Pháp luật

Cậu trai giết người tình đồng tính vì phê ma túy

Trong cơn phê ma túy, cho rằng V. có ý định hại mình, K. chạy lấy dao, kéo đâm tới tấp cho tới khi bị người dân phát hiện, truy hô mới chịu dừng tay.

Thông thường, các vụ án giết người, khi ra tòa gia đình bị hại sẽ có hành động và thái độ tiêu cực đối với bị cáo và gia đình. Vậy nhưng, tại phiên xét xử Nguyễn Phúc An K. (17 tuổi, ở quận Tân Bình, TP.HCM) - kẻ giết người tình đồng tính thì hoàn toàn khác, hai gia đình trò chuyện với nhau thân mật, nhìn nhau thông cảm, sẻ chia.

Theo nội dung vụ án, nạn nhân Nguyễn Anh V. và K. quen biết nhau từ năm 2013. Cả hai thường xuyên thuê nhà nghỉ, khách sạn ở quận Tân Bình để sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục (dù K. không đồng tính nhưng vẫn chấp nhận quan hệ với V. để được V. cho ma túy). Ngày 28/1/2017 (tức mùng 1 tết), sau khi “chơi” ma túy đá xong, K. được V. cho thêm điếu thuốc lá (có chứa ma túy).

Sau khi hút, K. cảm thấy khó thở, nhịp tim đập nhanh, đau đầu nên yêu cầu V. cho về nhưng V. không đồng ý. Nghĩ V. có ý định hại mình, K. lấy dao đâm liên tiếp vào người bạn tình đến khi con dao gẫy cán, gã liền chạy đi lấy kéo quay lại đâm tiếp nhiều nhát vào đầu, mặt nạn nhân, tổng cộng tới 28 nhát. Khi bị anh N., ở cùng phòng trọ với V. phát hiện hô hoán, K. liền trèo tường chạy ra ngoài. Tuy nhiên, vừa chạy được một đoạn thì K. gục xuống vì kiệt sức và bị người dân khống chế, giao cho công an.

Do đang ở tuổi vị thành niên nên cha K. phải tới tòa với tư cách là người giám hộ cho con


Chị L. (mẹ của nạn nhân V.) tâm sự, khi nhận được tin báo đứa con duy nhất của mình bị đâm tới 28 nhát dao, chị như chết lặng và căm hận kẻ thủ ác, “Nhận thi thể con, tôi thương nó lắm. Thương con bao nhiêu, tôi giận và hận thằng K. bấy nhiêu. Lúc đó tôi nghĩ, sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con mình”, chị L. nói.

Lần đầu tiên, anh T. (cha của K.) tới xin lỗi gia đình, chị L. không tiếp, bởi con chị đã chết, chị vĩnh viễn không bao giờ còn được thấy con, nỗi đau đó sẽ đeo đẳng suốt cả cuộc đời chị, nên lúc đó có nằm mơ chị cũng không bao giờ nghĩ sẽ tha thứ cho kẻ giết con trai và gia đình của hắn.

Thế nhưng, lần thứ hai, khi anh T. tới, khi nhìn thấy người đàn ông này bật khóc nức nở xin lỗi chị và gia đình thì chị không kìm lòng được, “Gia đình anh T. đã rất đau khổ vì con. Họ tìm mọi cách để mong thằng K. đừng hư nữa nhưng chẳng được. Họ đã khóc rất nhiều. Lúc đó, tôi hiểu, mình hãy tha thứ để được thanh thản” và sau đó chị quyết định viết đơn bãi nại cho kẻ đã cướp đi mạng sống của con trai mình.

“Tôi tha thứ không phải vì bị cáo. Tôi tha thứ là vì cha mẹ bị cáo. Họ cũng đau khổ như tôi. Bản thân họ cũng không muốn con mình như vậy”, chị L.nói.

Từ lúc bước vào phòng xử, vẻ mặt anh T.- cha của K. luôn buồn rầu, anh tâm sự, từ nhỏ K. là đứa trẻ khá ngoan và học giỏi, suốt từ cấp 1 đến năm lớp 7, cậu ta luôn đạt học sinh giỏi. Vì vậy, anh hết sức tự hào và tin tưởng con. Thế nhưng,13 tuổi K. hoàn toàn biến thành con người khác. Cậu ta bỏ bê học hành, ngập chìm trong ma túy.

Mắng chửi, khuyên can con không được, anh T. đành đưa con vào trại cai nghiện. Thế nhưng, ở trại cai nghiện được 3 tháng, K. bỏ trốn và tiếp tục lao vào “cái chết trắng”. Quyết tâm cứu con, một lần nữa anh T. đưa con về quê với hy vọng tách con khỏi đám bạn nghiện. Tuy nhiên, mọi biện pháp hòng cứu cuộc đời đứa con bất trị đều không có tác dụng, K. vẫn ngày ngày đắm chìm trong làn khói trắng và trở thành kẻ giết người chỉ vì một lý do không đâu.

Cố kìm tiếng nấc nghẹn trong cổ họng, anh T. nói “Tôi khuyên con rất nhiều mà thắng bé không nghe. Vợ chồng tôi buồn và khóc rất nhiều. Hôm nay, đứng trước tòa, nhìn thằng con phải trả giá cho tội lỗi của nó, tôi đau vô cùng”.

Với thái độ thành khẩn và ân hận, K. rụt rè trình bày với HĐXX “Bị cáo rất hối hận. 6 tháng rồi, bị cáo không dùng ma túy, bị cáo thấy mình rất nhẹ nhàng và thấy có lỗi với cha mẹ, có lỗi gia đình bị hại. Cha mẹ ơi! Hãy tha lỗi cho con. Con xin lỗi gia đình cô chú”.

“Cầm cân nảy mực” trong phiên tòa xét xử K. chủ tọa phiên tòa không khỏi xót xa khi cầm trên tay cuốn sổ học bạ của bị cáo, bởi K. đã từng là học sinh rất giỏi. Ông cũng không khỏi đau lòng trước mất mát của gia đình bị hại và xót xa trước giọt nước mắt của cha K. vì một người đàn ông rất hiếm khi khóc, vậy mà ngày hôm nay cha bị cáo đã phải khóc vì con giữa chốn công đường.

Trước khi nghị án, vị chủ tọa nhắn nhủ tới K. một câu thấm đẫm tình người: “Tôi mong rằng, trong thời gian cải tạo, bị cáo hãy dành thời gian để suy nghĩ lại tất cả những việc mình đã làm, đã sai ở đâu và phải sửa như thế nào. Và bị cáo nên nhớ, mình vấp ở đâu thì đứng lên ở đó, chứ đừng trượt dài trên con đường tội lỗi. Mẹ bị hại xin bãi nại cho bị cáo cũng chỉ mong có vậy. Và sau khi ra tù, hãy đến nhà bị hại để cảm ơn người ta”.

Kết thúc phiên xét xử, K. bị Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND TP.HCM tuyên phạt 11 năm tù về tội “Giết người”.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok