Giải trí

Cảnh nóng trong phim Việt bị lỗi thời hay bị đào thải?

Nếu trước đây, phim Việt "vin" vào cảnh nóng để câu kéo người xem đến rạp hòng “hốt” doanh thu thì ngày nay cảnh nóng đã không còn xuất hiện tràn lan. Nhiều người gọi đó là sự đảo thải đúng quy luật nhưng cũng có người xem cảnh nóng đã bị lỗi thời.

Cảnh nóng đã lỗi thời hay bị đào thải?

Nếu trước đây, mỗi khi nhắc đến phim Việt người ta dễ dàng đọc ra công thức: “ngôi sao + cảnh nóng + hài hước = phim Việt” thì ở thời điểm hiện tại công thức đó đã bị phá vỡ. Lối làm phim thương mại truyền thống, đánh vào nhu cầu cần tiếng cười, nhu cầu “rửa mắt” bằng những màn nóng bỏng hoặc những câu chuyện ma quái gây kích thích ảo giác đã bị đào thải theo đúng quy luật.

Trong 8 phim Việt ra rạp tính từ tháng 2/2017 đến hết tháng 4/2017 gồm: Bạn gái tôi là sếp, 49 ngày 2, Vali tình yêu, Hotboy nổi loạn 2, Dạ cổ hoài lang, Cha cõng con, Lô tô, Em chưa 18, phim hài và phim có cảnh nóng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, hai phim được xem là có nhiều cảnh nóng như “Hotboy nổi loạn” và “Em chưa 18” cũng ở mức độ vừa phải và những cảnh nóng đó chỉ mang tính tạo nên nút thắt cho vấn đề chứ không phải đưa vào theo “mô - típ” tràn lan như trước đây.

Một cảnh trong Hotboy nổi loạn phần 2. Ảnh: ĐLP.

Thêm vào đó, những cảnh nóng được quay đặc tả như “Hotboy nổi loạn” hoặc điểm xuyết “Em chưa 18” cũng đã không tạo ra những cơn sốt mang tính “lây lan” trên mạng xã hội như trước đây nữa. Người ta có vẻ như đã xem chuyện hở hang, nóng bỏng, giường chiếu… là chuyện đã quá đỗi xưa cũ. Thay vào đó, họ quan tâm nhiều hơn đến những cảnh rơi nước mắt, đến những phận đời trái ngang hoặc những số phận đặc biệt trong đời sống.

Nhà sản xuất Bebe Phạm cho rằng, đây không phải là sự đào thải mà nói đúng hơn là sự dịch chuyển thị hiếu của người xem theo xu hướng chung. Các bộ phim của Hollywood cũng đã “thưa vắng” dần những cảnh nóng từ 5 năm trước. Các nhà sản xuất phim “bom tấn” đã đổi mới tư duy bằng cách nhìn trực diện vào người xem để thấy họ đang cần gì và muốn gì.

Đạo diễn Dũng Nghệ cũng cho rằng, bằng chứng sinh động cho sự dịch chuyển thị hiếu của người xem ở Việt Nam đó là cả hai bộ phim đoạt doanh thu “khủng” như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Em là bà nội của anh” đều nói “không” với cảnh nóng vậy nhưng khán giả vẫn “ùn ùn” kéo đến rạp. Riêng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, sức lan tỏa không chỉ nằm ở sự nhân văn mà còn cả sự diễm lệ của cảnh sắc Việt Nam.

“Ngó” xuống thân phận người để cuộc đời bớt vô cảm

Ba bộ phim “Cha cõng con”, “Dạ cổ hoài làng” và Lô tô” dù không được đánh giá cao về doanh thu nhưng lại gây tiếng vang về sự nhân văn và lòng trắc ẩn. Nếu “Cha cõng con” kể một câu chuyện giản dị về tình cha con; “Dạ cổ hoài lang” kể về cảnh đời của hai người đàn ông khi xa xứ theo con thì “Lô tô” lại xoáy vào cái tình của những thân phận đặc biệt bên gánh hát lô tô.

Bản thân “Hotboy nổi loạn” cũng được xem là xoáy vào những ẩn ức và cuộc sống của người đồng tính. Qua đó để người đời thấy được những góc khuất của người trót mang thân phận giới tính thứ 3.

“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” cũng là bộ phim được làm theo hướng kể câu chuyện nhẹ nhàng về một xóm nghèo với những thân phận và cuộc đời khác nhau. Ảnh: ĐLP.

Sắp tới sẽ có phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” một bộ phim của đạo diễn Bình Nguyên - Mai Thế Hiệp kể câu chuyện nhẹ nhàng về một xóm nghèo giữa lòng thành phố. Ở xóm nghèo đó, có gia đình bà Tư (NSƯT Kim Xuân), ông Phát (NS Lê Bình), chị Diễm và anh Được (Kiều Oanh và NSƯT Hoàng Nhất) sinh sống đã lâu. Trải qua hơn 30 năm vật đổi sao dời nhưng mọi người nhất quyết không dời đi. Với họ ngoài tình hàng xóm láng giềng, mỗi người còn nắm giữ một bí mật về vụ án mất tích của Nam (Khắc Minh) - con trai bà Tư 30 năm trước. Bộ phim mang thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm đẫm tình cảm cùng triết lý nhân sinh của người Việt Nam xưa.

Người ta gọi những bộ phim kể trên là “món lạ” của thị trường điện ảnh Việt trong năm 2017. Đạo diễn Dũng Nghệ cho rằng, những “món lạ” này đang làm cho lớp khán giả trẻ bớt dửng dưng hơn trước cuộc sống đầy đủ mà họ đang có. Và chính “món lạ” này cũng góp phần đẩy lùi sự vô cảm mà xã hội nói chung đang phải đối diện.

Riêng diễn viên Lã Thanh Huyền lại cho rằng, bản thân cô là một diễn viên nhưng lại thích xem những bộ phim nhẹ nhàng, nhân văn, không “lên gân, lên cốt”… như những phim mới ra rạp gần đây. Những câu chuyện giản dị nhưng chân thật, những cuộc đời trái ngang, ẩn chứa nhiều thông điệp, những số phận đắng cay nhưng tràn ngập yêu thương… khi xem xong người ta có thể chùng xuống nhưng sẽ sống đẹp hơn, biết quan tâm đến xung quanh hơn và có trách nhiệm với cuộc đời hơn. Đó mới đúng là “sứ mệnh” của điện ảnh, đem những giá trị “chân - thiện - mỹ” đến gần hơn với cuộc sống, với người xem.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, dù cuộc sống có phát triển tới đâu thì con người vẫn là yếu tố cốt lõi. Và khi con người càng bị cuốn theo dòng chảy của xã hội hiện đại, họ lại càng cần được quay ngược dòng để trở vào bờ an toàn. “Bến bờ” đó chính là trạng thái cân bằng để họ cảm nhận rõ rệt hơn về cuộc đời và “sứ mệnh” làm người của mình. Và cao cả hơn chính là sống có trách nhiệm, có tình thương và có lương tri hơn.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok