Theo phản ánh của người dân địa phương, sau đợt mưa lũ vừa qua, tại một số cánh rừng tự nhiên thuộc địa bàn thôn Tú Tạo, Cụt Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân diễn ra tình trạng phá rừng tự nhiên trái phép.
Những gốc cây vừa được cưa còn tươi rói |
Phóng viên đã tiến hành mục sở thị theo phản ánh của người dân địa phương, tại khu vực rừng thuộc địa bàn thôn Tú Tạo, hàng chục cây gỗ đã bị đốn hạ. Nhiều gốc cây gỗ lớn có đường kính 50 - 60cm, thân gỗ đã được đưa đi, có những gốc cây mới bị “xẻ thịt” vẫn còn chảy nhựa.
Tại thời điểm phóng viên có mặt, phát hiện người lạ, một nhóm người đang mang cưa máy liền bỏ đi nơi khác. Xung quanh khu vực nhóm người lạ dùng cưa máy khai thác, có hàng chục gốc cây đã bị cắt, phần lớn gỗ đã được chuyển đi, còn một số thân cây đang nằm tại hiện trường. Nhiều cây vừa được cưa xong, mùn cưa vẫn còn tươi.
Phần lớn thân gỗ đã được đưa ra khỏi rừng, chỉ còn lại đầu mẫu hoặc những cành cây không lấy được bỏ lại trong rừng |
Càng đi sâu vào trong rừng, không khó để bắt gặp cảnh tượng những cây gỗ lớn đã bị cưa xuống chỉ còn trơ gốc. Theo quan sát dấu vết tại hiện trường, gỗ sau khi khai thác được vận chuyển ra khỏi rừng bằng cách dùng trâu kéo theo nhiều lối mòn đã có sẵn trong rừng.
Không chỉ rừng tại thôn Tú Tạo bị khai thác mà tình trạng trên còn diễn ra tại khu rừng thuộc thôn Cụt Ạc, xã Xuân Chinh. Tại đây, gỗ chủ yếu được khai thác tại các cánh rừng dọc suối, giáp ranh với xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.
Kẻ gian chọn những cây gỗ có giá trị để khai thác |
Những cây gỗ lớn lên đến hơn 100 vanh đã bị khai thác |
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên men theo dòng suối, nhiều cây gỗ tròn đã được cắt khúc kéo ra bờ suối. Không chỉ nằm trên bờ suối mà dưới khe, nhiều thân gỗ tròn được bỏ xuống nước nhằm tránh bị phát hiện.
Ông Cầm Bá Quân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, cho biết: Địa phương vẫn tăng cường công tác kiểm tra tại các thôn, còn khu giáp ranh với huyện Như Xuân, Nghệ An cũng có những trường hợp lén lút cắt gỗ. Chuyện khai thác buôn bán thì không có.
Gỗ đã khai thác ngâm dưới nước |
Còn ông Phạm Xuân Chinh, Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Thường Xuân, cho biết: Tình trạng khai thác lâm sản ở Xuân Chinh có nguy cơ hoạt động trở lại, hàng tháng lực lượng kiểm lâm vẫn thường xuyên kiểm tra theo tuyến.
Trong khi đó, theo báo cáo của kiểm lâm địa bàn trong tháng vừa rồi trên địa bàn xã Xuân Chinh không có vụ phá rừng nào. Theo ông Chinh, đơn vị sẽ cho kiểm tra, xác minh thông tin. Khu vực thôn Tú Tạo, Cụt Ạc, xã Xuân Chinh hiện nay không có đơn vị chức năng nào cấp phép cho việc khai thác rừng.
Hàng chục cây gỗ bị đốn hạ trong khu vực rừng tại xã Xuân Chinh |
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân thì từ đầu năm 2017 đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 150 vụ phá rừng rải rác trên tất cả các xã có rừng nhưng chủ yếu ở các xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ, Yên Nhân, Bát Mọt. Hạt kiểm lâm đã xử phạt hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng, tịch thu 190 m3 lâm sản các loại.
Trước đó, tại khu vực rừng trên địa bàn xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân cũng bị "xới tung" để tìm đá quý. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác gỗ vẫn tái diễn trên địa bàn. Dù hiện tượng khai thác vàng sa khoáng, đá quý trên địa bàn một số xã đã tái diễn phức tạp nhưng Hạt kiểm lâm Thường Xuân khẳng định không phát hiện có hiện tượng khai thác mới...
Tác giả: Trần Lê - Phạm Bá
Nguồn tin: Báo Dân trí