LTS: Nhìn tổng thể cho thấy, những bất cập, tồn tại, hạn chế kéo dài trong khai thác và sử dụng rừng, đang khiến rừng suy giảm nhanh chóng. Mất rừng đã đến mức đe dọa nền tảng phát triển của cả Tây Nguyên và miền Trung, thể hiện rõ nét qua biến đổi về khí hậu, thời tiết, lũ lụt, hạn hán. Việc bảo vệ rừng của Tây Nguyên là rất cấp bách. Thực tế cho thấy, những cây rừng cũ hiện nay đang mở ra những giá trị mới, giúp giải quyết một cách căn bản bài toán phát triển rừng bền vững, mà cụ thể là hài hòa giữa giá trị vàng kinh tế với giá trị vàng về môi trường.
Giờ đây các cánh rừng Tây Nguyên cần là sự thoả đáng của chính sách, sự minh bạch trong quản lý và quyết tâm trong thực hiện. Nếu có được những điều ấy, Tây Nguyên hoàn toàn có thể tạo ra những khu rừng giá trị cao cả về kinh tế và sinh thái, rừng sẽ thực sự là kho báu không bao giờ cạn.
Như đã đề cập trong những bài trước và thực tế nhiều năm qua cho thấy, nếu rừng chỉ có giá trị môi trường, phòng hộ là chưa đủ. Rừng cần cho lợi ích kinh tế nhiều hơn cùng với những giá trị về môi trường. Và đặc biệt, rừng phải trở thành vàng thật về kinh tế. Chỉ khi tạo được lợi ích kinh tế đủ nuôi sống các cộng đồng xung quanh, thì áp lực đánh đổi rừng mới giảm, nhiệm vụ bảo vệ- phát triển rừng mới có thể trở nên bền vững.
Trồng dổi cho gỗ tốt, hạt quý, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm ở Đắk Lắk. |
Đã từ lâu, ông Thào Seo Pao, dân tộc Mông, thôn 11, xã vùng sâu Cư San, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk không còn đi săn hay phát rừng làm rẫy, mà dành hầu hết tâm sức cho trồng rừng, và đã trồng được vườn keo lai rộng 16 hécta. Hứng khởi kinh tế rừng càng mạnh mẽ khi ông Pao biết đến cây dổi xanh, một loại cây gỗ lớn đã quá quen thuộc, nay được trồng để lấy hạt, luôn đạt giá bán trên 700 nghìn đồng/1kg.
Cắm cọc để theo dõi tăng trưởng của cây, ông Pao phát hiện dổi còn lớn nhanh hơn keo lai. Mới trồng 10 tháng, cây đã bắt đầu ra hoa. Và nay, sau 15 tháng, gia đình ông chuẩn bị thu hoạch những cân hạt dổi đầu tiên, mở ra hy vọng về những cánh rừng tuổi thọ lâu dài, không cần phải chặt cây mới có thu hoạch.
“Cây dổi là mình không phải trồng lại nữa, tuổi thọ nó rất là cao, có thể cả trăm năm. Hiệu quả kinh tế cũng cao hơn gấp mấy lần keo lai. Vì cây keo lai thì trồng cứ 4-5 năm phải khai thác và trồng lại, chi phí nó nhiều hơn mà lợi nhuận kém hơn cây dổi”, ông Pao nói.
Muốn bảo vệ, phát triển rừng thì phải giải quyết tốt cơ chế hưởng lợi, sinh kế của người trồng rừng, giữ rừng. |
Theo bà Hồ Thị Cẩm Lai, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, dổi là một trong những giống cây được ươm nhiều nhất trên địa bàn thành phố, được bán đi khắp các huyện trong tỉnh và tới các tỉnh trong cả nước, như: Hòa Bình, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Phước, Đồng Nai… để trồng thành vườn, thành rừng. Cây dổi thuyết phục được nhiều nông dân khi những vườn đầu dòng ở Buôn Ma Thuột cho thấy, cây có mức tăng trưởng rất nhanh, cho gỗ tốt, hạt quý, thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm.
“Cây Dổi là cây lâm nghiệp rất dễ trồng, phát triển tốt ở tất cả các loại đất và tình hình sâu bệnh hại rất ít. Hiệu quả kinh tế từ cây Dổi đã thể hiện rõ rệt, vượt trội, khoảng hơn 100 cây/ha thì thu hoạch hơn 500 triệu đồng”, bà Hồ Thị Cẩm Lai cho hay.
Gắn bó với rừng Tây Nguyên hơn 40 năm, Giáo sư Tiến sĩ Bảo Huy cho rằng, cái lạc hậu trước hết mà Tây Nguyên cần loại bỏ là lạc hậu về tầm nhìn. |
Lâu nay, làm lâm nghiệp, trồng cây rừng thường được gắn với mác nghèo khó, nhưng thực tế đã dần chuyển biến khác đi. Ngoài cây sâm của rừng Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã trở thành quốc bảo vô giá, thì ở Đăk Lăk có cây dổi, ở Lâm Đồng có cây ươi, là cây gỗ lớn nhưng cho quả và hạt càng có giá trị kinh tế lớn, thu nhập hàng trăm triệu đồng 1 hécta, cùng nhiều loại cây tiềm năng khác.
Tuy nhiên, các loại cây rừng đa lợi ích, giá trị kinh tế lớn, hầu hết do người dân sản xuất tự phát, thiếu các đánh giá bài bản để có phương án đưa vào phát triển lâm nghiệp. Đa số các cộng đồng và doanh nghiệp được giao rừng, bất lực trong việc giải bài toán kinh tế rừng. Như trường hợp của Công ty 27 tháng 7, tỉnh Đăk Lăk, ông Phạm Văn Tư, Phó Giám đốc Công ty còn đang lo doanh nghiệp của mình sẽ phá sản, vì muốn làm cũng không được phép.
