Trong tỉnh

Cấp nước Thanh Hóa làm ăn khấm khá trước khi lãnh đạo thoái sạch vốn

Mặc dù Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ hơn 63% cổ phần và có mức tăng trưởng đều hàng năm, tuy nhiên, Phó chủ tịch HĐQT công ty này vẫn thoái toàn bộ vốn (hơn 20,8%CP) ở đây.

Trụ sở Công ty Cổ phần Cấp nước Thanh Hóa. Ảnh: capnuocthanhhoa.vn

Công ty Cổ phần (CTCP) Cấp nước Thanh Hóa (UPCoM: THN) tiền thân Công ty TNHH MTV Cấp nước Thanh Hóa được thành lập ngày 29/7/2005, công ty này chính thức chuyển sang hoạt động dưới hính thức CTCP vào ngày 27/5/2016.

Tại ngày 31/12/2023, Cấp nước Thanh Hóa có vốn điều lệ gần 330 tỷ đồng, với các cổ đông sáng lập gồm: UBND tỉnh Thanh Hóa (hơn 63,6%CP); ông Nguyễn Hùng Phương (20,8%CP) và các cổ đông khác (hơn 15,4%CP). Khi đó, ông Nguyễn Huy Nam là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Hùng Phương làm Phó chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Ngọc Cần, Lê Sỹ Len, Lê Văn Quý là Thành viên HĐQT công ty. Còn ông Lê Thế Sơn Phó chủ tịch UBND huyện Đông Sơn làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty này.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 3/2024, ông Nguyễn Hùng Phương, Phó chủ tịch HĐQT Cấp nước Thanh Hóa bất ngờ thoái toàn bộ (6.883.500CP, tương đương 20,8%CP) số cổ phần của mình tại doanh nghiệp này. Được biết, người nhận toàn bộ số phần của ông Nguyễn Hùng Phương là ông Phạm Văn Tú.

Trước đó, theo nội dung của quyết định kế hoạch thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của ngành thanh tra tỉnh Thanh Hoá được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn ký vào tháng 12/2023, CTCP Cấp nước Thanh Hóa và Công ty TNHH một thành viên Sông Chu là 2 doanh nghiệp có vốn sở hữu của Nhà nước nằm trong diện thanh tra việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; việc chấp hành chính sách, pháp luật về thuế.

Đồ hoạ: Văn Dũng

Báo cáo tài chính kiểm toán mới đây cho thấy, doanh thu thuần của Cấp nước Thanh Hóa năm 2023 đạt 428,5 tỷ đồng, tăng 4,46% so với năm 2022. Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này nằm ở mức 47,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.

Tại ngày 31/12/2023, Cấp nước Thanh Hóa có tổng tài sản hơn 692,2 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn hơn 117,6 tỷ đồng và tài sản dài hạn hơn 674,6 tỷ đồng. Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này hơn 286,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 405,5 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2020-2022, doanh thu thuần của Cấp nước Thanh Hóa có tăng trưởng đều, khi đạt 366,3 tỷ đồng năm 2020 lên 389 tỷ đồng năm 2021, và đạt đỉnh 410,2 tỷ đồng năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cũng tỷ lệ thuận với doanh thu khi đạt 39,8 tỷ đồng năm 2020, 40,8 tỷ đồng năm 2021 và 42,7 tỷ đồng năm 2022.

Tác giả: VĂN DŨNG

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok