Hạn chế mời giáo viên địa phương
Trường ĐH Ngoại thương chủ trì cụm thi xét tuyển ĐH của tỉnh Quảng Ninh. Các địa điểm thi tập trung ở thành phố Hạ Long và Uông Bí.
Ông Lê Việt Anh, phó Trưởng phòng Quản lý – đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, dự định sẽ sử dụng nguồn giáo viên THPT của Hà Nội, các giảng viên của trường và giáo viên tỉnh Quảng Ninh chấm thi là chủ yếu.
Trường sẽ mời giáo viên Quảng Ninh vào ban chỉ đạo để họ tiện đánh giá, giám sát quy trình chấm thi.
Trường ĐH Ngoại thương chủ trì cụm thi xét tuyển ĐH của tỉnh Quảng Ninh. Các địa điểm thi tập trung ở thành phố Hạ Long và Uông Bí.
Ông Lê Việt Anh, phó Trưởng phòng Quản lý – đào tạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết, dự định sẽ sử dụng nguồn giáo viên THPT của Hà Nội, các giảng viên của trường và giáo viên tỉnh Quảng Ninh chấm thi là chủ yếu.
Trường sẽ mời giáo viên Quảng Ninh vào ban chỉ đạo để họ tiện đánh giá, giám sát quy trình chấm thi.
Trường ĐH Thương Mại chủ trì cụm thi xét tuyển ĐH ở Hà Nam sẽ sử dụng đội ngũ giáo viên của trường, CĐ Sư phạm Hà Nam, ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên trường chuyên của Hà Nam.
Nếu thiếu, hội đồng thi sẽ huy động lực lượng giáo viên THPT của Hà Nam.
Trường ĐH Thương mại cũng mời giáo viên Hà Nam tham gia chỉ đạo công tác chấm thi. Các bài thi sẽ được chấm ở cơ sở 2 của ĐH Thương mại tại Hà Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết, sẽ sử dụng giáo viên của trường và mời giáo viên khối THPT của Sở GD-ĐT TP.HCM chấm cho thí sinh cụm thi Đồng Nai.
“Hiện tại chúng tôi đã có văn bản gửi Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị giúp đỡ. Trường cũng sẽ mời những giáo viên có năng lực, trình độ ở TP.HCM chấm thi.
Trong trường hợp bí quá, không đủ giáo viên của TP.HCM sẽ phải mời thêm giáo viên của Trường ĐH Đồng Nai vì trường này có tiền thân là CĐ Sư phạm Đồng Nai, đội ngũ giảng viên của họ có nhiều người có thể tham gia chấm thi”.
Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết, Trường tổ chức cụm thi cho thí sinh của tỉnh Long An nhưng sẽ thi tại Trường ĐH Sài Gòn và chấm thi ở đấy. Giáo viên của ĐH Sài Gòn, giáo viên THPT của TP.HCM và Long An sẽ tham gia chấm thi.
“Chúng tôi chỉ mời một số ít giáo viên của Long An để họ thấy chấm thi là công bằng, nghiêm túc. Việc chấm thi theo quy trình, sau khi chấm xong sẽ có bộ phận chấm kiểm tra nên không sợ có thiên vị”- ông Sơn nói.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến sẽ chấm thi cho 2 cụm thi do Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM chủ trì và cụm thi do Trường ĐH Luật TP.HCM chủ trì.
TS Nguyễn Chí Thông, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Bách Khoa TP.HCM cho biết, trường tổ chức thi cho thí sinh các quận 12, BìnhTân, Củ Chi, Hóc Môn thuộc địa bàn TP.HCM nên giáo viên chấm thi là giáo viên của Trường và của Sở GD-ĐT TP.HCM phân công nhưng không thuộc các quận, huyện trên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM cho biết, “Chúng tôi tổ chức thi cho thí sinh các quận 5, 6, 8, 10, 11 nên nhất quyết không sử dụng giáo viên của những quận này chấm thi, mà sử dụng giáo viên ở những quận khác ở TP.HCM để công bằng”.
Cụm thi sở chọn giáo viên địa phương chấm bài
Các cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì ở một số tỉnh phía Bắc chủ yếu sử dụng giáo viên địa phương chấm thi.
Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì cụm thi xét tốt nghiệp THPT với 391 điểm thi, 16.442 thí sinh. Công tác chấm thi của sở dự kiến sẽ do giáo viên THPT của Hà Nội và các giảng viên của 7 trường ĐH phối hợp tham gia chấm bài tự luận.
Ông Nguyễn Văn Tuế, phó GĐ Sở GD-ĐT Quảng Ninh cho biết, ở cụm do sở chủ trì chưa chốt nguồn giáo viên chấm thi nhưng có thể sở sẽ sử dụng giáo viên của tỉnh Quảng Ninh để chấm thi tự luận là chính. Ngoài ra, sở cũng mời giáo viên từ các trường ĐH phối hợp tổ chức thi nhưng số lượng không được nhiều.
Năm nay, tỉnh Quảng Ninh có tới 48% học sinh chỉ thi xét tốt nghiệp, tăng 10% so với năm 2015.
Ông Tuế cho hay, việc sử dụng đội ngũ giáo viên tại chỗ thuận lợi hơn cho công tác tổ chức chấm thi và việc ăn ở, đi lại. Giáo viên chấm thi cho từng huyện được trộn lẫn từ nhiều huyện khác nhau.
Việc này không ảnh hưởng đến tính khách quan của khâu chấm thi vì quan trọng là các khâu tổ chức, điều hành, kiểm tra, giám sát trong quá trình chấm bài.
Ông Trần Văn Thao, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nam cho biết cách làm như sau: bài thi tự luận của 2 huyện (Lý Nhân, Kim Bảng) và TP Phủ Lý thì để giáo viên của 3 huyện (Duy Tiên,Bình Lục, Thanh Liêm) chấm và ngược lại.
Hà Nam quy định các huyện không chấm trên bài của thí sinh mình dạy.
Nhiều cụm đưa bài thi về TP.HCM chấm
Một số ĐH chủ trì cụm thi ở địa phương phía Bắc và Nam cho biết, sẽ mang bài về Hà Nội, TP.HCM chấm thi để công bằng, minh bạch và tiết kiệm.
Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội sẽ mang bài của thí sinh Quảng Ninh về Hà Nội và tổ chức chấm thi tại trường.
Ông Nguyễn Kim Hồng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, với những bài thi ở các địa phương khác sẽ được mang về Sài Gòn để chấm và sử dụng giáo viên tại chỗ của trường.
Ông Phạm Thái Sơn, phó GĐ Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho hay, trường phối hợp với Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh tổ chức cụm thi ở Tây Ninh. Sau ngày thi, trường sẽ chuyển bài thi về địa điểm của trường ở quận Tân Phú (TP.HCM) và mời các giáo viên ở Tây Ninh lên thành phố tham gia công tác chấm thi.
Trường ĐH Luật TP.HCM được giao chủ trì cụm thi tại tỉnh Bến Tre, sau khi kết thúc kỳ thi cũng sẽ đưa bài về TP.HCM rọc phách, bốc thăm và chấm.
Tương tự, được giao chủ trì cụm thi ở tỉnh Gia Lai, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ vận chuyển toàn bộ bài thi từ Gia Lai về trụ sở tại TP.HCM để chấm thi.
Tác giả bài viết: Lê Huyền - Nguyễn Hường