“Từ ngày nhận dự án thì chúng tôi chưa thu được gì. Các thành viên phải góp tiền để duy trì hoạt động. Chúng tôi muốn cày lật đất rừng, đào nhiều mương thoát nước để trồng xuống cây keo, cây tếch, cây hoa màu, thì nó mới phát triển tốt. Nhưng mà tỉnh chưa chấp nhận. Mà nếu chỉ khoanh nuôi rừng tự nhiên, thì không biết bao nhiêu năm nó mới gia tăng được 1 mét khối gỗ/1ha!", ông Tư cho biết.
Rừng Tây Nguyên đa dạng, phong phú, nhưng đến thời điểm này chọn lựa cho phát triển lâm nghiệp vẫn rất ít. Người dân mới chỉ nghĩ đến cây dổi và ươi. Các chủ rừng hầu như chỉ đưa cây keo, cây thông vào sản xuất. Trong khi đó, ở 5 tỉnh, đang có đến hơn 1 triệu rưỡi héc ta rừng nghèo kiệt cần làm giàu; có gần 1 triệu héc ta đất lâm nghiệp cần sớm phục hồi thành rừng.
Làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Rừng là tương lai của Tây Nguyên. Tây Nguyên muốn phát triển bền vững thì phải trả lại màu xanh cho rừng. Phát triển rừng sẽ giúp Tây Nguyên bảo vệ môi trường, tạo nên tiền đề vững chắc cho công nghiệp đồ gỗ có giá trị hàng chục tỷ Đô la và là nền tảng xanh cho kinh tế du lịch.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn bảo vệ, phát triển rừng thì phải giải quyết tốt cơ chế hưởng lợi, sinh kế của người trồng rừng, giữ rừng. Trách nhiệm của các tỉnh là phải nghiêm túc đánh giá lại công tác quản lý, chính sách đang thực hiện để sớm đề xuất chính sách phù hợp.
Rừng là tương lai của Tây Nguyên. Tây Nguyên muốn phát triển bền vững thì phải trả lại màu xanh cho rừng. |
“Bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng rất quan trọng. Bộ NN&PTNT, các Tỉnh ủy ở đâu có rừng, trên vĩ mô các đồng chí xây dựng các chương trình, dự án, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo vào chương trình này. Chúng ta thiếu là cơ chế chính sách. Các đồng chí xem chính sách nào lạc hậu, không vận dụng được nữa, làm rào cản thì xóa bỏ nó đi, đề xuất Thủ tướng tháo gỡ đi. Đây là biện pháp căn cơ nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đến thời điểm này, chưa tỉnh nào ở Tây Nguyên có được phân tích thỏa đáng về “chính sách nào lạc hậu thì cần xóa bỏ”, như yêu cầu của Thủ tướng cũng như đề xuất chính sách mới hiệu quả. Là người có 40 năm gắn bó với rừng Tây Nguyên, khởi xướng cho chính sách lâm nghiệp cộng đồng và tổ chức thực hiện nhiều dự án hiệu quả, Giáo sư Tiến sĩ Bảo Huy cho rằng, cái lạc hậu trước hết mà Tây Nguyên cần loại bỏ là lạc hậu về tầm nhìn. Ông phân tích việc các tỉnh cho hàng trăm doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp cổ phần thuê rừng như đang diễn ra.
“Tư nhân hoá rừng là rừng có chủ thực sự, có khả năng đầu tư, kinh doanh, hưởng lợi và lâu dài. Đó là câu chuyện đúng nhưng cách làm sai. Tôi nói sai là ở chỗ, thực tế tôi chưa nhìn thấy một chủ tư nhân nào mà có định hướng về rừng. Mà về rừng thì phải có định hướng 50 năm, một trăm năm, thậm chí hai ba trăm năm chứ không phải 5-10 năm. Hiện nay, hầu hết, chẻ nhỏ rừng ra là vì đất đai, vì những tài nguyên còn sót lại trên rừng mà thôi. Họ cứ chặt dần rừng đi, dưới hình thức này hình thức kia, để cuối cùng là còn lại đất, để buôn bán đất đai”, Tiến sĩ Bảo Huy nói.
Tây Nguyên thiếu tầm nhìn, người đứng đầu Chính phủ đã gợi mở: Rừng Tây Nguyên cho một tương lai công nghiệp đồ gỗ, cho một tương lai văn hóa du lịch và một tương lai về môi trường xanh. Áp lực kinh tế đè lên những cánh rừng Tây Nguyên, bước đầu tìm thấy hướng giải quyết bằng chính những cây rừng cho lá, quả, hạt, nhựa hàng năm, mà cây dổi, cây ươi, cây sâm ngọc linh không phải là những lựa chọn cứng nhắc.
Rừng Tây Nguyên còn nhiều loại cây có giá trị ẩm thực và dược liệu đã được biết đến, đang cần một chiến lược thị trường, chiến lược bảo tồn- phát triển trong hệ lâm sinh, để đem lại giá trị tối ưu nhất.
Giá trị thỏa đáng và đều đặn mà rừng mang lại cho cộng đồng sẽ là cách tuyên truyền, dân vận hiệu quả nhất để các cộng đồng, các địa phương hướng tới rừng xanh bằng tấm lòng ưu ái. Và nhờ đó, gia tài rừng của Tây Nguyên sẽ ngày một giàu lên, sản phẩm từ rừng ngày một phong phú, đưa Tây Nguyên trở lại với bản sắc Đại ngàn và phát triển bền vững./.
Tác giả: Công Bắc
Nguồn tin: Báo VOV