Kinh tế

Cắt giảm điều kiện kinh doanh mới ở mức “dọn rào cản”

Những động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh cần đưa ra được nhiều động thái, phương thức hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, đã có tổng số 52.737 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, với tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế lên đến 1.161.000 tỷ đồng. Điều này phần nào đánh giá, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện, nhất là khi các Bộ, ngành cùng nỗ lực xóa bỏ hàng loạt các điều kiện kinh doanh, giấy phép con và thủ tục rườm rà làm khó doanh nghiệp.

Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ vẫn gặp phải những rào cản trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các rào cản mà hầu hết doanh nghiệp tư nhân gặp phải hiện nay chủ yếu là chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...

Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, không để phát sinh rào cản mới. (Ảnh:Báo Đấu thầu)

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sau hàng loạt quyết định phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa trên 300 thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương đã tạo ra khi thế mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình áp dụng trong thực tế đang được triển khai, hiệu quả của công tác này cần có thêm thời gian nhìn nhận, có thể thể đưa ra những đánh giá chi tiết hiệu quả của công tác này.
Ngoài dệt may, dịch vụ logistics cũng là ngành liên quan trực tiếp tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh. Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tại Hà Nội hoan nghênh việc cải tiến thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương. Việc làm này đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics nói riêng.

“Nếu Bộ Công Thương bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu, gánh nặng về đầu tư cho các công ty kinh doanh dịch vụ logistics sẽ giảm xuống. Điều này có ý nghĩa thực tiễn, phù hợp với xu thế chung của việc phát triển logistics là tăng cường thuê ngoài, nhất là khi phần lớn các doanh nghiệp lĩnh vực nàu là vừa và nhỏ, năng lực tài chính khó khăn và tỷ lệ thuê ngoài của doanh nghiệp ở Việt Nam mới đạt khoảng 35%- 40%”, ông Nguyễn Tương cho biết.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh của các Bộ, ngành thời gian qua mới chỉ ở mức “dọn rào cản”, chưa thực sự đưa ra được nhiều động thái, phương thức hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đánh giá về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh của các Bộ, ngành, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là động thái hết sức tích cực của các Bộ, ngành trong thời gian qua. Điều này đã hiện thực hóa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng cho biết, bên cạnh mặt tích cực của việc cắt giảm thủ tục hành, những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó theo ông Tuấn, để đạt hiệu quả cao, việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất, không phải cắt giảm theo thành tích.

Xung quanh vấn đề làm sao để tránh “mọc” lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi tư duy và phương thức quản lý, cơ quan quản lý nên chú trọng hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

“Thông thường, mỗi khi xuất hiện một hoạt động kinh doanh mới sẽ nảy sinh nhu cầu quản lý. Với tư duy quản lý tiền kiểm, cơ quan quản lý luôn nghĩ đến điều kiện kinh doanh. Mặc dù không hề dễ dàng, song đổi thay tư duy và phương thức quản lý chính là điều kiện tiên quyết để các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã cắt giảm không còn “mọc” lại”, ông Cung cho biết./.

Tác giả: Nguyễn Quỳnh

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok