Theo báo cáo số liệu thống kê từ Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 45 hồ chứa do các Công ty Thủy nông quản lý, đến thời điểm này 6 hồ bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2017.
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều hồ chứa không đảm bảo an toàn |
Cụ thể, 2 hồ chứa lớn là Đồng Bể (huyện Triệu Sơn) và hồ Kim Giao 2 (huyện Tĩnh Gia) được xây dựng từ những năm 1991 và 1993, đến nay đã xuống cấp trầm trọng, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư bằng nguồn vốn vay WB8. Ngoài ra, 4 hồ chứa vừa và nhỏ cũng đối mặt với nguy cơ mất an toàn là Kim Giao 1, Khe Tuần tại huyện Tĩnh Gia; Bai Ngọc, Bai Ao tại huyện Ngọc Lặc.
Ngay cả 39 hồ chứa còn lại, dù được đánh giá đảm bảo an toàn vẫn tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ. Ví dụ, kiểm tra tại hồ chứa nước Cửa Đạt, phát hiện thấy 71 vết nứt bê tông bản mặt với tổng chiều dài là 130,65m; tại phần dốc tràn cũng có đến 903 vết, tổng chiều dài là 622,71m; tại vị trí khe lún số 1 vẫn xuất hiện hiện tượng nhựa đường chảy với lượng nhỏ giọt.
Tại hồ chứa nước sông Mực, ở cao trình (+16.50m) mái hạ lưu đập có hiện tượng lún thêm so với đợt kiểm tra sau lũ năm 2016 từ 15-50cm, chiều dài lún 60m; tại phần đỉnh vòm hành lang có hiện tượng nước đọng, một số điểm thấm nước chảy thành giọt liên tục. Nước trong hành lang thoát ra ngoài phụ thuộc vào cao trình mực nước hạ lưu nên hành lang liên tục ngập nước, phải dùng bơm điện, bơm nước dọc hành lang khi cần thiết để kiểm tra công trình.
Tại hồ chứa Yên Mỹ, qua kiểm tra cũng phát hiện thấy 5 vùng thấm ở chân mái hạ lưu…
Ảnh: Việt Khánh |
Đối với 565 hồ chứa nước do UBND các xã và HTX trực quản lý, phần lớn là những công trình nhỏ, được xây dựng từ lâu bằng phương pháp thủ công, hiện 373 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp, đặc biệt 115 hồ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như: Mặt cắt đập nhỏ, chiều rộng mặt đập bé, không có thiết bị thoát nước hạ lưu, mái thượng hạ lưu bị xói lở nghiêm trọng, mái hạ lưu bị thấm khi hồ tích đầy nước, xuất hiện cung trượt.
Hiện chỉ có 77/610 hồ chứa có quy trình vận hành được duyệt theo quy định, còn lại cơ bản chưa lập quy trình vận hành trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt mà chỉ thực hiện dựa theo kinh nghiệm.
Rà soát tổng thể, trên địa bàn toàn tỉnh có 624/1.023 đập dâng chưa được đầu tư sửa chữa. Trong số này, 111 công trình do địa phương đầu tư quản lý và 5 công trình khác do các công ty quản lý (đập Tén Tần, đập Poom Buôi của huyện Mường Lát; đập Chiềng Lau của huyện Bá Thước; đập đá đổ Phúc Tĩnh, đập Yên Giang của huyện Yên Định).
Tương tự, trong số 14 cống tiêu lớn của tỉnh chỉ có 4 cống: Bộ Đầu, Âu Mỹ Quan Trang, Âu Báo Văn và Mộng Giường còn đảm bảo, các cống còn lại có tuổi thọ trên 20 năm nên các hệ thống đều xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến công tác vận hành tiêu thoát lũ.
Từ thực tế cho thấy, việc quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Nan giải nhất là nguồn cấp bù thủy lợi phí của các đơn vị hàng năm chưa đáp ứng được về số lượng. Kế tiếp là chi phí cho công tác duy tu bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ từ 5-11%.
Ảnh: Việt Khánh |
Tương tự, nguồn vốn dành cho sửa chữa, nâng cấp theo chương trình an toàn hồ chứa còn hạn chế và không được bố trí thường xuyên, nguồn cấp bù thủy lợi phí mới đáp ứng được công tác quản lý, vận hành và sửa chữa các hư hỏng nhỏ, vì thế mỗi khi xảy ra sự cố nghiêm trọng thì khó tránh khỏi tình trạng mất an toàn.
Trước tình hình trên, Sở NN-PTNT kiến nghị bố trí nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình đáp ứng cho mùa mưa lũ cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng 121 hồ chứa không đảm bảo an toàn, dự kiến cần 1,5 tỷ đồng/hồ để thực hiện gia cố, tu sửa. Về lâu dài cần lập dự án đầu tư để thực hiện đồng bộ các hạng mục công trình, kinh phí từ 10-15 tỷ đồng/hồ.
“Đầu tháng 5/2017, Sở NN-PTNT đã có công văn gửi các đơn vị quản lý yêu cầu kiểm tra, lập phương án phòng chống lụt bão năm 2017. Đối với các hồ đập được phê duyệt phải tiến hành thống kê vật tư, nhân lực hiện có. Ngược lại những hồ đập không đáp ứng được yêu cầu thì chủ đầu tư phải lên phương án sửa chữa, cải tạo trình duyệt đến các các đơn vị chức năng để kịp thời triển khai, hoàn thiện kịp thời trước mùa bão lũ 2017, trong trường hợp không xử lý được phải báo cáo lên trên để có hướng xử lý”, ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa. |
Tác giả: Việt Khánh
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam