Nhân ái

"Cha con chết rồi, con và mẹ khổ lắm !..."

16 năm sống trên cõi đời là 16 năm Thảo Uyên sống nhờ… máu người khác. Người cha đã bán nhà để chữa trị cho em, làm quần quật 16 – 18 tiếng mỗi ngày để mua máu duy trì sự sống cho em. Trong 1 lần mưu sinh, cha em ngã từ cây cao xuống đất tử vong, em gái nhỏ chẳng biết bấu víu vào đâu…

16 năm sống nhờ máu người khác

Nguyễn Phương Thảo Uyên sinh năm 2001, có hộ khẩu thường trú tại quận Bình Thạnh, TPHCM. Dù gia đình nội Thảo Uyển ở gần trung tâm TP lớn nhất nước nhưng thực ra rất nghèo khó, cả gia đình mười mấy người sinh sống trong 1 căn nhà nhỏ ở ven ao rau muống nằm sâu trong 1 con hẻm nhỏ ở phường 21, quận Bình Thạnh.

Vì nhà đông con, ít đất nên khi anh Nguyễn Bá Tình (sinh năm 1960, cha Thảo Uyên) lớn lên, lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hường thì 2 vợ chồng đến Bình Dương làm ăn, lập nghiệp. Ngờ đâu, khi vừa ổn định nhà cửa ở quê hương mới thì chị Hường bất ngờ té ngã khi đang đi làm. Đến bệnh viện cấp cứu mới biết chị bị viêm màng não lâu ngày mà không phát hiện. Chị Hường kể: “Mình thấy sốt thì mua thuốc uống cho hạ sốt rồi đi làm, chứ ai ngờ bệnh nặng vậy đâu!”.

Ngày ấy, căn bệnh viêm màng não vật chị Hường một trận thập tử nhất sinh, tưởng đâu không qua khỏi vì chị đã hôn mê sâu, toàn thân tê liệt. Để cứu vợ, anh Tình bán hết nhà cửa để có tiền điều trị. Thời may chị Hường qua khỏi, nhưng di chứng để lại là chị bị yếu nửa người, đi lại khó khăn, không làm được việc nặng và mắc chứng động kinh.

Sau cơn bạo bệnh, chị Hường bị động kinh mãn tính, phải uống thuốc hàng ngày để cầm cự

Tưởng chừng trắc trở đã qua, 1 năm sau thì Thảo Uyên ra đời giúp gia đình nhỏ thêm ấm cúng. Ai ngờ, khi Thảo Uyên được vài tháng thì gia đình phát hiện bất thường khi cháu ốm quắt queo, da xanh rớt và hay bệnh tật.

Sau mấy tháng thăm khám, điều trị qua nhiều bệnh viện, cuối cùng các bác sĩ phát hiện bé mắc chứng thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), phải điều trị suốt đời.

Tai họa chất chồng khiến anh Tình bất lực. Anh đành đưa vợ con về lại căn nhà nhỏ của mẹ già, xin chỗ đặt 1 cái giường nhỏ cho vợ con sinh sống, còn mình làm đủ thứ nghề để nuôi vợ, mua máu truyền cho con hàng tháng. Từ đó, Thảo Uyên bắt đầu quãng đời sống nhờ máu của người khác dựa vào đồng lương bán sức của cha…

Họa vô đơn chí

Năm 2008, khu nhà bà nội Thảo Uyên giải tỏa để xây chung cư. Nhận mấy trăm triệu tiền bồi thường cho căn nhà nhỏ, bà nội Thảo Uyên quyết định chia cho mỗi người con 60 triệu đồng để tự xoay xở nơi ăn chốn ở.

Nhận số tiền ít ỏi mẹ cho, cha Thảo Uyên về vùng gò mả bỏ hoang của xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn mua 1 căn nhà nhỏ xây không phép bằng giấy tay để vợ con có nơi chui ra chui vào.

Còn anh mỗi ngày thức dậy từ 5h sáng để vào quận 1 làm công nhân chăm sóc vườn cây xanh cho 1 nhà văn hóa. Tranh thủ giờ rãnh giấc trưa và chiều tối, anh nhận cắt tỉa cây xanh đường phố để có thêm thu nhập. Mỗi ngày anh làm quần quật từ sáng đến đêm để có tiền lo cho vợ yếu, con thơ bệnh tật.

Vậy mà khốn khó không bỏ qua cho gia đình nghèo khổ này. Năm 2013, bệnh của Thảo Uyên ngày càng nặng khi lượng sắt tích tụ trong lá lách ngày càng nhiều. Cuối cùng, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật cắt bỏ 1 phần lá lách. Một lần nữa, anh Tình quyết định bán nhà để lo cho con.

Suốt 16 năm qua, Thảo Uyên phải sống nhờ vào máu của người khác

Để rồi sau đó, anh Tình mướn 1 miếng đất trống cạnh nhà cũ dựng cái chòi nhỏ cho cả nhà ở. Phần đất còn lại anh trồng 1 số loại cây kiểng để kiếm thêm trả tiền thuê đất, trả nợ tiền phẫu thuật cho con. Vậy là ngoài giờ làm chính, giờ làm thêm, khi về nhà lúc 21h tối anh lại dành thêm 2 – 3 tiếng chăm sóc vườn kiểng, mỗi ngày quần quật 18 – 20 tiếng đồng hồ.

Trong 1 ngày cuối năm 2015, có lẽ vì quá lao lực, anh Tình té ngã từ cây cao khi nhận “mối” cắt cành cây ở trường đua Phú Thọ sau giờ làm. Cú ngã khiến anh gãy tay, chấn thương sọ não và đã qua đời ở bệnh viện, chấm dứt quãng đời vất vả ở tuổi 55. Nhưng từ đó, người vợ yếu ớt và đứa con bệnh tật của anh cũng bơ vơ…

Sau khi cha mất, chủ đất cho mẹ con bé Thảo Uyên ở không, không thu tiền thuê đất nhưng căn chòi nhỏ đã rách nát đến mức không thể nào che nắng che mưa

Cha em chết rồi, còn ai lo cho em…

Chị Hường cho biết: “Chồng mất, em lại về nhà mẹ chồng (cũng là 1 căn nhà nhỏ mua giấy tay ở xã Đông Thạnh) xin đặt 1 tấm nệm để 2 mẹ con ngủ, bà cho gì ăn nấy. Nhưng còn tiền thuốc thải sắt, vào máu cho con thì em chịu. mẹ chồng cũng không giúp được thêm vì bà cũng 76 rồi…”.

Sau ngày chồng mất, chị Hường cũng cố nén đau xin đi phụ bán quán nước, quán cơm ở quanh nhà để nuôi con. Nhưng khi bưng bê thức ăn cho khách, chị thường xuyên bất ngờ té ngã bất tỉnh, lên cơn co giật ngay giữa quán nên chẳng ai thuê chị nữa.

“Sau đó em nhận vé số đi bán dạo. Nhưng cứ vài ngày đang chạy xe đạp trên đường đi bán thì em lại bất tỉnh 1 lần, cứ thức dậy là thấy mình được người ta đánh gió, lay tỉnh ở trong 1 nhà nào đó ven đường... Riết rồi tiền kiếm được không bù đủ tiền thuốc nên em cũng nghỉ bán”, chị Hường tâm sự.

Mẹ con chị Hường về lại nhà mẹ chồng, xin 1 chỗ đặt tấm nệm để ngủ, nương tựa cùng người mẹ già đủ thứ bệnh tật quấn thân

Sau khi cha mất, Thảo Uyên cũng đành nghỉ học sau khi hoàn tất chương trình học lớp 9. Em cũng nhận vé số về bán ở đầu hẻm. Thế nhưng, vì sức khỏe quá yếu nên cứ bán được 5 – 7 ngày là em lại sốt 1 trận kéo dài 3 – 4 ngày phải nghỉ bán. Làm được vài tháng như vậy thì đại lý cũng không giao vé cho em bán nữa.

Địa phương muốn giúp gia đình chị Hường cũng khó vì ngày gia đình chị chuyển đến xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn mua nhà thì nhà không giấy nên không nhập khẩu được, nay thì càng không vì gia đình chị không còn nhà. Nơi mà gia đình chị đăng ký hộ khẩu thường trú (phường 21, quận Bình Thạnh) thì không có nhà và đã chuyển đi từ 10 năm nay. Do đó, đến cái hộ nghèo mà chị xin mấy năm nay để đỡ tiền thuốc cho con cũng không được cấp…

Chính quyền địa phương xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hường

Chị Hường thở dài: “Bác sĩ mới xét nghiệm bảo lượng sắt giờ đang tích tụ nhiều trong gan, phải phẫu thuật cắt bớt. Nhưng giờ tiền vào máu, mua thuốc thải sắt cho nó hàng tháng đều phải vay mượn anh em, hàng xóm mà không biết ngày nào trả được, tháng sau cũng không biết có còn mượn được nữa hay không chớ nói gì đến tiền phẫu thuật…”.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô bé Thảo Uyên gần 17 tuổi mà bé choắt như đứa trẻ lên 10 rấm rứt: “Giờ cha em chết rồi, còn có ai lo được cho em đâu…”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 2809: Chị Nguyễn Thị Hường (mẹ bé Thảo Uyên)

Địa chỉ: 258/27/4 đường Đặng Thúc Vịnh, ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Điện thoại: 0909.495.109

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok