Dự án đầu tư nhóm P336 do Công ty Quản lý MCV Corp & MBC Entertaiment (Nhật Bản) làm chủ với mục đích xây dựng hình mẫu nhóm nhạc đa năng có thể tham gia nhiều lĩnh vực khác nhau như: ca hát, nhảy, sáng tác, rap, diễn xuất, viết, dẫn chương trình,... ít nhiều khiến người trong giới nghi ngại. Ngay chính những người tham gia công tác đào tạo theo hợp đồng hợp tác cùng chủ đầu tư cũng thấy e dè. Bởi "thị trường Việt Nam không chuyên nghiệp nên mọi hợp đồng hợp tác có thể "gãy" bất cứ lúc nào, thậm chí không có lý do chính đáng vì sự thúc đẩy của yếu tố ngoại cảnh" - ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ.
Hiền Mai, giọng ca được đánh giá cao nhưng vẫn loay hoay không biết làm gì để trở thành ca sĩ thực thụ vì thiếu ông bầu |
Dễ hiểu điều ca sĩ Hoàng Bách nói khi các thành viên của nhóm P336 đều là trẻ vị thành niên và mọi quyết định đều do phụ huynh của các bé quyết định. Phụ huynh luôn là đối tác khiến chủ đầu tư e ngại bởi đôi khi lợi ích cá nhân làm lu mờ mục đích chung được xây dựng từ phút ban đầu.
Tự bỏ tiền đầu tư hay được khoán "làm bầu" (do gia đình "tài năng" bỏ tiền toàn bộ), các ông bầu đều e ngại "nhập cuộc". Điều này trái ngược so với trước đây khiến người ngoài cuộc khó hiểu. Bởi, trong nhận thức của mỗi người, ca sĩ vẫn là một trong những nghề đang kiếm được nhiều tiền nhất, nhất là khi bảng cát-sê "khủng" của giới ca sĩ được giới bầu sô công bố rộng rãi. Thế nhưng, theo ca sĩ Thanh Thảo, "thời buổi này, đâu dễ ăn như vậy".
"Công việc kinh doanh ca sĩ xem như hết thời vì khả năng thu hồi vốn còn không có làm sao dám nghĩ đến kiếm lãi. Các sản phẩm âm nhạc đều cần đầu tư lớn mới đủ sức gây ấn tượng với khán giả nhưng chưa chắc sẽ có sô diễn khi mà hoạt động biểu diễn ngày càng teo tóp. Ngoại trừ vài giọng ca hàng đầu vẫn đắt sô, hầu hết ca sĩ đều chơi nhiều hơn hát. Nhiều ca sĩ phải làm thêm nghề tay trái như kinh doanh thời trang, mỹ phẩm hay buôn bán bất động sản để có có điều kiện lo cho cuộc sống bản thân và nuôi dưỡng niềm đam mê" - ca sĩ Tóc Tiên thừa nhận.
Ca sĩ phải tự "bơi"
Khi các ông bầu chiến lược từ bỏ công việc từng giúp họ kiếm ra tiền này thì ca sĩ phải tự thân vận động. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bảo: "Showbiz luôn dang tay đón tất cả mọi người nhưng vào đi rồi biết, sân chơi này chẳng dễ tí nào, thậm chí rất khó chơi cho những ai đi con đường dài. Muốn chơi cần phải có vốn liếng: tiền, kiến thức và cả quan hệ xã hội. Thiếu một trong những thứ đó đều không thể "chơi" được".
Điều ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nói là sự thật. Ngày nay, muốn làm ca sĩ, trước hết phải có tiền. Minh chứng là không ít quán quân, á quân bước ra từ các cuộc thi trên sóng truyền hình, dù rất ồn ào trong giai đoạn tranh tài nhưng sau đó lại im hơi lặng tiếng chỉ vì thiếu tiền. Hiền Mai - giọng ca cực kỳ ấn tượng của đội Noo Phước Thịnh trong "Giọng hát Việt" - đã tỏ ra hoang mang sau khi cuộc thi kết thúc. "Tôi chẳng biết làm gì tiếp theo cả. Tạm thời cứ đi học" - Hiền Mai cho biết. Thanh Nga, giọng ca ấn tượng không kém quán quân Hiền Mai, cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bởi trước khi tìm cho bản thân cơ hội mới ở chương trình truyền hình thực tế "Giọng hát Việt 2016", Thanh Nga từng được yêu thích khi thường xuyên biểu diễn ở vài phòng trà. Nhưng khi cuộc thi kết thúc, hoàn cảnh của Thanh Nga cũng chẳng khá hơn bởi cơ bản lấy đâu ra tiền để đầu tư. "Để có thể đến với công chúng, ca sĩ ngày nay không chỉ có giọng hát tốt mà còn cần đến chiến lược phát triển chuyên nghiệp bao gồm cả hình ảnh, truyền thông,..." - Thanh Nga nói.
Tương tự, những giọng ca được đánh giá rất chất như Anh Đạt hay Minh Trí, Ngọc Phát,… đều không thể biết mình có thể trở thành ca sĩ chuyên nghiệp được hay không khi thiếu người đầu tư đúng nghĩa.
Tự "bơi" trong khát vọng của mình, nhiều giọng ca (dù được công chúng đón nhận bởi chất giọng tốt, lạ) đã rơi rụng dần vì thiếu nguồn lực. "Làm ca sĩ thời nay mà không được trang bị mọi thứ và có sản phẩm âm nhạc thì có hát hay cỡ nào cũng sẽ lu mờ" - Hồ Quỳnh Hương khẳng định. Chưa kể ngay cả có tiền nhưng không đủ để sắm cho mình một ê-kíp giỏi nghề, tính toán đường hướng phát triển một cách hoàn hảo thì cũng "oằn" mình tự bươn mà chưa chắc đáp ứng đòi hỏi rất cao của công chúng hiện nay.
Tác giả: Thùy Trang
Nguồn tin: Báo Người lao động