Cuộc sống

Câu nói cay nghiệt của bố chồng trí thức khiến con dâu bàng hoàng

Từng lời của bố chồng khiến chị đau nhói. Cuối cùng thì điều gì đến cũng sẽ đến, điều chị không mong muốn cũng đã xảy ra.

Hồi ấy chị lấy anh phần vì yêu thì ít nhưng phần vì vụ lợi thì nhiều. Bởi chị biết gia đình anh bề thế tri thức, quen biết rộng trong khi chị chỉ là cô sinh viên mới ra trường chưa kiếm được việc làm như ý. Và nghiễm nhiên khi chị thành con dâu trong nhà thì gia đình anh cũng cố gắng lo liệu chuyện việc làm cho chị. Trong khi bố chồng chị là cán bộ cấp cao của phòng giáo dục thì việc sắp đặt cho chị một chân dạy ở trường tiểu học gần nhà chẳng có gì là khó cả.

Từ ngày về nhà chồng chị thấy đời phơi phới hơn hẳn. So với chúng bạn chị thuộc tuýp người may mắn, ở cái thời buổi khó khăn này chị vừa ra trường đã có chồng, có công việc ổn định là điều đáng để chị tự hào. Nhưng đời chẳng vui như chị nghĩ khi hạnh phúc chẳng viên mãn tròn đầy mà cứ vơi đi theo ngày tháng. Hai năm đầu sau hôn nhân chị vẫn chưa thể sinh cho anh một đứa con, bố mẹ chồng chị bắt đầu cuống quýt thúc giục mua đủ thuốc này thuốc nọ. Rồi que thử hiện lên hai vạch xua tan bầu không khí nóng như lửa đốt của gia đình chị, 9 tháng 10 ngày sau chị sinh một cô công chúa, gia đình chồng tuy không thích cháu gái nhưng lúc này với họ có cháu đã là vui rồi. Chưa được bao lâu sau chị lại tiếp tục mang thai, lần này lại là thai đôi, hai cô công chúa bé bỏng nữa là tiếp tục chào đời. Sầu muộn bắt đầu ập xuống với chị từ ấy, khi một nách ba con, chồng hờ hững, bố mẹ chồng vô tâm.

Họ bắt đầu soi mói chị bằng những câu đại khái như: “Con dâu nhà nọ nhà kia thật khéo đẻ, đứa đầu con trai, đứa thứ hai con gái”, “Nhìn tướng không đến nỗi mà sao lại không biết đẻ cơ chứ”…Chị hiểu những gì họ đang nói, họ trách chị không thể nào sinh cho họ một đứa cháu trai. Nhưng lỗi nào đâu do chị, con cái là của trời cho chị cũng muốn nhưng nào có được. Tại sao họ không hiểu và thông cảm cho chị? Dần dần gia đình chồng xa lánh, hắt hủi chị họ phó mặc việc chăm bẵm ba đứa con thơ cho chị mà chẳng hề phụ giúp, ánh mắt họ nhìn chị hằn hiện thái độ khinh khi.

cau noi chet dieng cua bo chong png
Ảnh minh họa

Hôm rồi nhà chồng chị có về quê ăn giỗ, chị bận con mọn nên chẳng đi theo. Chị cũng không biết khi về quê người ta nói những gì mà khi trở lại thành phố bố chồng chị hậm hực với chị ông thẳng tưng xả vào mặt chị: “Cô làm tôi mất mặt quá! Tại cô không biết đẻ, mãi mà chẳng sinh cho tôi được một đứa cháu trai khiến tôi về quê người ta xì xầm nói này nói nọ. Tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất giờ mà không có cháu trai nỗi dõi là coi như mất nòi cô hiểu không?”.

Chị cúi gầm mặt xuống không nói gì. Được thể bố chồng tiếp lời: “Giờ tôi cho cô hai lựa chọn: Một là, cô phải li dị với chồng để nó lấy vợ mới sinh cho tôi một đứa cháu trai. Hai là, nếu không li dị thì cô phải chấp nhận chung chồng và có trách nhiệm đi lấy vợ cho chồng cô. Thế nào cô chọn đi?”. Từng lời của bố chồng chị như những vết dao khứa vào tâm can khiến chị đau nhói. Cuối cùng thì điều gì đến cũng sẽ đến, điều chị không mong muốn cũng đã xảy ra. Thôi thì “lành làm gáo, vỡ làm môi”, sức chịu đựng của chị cũng có giới hạn. Nghe đến đây thì chị chẳng thể nhịn nổi nữa, bao nhiêu uất ức tủi nhục bấy lâu nay bùng cháy: “Con nhịn thế đã đủ lắm rồi, bố quá đáng lắm, con nào chẳng phải là con sao bố cứ phân biệt như thế? Ý bố đã thế con cũng chẳng níu kéo làm gì!”.

Chị cũng không ngờ một người tri thức như bố chồng chị lại có những suy nghĩ cổ hủ lạc hậu và phân biệt đối xử như thế. Những lời nói ấy khiến chị không thể tôn trọng và sống chung với nhà chồng gia trưởng ích kỉ hẹp hòi này nữa. Với lại người chồng nhu nhược không có chính kiến lúc nào cũng răm rắp nghe lời bố mẹ như chồng chị không thể là chỗ dựa cho mẹ con chị được. Có chăng ra đi là giải pháp tốt nhất cho chị lúc này?

Tác giả bài viết: Trần Thị Hoài/theo Nguyễn Lam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok