Những ngày cuối năm chúng tôi có mặt tại gia đình anh Trần Hưng Lan (SN1965), xóm Xuân Quỳnh, xã Thanh Xuân, Thanh Chương, Nghệ An để ghi nhận một sự thật đến đau lòng nếu như không tận mắt chứng kiến.
Ngôi nhà của gia đình anh nằm gần bên một con hồ lớn. Mặt nhà hướng ra mặt nước của con đập này. Tuy nhiên, phía trước án ngự một ngôi mộ của người quá cố đã tồn tại hàng chục năm qua cũng làm cho gia đình anh như u ám hơn. Trong câu chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ anh Lam và vợ là chị Nguyễn Thị Lưu (SN 1972) thi thoảng lại bật khóc.
Chị Lưu bảo, gia đình chị có thằng nhỏ Trần Hưng Phúc (SN 2011) đang bị bệnh thận giai đoạn cuối giờ như ngàn cân treo sợi tóc, chết lúc nào không hay… “Chú à. Bây giờ không biết làm thế nào nữa rồi. Đau đớn lắm, hằng ngày nhìn con thế này người mẹ nào mà không đứt ruột chứ. Chú có cách nào giúp cháu được không?...”, chị Lưu mở đầu câu chuyện.
Vợ chồng anh Lan lấy nhau cũng trong cái cảnh nghèo khó, cuộc sống thường ngày chỉ trông chờ vào ít sào ruộng và vườn chè xanh nơi huyện miền núi khô cằn xứ Nghệ. Chị Lưu lần lượt hạ sinh 5 người con trong đó Trần Hưng Phúc là con trai duy nhất của gia đình.
Ngày Phúc chào đời bà con họ hàng đôi bên, láng giềng đều chúc mừng cho gia đình anh chị vì sau khi hạ sinh 4 người con gái thì nay gia đình anh cũng đã có con trai nối dõi. Nhưng niềm vui chưa kịp nở nụ cười thì sóng gió lại đổ ập xuống. Hưng Phúc thường xuyên đau ốm, em không phát triển như những đứa trẻ bình thường, cơ thể em còi cọc... dù đã lên 8 tuổi như Phúc chỉ cao bằng đứa bé 3 tuổi.
Năm 2016, thấy con bị cảm khá nặng, lại sốt cao vợ chồng anh Lan đưa con xuống bệnh viện tuyến tỉnh để khám. “Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ cháu bị còi xương, suy dinh dưỡng, xuống bệnh viện khám để biết đường điều trị thôi. Nào ngờ con tôi lại mắc phải căn bệnh hiểm nghèo đến thế. Nếu có điều kiện khám, chạy chữa từ sớm thì con tôi đã không đến nông nỗi như ngày hôm nay”, anh Lan nghẹn ngào.
Cũng vì cái nghèo nên đã nhiều lần con ốm liệt giường vợ chồng anh chị vẫn không thể đưa cháu đến bệnh viện. Để rồi hôm nay khi bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy thận mãn tính anh chị mới tá hỏa vái tứ phương cầu cứu. Và Phúc được chuyển thẳng ra bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Tại đây các bác sĩ kết luận cháu bị suy thận giai đoạn cuối.
“Hơn 1 năm trời con phải nằm ở bệnh viện, hai vợ chồng phải thay nhau túc trực bên con. Nhiều tháng liền tôi cũng chỉ dám ăn tạm ổ bánh mỳ hay đợi những suất cơm từ thiện mà các nhà hảo tâm đến phát để tiết kiệm chi phí rồi lo tiền thuốc thang cho con. Nhiều người thương cho bộ quần áo, hay ít tiền cũng phải để dành dụm lo cho con”, anh Lan nghẹn ngào.
Cũng từ ngày cháu Phúc mang trọng bệnh, mọi tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi. Căn nhà và toàn bộ đất đai cũng đã được anh Lan mang đi thế chấp để vay mượn lấy tiền chạy chữa cho con. Nơi nào có thể vay mượn được, ai có thể nhờ vả anh cũng đã tìm đến mong cứu được con mình.
Qúa kiệt quệ, chi phí điều trị tại Hà Nội quá cao anh chị đành xin đưa con về nhà chăm sóc. Hàng ngày người mẹ nghèo lại phải thay bác sĩ, chuyền vào bụng con hai bịch nước điện giải (một bịch khoảng 2 lít).
“Mỗi lần chuyền nước vào trong bụng cho cháu mất 6 tiếng đồng hồ. Bơm nước vào trong bụng là để ngâm khoảng 2 tiếng nữa mới cho nước thoát ra ngoài. Anh thấy đó, chuyền nước vào là bụng cháu phình lên như cái trống vậy. Khi tháo hết nước ra chỉ còn lại lớp da bọc xương. Có những đêm cháu đau không ngủ được tôi cũng thức cùng con. Có hôm nó hỏi: Mẹ ơi? Khi nào con chết? Lúc đó hai mẹ con lại ôm nhau khóc cả đêm …”, nói đoạn chị Lưu khóc nghẹn.
Cuộc sống của cháu Phúc giờ gắn liền với chiếc giường bệnh và những bịch nước điện giải. Dù đã 8 tuổi nhưng cơ thể em chỉ như đứa trẻ mới lên 3, nặng chưa đầy 11 kg. Ngoài cái bụng trướng lên vì chứa đầy nước, còn đôi chân thì lại gầy khô chỉ có da bọc xương. Bệnh tật hành hạ khiến em đau đớn đến tột cùng.
Mỗi ngày trôi qua Hưng Phúc chỉ biết nhìn các bạn đến trường qua ô cửa sổ nhỏ. Khao khát được đến lớp như các bạn, Hưng Phúc đòi mẹ dạy cho mình bảng chữ cái và những con số, phép tính ngay trên giường bệnh.
Vậy là người mẹ ngoài việc trở thành một bác sĩ bất đắc dĩ, lại sánh vai một cô giáo dạy cho con trai những nét chữ, con số. Dù cơ thể gầy yếu nhưng khuôn mặt của Hưng Phúc tỏ ra rất thông minh lanh lợi.
Hiện tại mỗi tháng anh Lan đều đặn phải ra Hà Nội một lần để mua nước điện giải và thuốc thang cho con. “Các bác sĩ bảo, nếu có thể ghép thận được thì mới chữa dứt điểm được bệnh cho cháu. Nghe vậy tôi và vợ đều xin được hiến cho con một quả thận nhưng …”, nói đoạn anh Lan nghẹn đắng.
Không có tiền, anh Lan chị Lưu hằng ngày nhìn con chờ ngày tử thần đưa đi.
Tuy nhiên khi nghe đến chi phí cho ca phẫu thuật phải tốn hơn 500 triệu đồng khiến cả hai vợ chồng đều im lặng. Hơn 500 triệu đồng, chừng ấy tiền có thể cứu mạng sống của con anh chị, có thể Hưng Phúc sẽ trở lại khỏe mạnh là một đứa trẻ bình thường. Nhưng từng đó tiền đến trong giấc mơ chưa bao giờ anh Lan có thể nghĩ đến là mình sẽ có, nó là con số quá lớn so với thu nhập ít ỏi của gia đình anh.
Nếu không được ghép thận thì tính mạng của Hưng Phúc có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Việc điều trị bằng phương pháp chạy thận, hoặc lọc màng bụng như thế này cũng chẳng có thể kéo dài thêm cho em được bao lâu.
Chúng tôi rời căn nhà nhỏ mà vẫn như bị ám ảnh bởi cái cơ thể gầy khô của đứa trẻ thơ với chằng chịt dây rợ bên mình và bịch nước luôn treo phía trên đầu giường.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Mã số 2807: Anh Trần Hưng Lan, xóm Xuân Quỳnh, xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An. TK: 3615205171314 - Nguyễn Thị Lưu, ngân hàng Agribank Thanh Chương. ĐT: 01664.639.522 - anh Lan |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí