Pháp luật

'Cánh tay đắc lực' của ông Trịnh Văn Quyết bị bắt: Đại gia xứ Thanh, tay chơi xe Rolls-Royce có tiếng

Đại gia Thanh Hóa Doãn Văn Phương vừa bị bắt sở hữu khối tài sản khủng, từng cưới vợ là hoa hậu kém 19 tuổi, là một nhân vật quan trọng trong hệ sinh thái FLC của ông Trịnh Văn Quyết.

Sở hữu khối tài sản khủng, từng có vợ là hoa hậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 22 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) và các công ty liên quan.

Theo Bộ Công an, những người này đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết trong việc thông qua nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần, niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Trong các bị can có ông Doãn Văn Phương (SN 1977, quê Thanh Hóa), cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros.

Ông Phương tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội và có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Mỹ. Sau đó, ông công tác trong ngành bưu điện, từng giữ chức Phó phòng tổng hợp Công ty Dịch vụ Vật tư Viễn thông Hà Nội - Bưu điện Hà Nội khi mới 23 tuổi.

Ông Phương công tác ở đây suốt 9 năm rồi bất ngờ rẽ trái sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Tháng 9/2009, ông nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Bắc Ninh.

Đầu năm 2010, ông Phương chính thức gia nhập Tập đoàn FLC - kinh qua nhiều vị trí quan trọng ở tập đoàn FLC cũng như các công ty thành viên.

Ông Phương còn là người sáng lập, từng đảm nhận vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành Câu lạc bộ Bóng đá FLC Thanh Hóa. Thời điểm năm 2015, ông là "ông bầu" bóng đá trẻ tuổi nhất - 38 tuổi.

Có thời điểm, khối tài sản trên sàn chứng khoán ông Doãn Văn Phương trực tiếp nắm giữ đạt khoảng 70 tỷ đồng, đến từ nhiều cổ phiếu khác nhau. Các mã cổ phiếu này gồm có ROS của Xây dựng FLC Faros, FLC của Tập đoàn FLC, KLF của Công ty Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF.

Mặc dù sở hữu khối tài sản khủng cùng tài kinh doanh giỏi nhưng dường như đường tình duyên của vị đại gia xứ Thanh lại… rất muộn. Phải đến tuổi 40, ông Phương mới “ghi bàn thắng” cuộc đời bằng một đám cưới cổ tích với Hoa hậu Bản sắc Việt 2016 - Trần Thị Thu Ngân (SN 1996, Hải Phòng). Đây là cuộc thi sắc đẹp do FLC tổ chức năm 2016.

Hoa hậu Thu Ngân được biết đến là một “tiểu thư” sinh ra trong gia đình giàu có bậc nhất ở Hải Phòng. Cô đoạt danh hiệu hoa hậu khi là sinh viên năm nhất ngành Quản trị khách sạn tại Thụy Sĩ.

Lễ ăn hỏi được truyền thông đưa tin khá rầm rộ với màn tặng vợ siêu xe Rolls-Royce Wraith, trị giá khi đó khoảng 18 tỷ đồng. Trong lễ ăn hỏi, xuất hiện dàn xe đắt tiền gồm bộ đôi Rolls-Royce, siêu xe Ferrari, một chiếc Bentley cùng Maybach.

Hoa hậu Thu Ngân sau đó đã ly hôn với đại gia này vào năm 2021 nhưng chỉ công bố vào giữa năm 2022.

Cánh tay đắc lực của Trịnh Văn Quyết

Ông Doãn Văn Phương

Ông Doãn Văn Phương là một nhân vật rất quan trọng trong hệ sinh thái FLC của cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Là một trong những cổ đông sáng lập của Tập đoàn FLC, ông Phương đã trải qua rất nhiều vị trí lãnh đạo trong tập đoàn và hệ sinh thái FLC.

Ông từng giữ chức Tổng Giám đốc FLC từ năm 2011 đến 5/2015. Sau đó, ông Phương được bổ nhiệm chức vụ Phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị. Nhưng đến tháng 9/2015, ông Phương bất ngờ thôi chức.

Nhiều năm sau, ông Phương giữ các vị trí chủ chốt tại một loạt các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC như Chủ tịch HĐQT CTCP Nông dược H.A.I; Chủ tịch HĐQT Công ty Faros.

Công ty Faros là một doanh nghiệp tai tiếng bậc nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam với cú nâng khống vốn dưới bàn tay của ông Trịnh Văn Quyết.

Mã ROS của Công ty Faros được xem là một cổ phiếu "lạ thường" nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Cổ phiếu ROS được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 1/9/2016, với giá tham chiếu là 10.500 đồng/cp. Sau đó, ROS liên tục tăng rất nhanh và đạt mức 100.000 đồng/cp chỉ vài tháng sau khi lên sàn. Đỉnh điểm vào đầu tháng 11/2017, ROS lên mức gần 215.000 đồng/cp.

Chỉ vài năm xuất hiện trên sàn, cổ phiếu này đã khuynh đảo thị trường khi lọt vào rổ VN30 và tăng mạnh liên tiếp, qua đó giúp cựu Chủ tịch Quyết có khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, chớp nhoáng trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán lúc đó.

Ông Phương là Chủ tịch HĐQT FLC Faros từ tháng 5/2015 đến tháng 11/2016. Năm 2016, ông Phương từng đứng thứ ba trong danh sách cổ đông nắm giữ tại ROS với 500.000 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,12%.

Sau đó, dù không còn giữ vị trí gì ở Faros nhưng ông Phương vẫn có những lần lướt sóng cổ phiếu ROS.

Vào tháng 11-12/2021, ông Phương mua vào rồi bán ra hàng chục nghìn cổ phiếu ROS trong vòng một tuần, khi vào một đợt tăng mạnh. Khi đó, em trai ông Phương là ông Doãn Việt Hoàng còn là thành viên Ban kiểm soát của FLC Faros.

Từ đầu năm 2018, ROS bắt đầu giảm giá mạnh. Tới cuối năm 2020, ROS về gần ngưỡng 2.000 đồng/cp (giá điều chỉnh).

Tới đầu 2022, ROS lại leo lên trên ngưỡng 15.000 đồng/cp, trước khi về mức 2.500 đồng/cp ở thời điểm trước lúc bị hủy niêm yết vào ngày 5/9/2022.

Hiện 568 triệu cổ phiếu ROS chưa được giao dịch trên Upcom như các cổ phiếu bị hủy niêm yết khác do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội phải xem xét hồ sơ sau khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 4/2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và bà Hương Trần Kiều Dung (cựu Phó chủ tịch Tập đoàn FLC và nguyên Chủ tịch Chứng khoán BOS) đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của CTCP Xây dựng Faros (ROS) với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư. Thực tế các cổ đông chỉ góp hơn 1.197 tỷ đồng vốn điều lệ vào Faros.

Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nhưng ông Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý Nhà nước đề nghị đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu ROS tại HOSE.

Khi 430 triệu cổ phiếu ROS đã lên sàn chứng khoán, nhóm này đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Như vậy, đến nay, trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan ông Trịnh Văn Quyết, 43 người đã bị khởi tố.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok