Theo đó, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã có công văn gửi Huyện ủy Nghĩa Đàn liên quan đến việc cát tặc ngang nhiên hoạt động trên dòng sông Hiếu đoạn chảy qua xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn.
Nội dung công văn nêu rõ: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đề nghị Huyện ủy Nghĩa Đàn chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc, nếu đúng như báo nêu thì kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề.
Báo cáo kết quả gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh (qua Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Thông tin & Truyền thông) trước ngày 25/11/2016.
Công văn Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An gửi Huyện ủy Nghĩa Đàn.
Trước đó, như thông tin đã phản ánh, thời gian qua tình trạng cát tặc băm vằm bờ sông Hiếu đoạn qua xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Đàn diễn ra rất nhức nhối. Mặc dù, đoàn chức năng đã tiến hành nhiều đợt đẩy đuổi, tuy nhiên tình hình tái diễn ngày một phức tạp hơn.
Có mặt tại bãi Cầu, xóm 9, xã Nghĩa Thịnh những ngày đầu tháng 10, PV ghi nhận có gần chục chiếc máy hút cát nằm ven bờ sông Hiếu. Một vùng đất bãi bồi bị xới tung.
Khi nhận thấy PV ghi hình, các đối tượng cát tặc lập tức dừng công việc lại và rút khỏi địa bàn, để lại những chiếc máy với các vòi rồng dài hàng chục mét lấm lem nằm im lìm. Khoảng quá trưa, cát tặc tiếp tục quay trở lại và tiến hành hút cát. Lúc này, tại hiện trường là hình ảnh những cát tặc đang trần trục hút cát dưới lòng sông, phía trên bờ những chiếc xe tải đang nằm chờ sẵn để chở cát đưa đi tiêu thụ.
Máy hút cát "rút ruột” dòng sông Hiếu.
Theo quan sát, việc hút cát trái phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, gần cầu tràn đường Quốc lộ nhưng không thấy bất kì một lực lượng chức năng nào có mặt để ngăn chặn đẩy đuổi, thu giữ máy móc của cát tặc.
Một số người dân địa phương cho biết, việc khai thác cát không phải diễn ra mới đây mà đã có từ lâu. Chúng hoạt động suốt ngày đêm và đã làm cho dòng chảy bị biến đổi, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản Điều 37. Vi phạm các quy định khác trong khai thác khoáng sản 1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau: a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác đến 5 m3/ngày; b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 5 m3 đến dưới 10 m3/ngày; c) Từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 10 m3 đến dưới 15 m3/ngày; d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 15 m3 đến dưới 20 m3/ngày; đ) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 20 m3 đến dưới 25 m3/ngày; e) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 25 m3/ngày trở lên. 2. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khi Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn (trừ trường hợp đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định) hoặc khai thác khoáng sản trong thời gian bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản; khai thác vượt quá 50% trở lên đến 100% so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau: a) Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Từ 80.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này; khai thác than bùn. c) Từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này; khai thác nước khoáng, cát sỏi lòng sông. d) Từ 180.000.000 đồng đến 210.000.000 đồng đối với khai thác các loại khoáng sản khác, trừ trường hợp đã quy định tại các Điểm a, b và Điểm c Khoản này. đ) Từ 230.000.000 đồng đến 260.000.000 đồng đối với khai thác vàng, bạc, platin, khoáng sản độc hại. 3. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, trừ các trường hợp đã quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau: a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; b) Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác than bùn; c) Từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản làm nguyênliệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác nước khoáng. d) Từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với các loại khoáng sản khác trừ trường hợp quy định tại Điểm a, b và Điểm c Khoản này; đ) Từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này. b) Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này. c) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) đến 12 mười hai) tháng đối với trường hợp khai thác vượt quá 100% công suất nêu tại Khoản 3 Điều này. 5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
Tác giả bài viết: Tiến Thành
Nguồn tin: