Trong tỉnh

“Cây đại thụ” ở bản Ho

“Đảng và Nhà nước còn giao nhiệm vụ thì tôi còn cố gắng hoàn thành tốt. Chừng nào còn sức khỏe, đôi chân vẫn đi rừng được thì tôi còn bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới”. Đó là những lời bộc bạch mà già làng Vi Văn Dong nói với chúng tôi trong ngôi nhà sàn của gia đình mình giữa núi rừng bản Ho.

33 năm bảo vệ cột mốc biên cương

Về bản Ho, xã Hiền Kiệt (Quan Hóa, Thanh Hóa), hỏi thăm già làng Vi Văn Dong, từ người già cho đến trẻ con ai cũng biết. Bởi, với người dân nơi đây, già làng Vi Văn Dong giống như một “cây đại thụ” của bản làng mình.

Cùng Thiếu tá Phạm Sỹ Hậu, cán bộ Đồn BP Hiền Kiệt, tôi đến thăm nhà già làng Vi Văn Dong. Bên ngôi nhà sàn truyền thống nằm ngay đầu con đường vào bản Ho, già làng Vi Văn Dong niềm nở đón chúng tôi bằng cái ôm thật chặt và cả sự hồn hậu của một người con của núi rừng. Năm nay, ông bước sang tuổi 63, nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, giọng nói rắn rỏi, hào sảng.

Già làng Vi Văn Dong. Ảnh: Linh Nga

Ông bảo: “Đôi chân này vẫn leo đồi, vào rừng giúp con cháu một số việc và hằng tháng vẫn đi thăm những “người bạn” ở sâu trong rừng”. Những “người bạn” trong câu nói của ông chính là những cột mốc biên giới của Tổ quốc mà ông được giao nhiệm vụ trông coi và bảo vệ hơn 30 năm qua.

Bên ấm chè tán ma nóng hổi, già làng Vi Văn Dong nhớ lại: “Năm 1984, tôi được giao nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc 318 và 319. Lúc đó, tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng như thế. Là người con của núi rừng thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ bình yên cho bản làng, cho từng ngọn núi, không bị kẻ xấu phá hoại”.

Với tâm niệm đó, đã hơn 30 năm, dù những ngày mưa gió hay dưới cái nắng gay gắt miền biên viễn, đôi chân già làng Vi Văn Dong vẫn in dấu từng ngọn núi, con khe để hoàn thành nhiệm vụ trông coi bảo vệ cột mốc biên giới của Tổ quốc mà không hề tính toán thiệt hơn. Người dân bản Ho đã quen với hình ảnh già làng Vi Văn Dong nai nịt gọn gàng, tay chống gậy, dao rựa dắt lưng, mỗi tháng một lần đi men theo suối Khiết về phía những cánh rừng âm u.

Già làng Vi Văn Dong chia sẻ: Để chuẩn bị cho một chuyến đi thăm cột mốc, ông thường phải thức dậy từ sáng sớm, chuẩn bị cơm nắm, nước uống, dao dựa, nai nịt gọn gàng. Mỗi lần đi, ông cứ men theo con suối Khiết rồi len lỏi trong những cánh rừng. Trước đây, cánh rừng này còn âm u lắm, vẫn còn nhiều thú hoang, thời tiết nắng mưa thất thường. Thêm vào đó, nhiều đối tượng lợi dụng địa hình hiểm trở vận chuyển ma túy trái phép từ Lào về. Không ít những hôm ông gặp mưa rừng bất chợt, chẳng thể về, phải dựng lán ngủ lại trong rừng.

Nhằm giúp chúng tôi hình dung về những khó khăn đường lên cột mốc 318 và 319, Thiếu tá Phạm Sỹ Hậu cho biết: “Đường lên cột mốc 318 và 319 rất khó đi. Mỗi lần chúng tôi cùng già làng Vi Văn Dong đi tuần và kiểm tra cột mốc phải vạch rừng lấy lối mà đi. Chừng 4 – 5 tiếng đồng hồ mới đi được từ bản lên đến cột mốc. Những người trẻ như bọn mình đi đã vất vả, mới càng khâm phục sức khỏe và ý chí của già làng Vi Văn Dong”.

“Cha truyền con nối”…

“Bây giờ, đôi chân không còn khỏe như trước nữa nên thỉnh thoảng tôi mới lên kiểm tra cột mốc và đường biên giới” – ông Dong cho biết. Do tuổi cao, không thường xuyên lên mốc được, ông Dong giao cho con trai mình là anh Vi Văn Thinh tiếp quản công việc cao quý là trông nom, bảo vệ cột mốc mà ông đã làm mấy chục năm qua. Công việc ý nghĩa ấy được “cha truyền con nối” như một vinh dự và trách nhiệm.

Năm nay ở cái tuổi 63, đôi chân yếu đi nhiều, nhưng ông vẫn cùng với BĐBP và cán bộ bản Ho tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; không xâm canh, xâm cư, không khai thác rừng trái phép... Nhờ có những người lính Biên phòng và những người con ưu tú của bản làng như già làng Dong, cuộc sống của người dân bản Ho đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, người dân bản Ho đã biết làm giàu nhờ trồng lúa nước, trồng cây luồng mang hiệu quả kinh tế cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trẻ em bản Ho được đến trường học chữ. Người dân bản Ho chung sống đoàn kết, cùng BĐBP bảo vệ biên giới, an ninh trật tự và sự bình yên cho bản làng.

Trưởng bản Vi Văn Yên chia sẻ: “Mặc dù cuộc sống của 91 hộ dân bản Ho còn khó khăn, nhưng chắc chắn không còn cái đói nữa, trẻ con được đến trường học chữ. Người dân bản Ho được dùng điện lưới quốc gia để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhà nào cũng có xe máy đi lại. Cả bản có 260 con trâu, bò, hàng trăm con gia cầm các loại”.

Chia tay bản Ho cùng những người lính quân hàm xanh, còn đọng mãi trong lòng tôi hình ảnh về “cây đại thụ” của núi rừng – Già làng Vi Văn Dong, một tấm gương bình dị mà cao quý.

Tác giả: Linh Nga

Nguồn tin: Báo Biên phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok