Trong tỉnh

Cảnh báo trụ cầu “bẫy” tai nạn đêm đường sông

Lưu thông dưới cầu vượt sông vào ban đêm luôn là nỗi ám ảnh của các phương tiện thủy, khi khoang thông thuyền nhỏ hẹp, tối om vô hình trung trở thành những cái bẫy tai nạn cực nguy hiểm.

Bổ sung đèn chiếu sáng ban đêm tại gầm cầu vượt sông sẽ giúp giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro, sự cố cho phương tiện thủy và cầu

Liên tiếp xảy ra tai nạn đâm va cầu

Khoảng 4h ngày 21/7, một phương tiện chở cát đã đâm sập cầu sông Hoàng (xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa), làm một phụ nữ lao cả người và xe xuống sông. Chiếc tàu cũng bị chìm, nhưng may mắn không có thiệt hại về người. Còn trên sông Đuống (Hà Nội), khoảng 3h sáng 26/7, tàu NĐ-3274 vừa lưu thông qua cầu Phù Đổng theo khoang thông thuyền không có báo hiệu, tín hiệu đường thủy đã đâm vào thuyền đánh cá làm hai mẹ con trên thuyền tử vong.

Theo thông tin từ Công ty CP Quản lý đường sông số 6, trong tháng 6/2017 còn xảy ra một vụ tàu chở hàng lưu thông ban đêm “trèo” lên đế cầu Đông Trù (sông Đuống). Một số thuyền trưởng cho biết, điều khiển phương tiện thủy lưu thông ban đêm, nguy hiểm nhất là đi qua các cầu vượt sông có khoang thông thuyền hẹp, tĩnh không cầu thấp. Ông Bùi Văn Đức, thuyền trưởng tàu HD-1384 chuyên chở gỗ dăm từ sông Công (Thái Nguyên) đi Quảng Ninh cho biết: “Tàu đi đêm trên tuyến sợ nhất lúc đi qua các cầu, nhất là cầu có khoang thông thuyền hẹp. Một số cầu trên tuyến như cầu Đuống, cầu Bình... có dòng nước xoáy, chảy xiết, nguy cơ rủi ro cao nhưng chỉ có đèn tín hiệu mà không có đèn chiếu sáng hỗ trợ”.

Anh Nguyễn Trọng Hà, thuyền trưởng tàu VP-1274 thường xuyên chở đá, cát trên tuyến sông Lô, sông Hồng cho biết, đường thủy phải đón con nước để đi, nên nhiều hôm 3h-4h sáng là thời điểm phương tiện đồng loạt khởi hành từ sông Lô, khiến nhiều lúc phương tiện tranh nhau qua cầu. “Trời tối không nhìn được báo hiệu ở cầu, đến sát cầu rọi đèn mới nhìn được thước đo nước ngược. Người lái chưa quen luồng tuyến hoặc chưa có kinh nghiệm mà đi qua cầu có dòng chảy phức tạp, khoang thông thuyền nhỏ hẹp vào ban đêm rất nguy hiểm”.

Cần chiếu sáng khoang thông thuyền

Ông Nguyễn Văn Loan, phụ trách Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Cục ĐTNĐ Việt Nam) thông tin, trên hệ thống đường thủy quốc gia hiện có 651 cầu vượt sông, trong đó có 251 cầu khoang thông thuyền không đạt tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường thủy nội địa, nguy hiểm cho phương tiện thủy, nhất là vào ban đêm, do tĩnh không thấp, khoang thông thuyền hẹp. Năm 2016, mới có 22 cây cầu được bố trí lực lượng điều tiết giao thông (trong đó 11 vị trí điều tiết quanh năm và 11 vị trí điều tiết theo mùa, mực nước) và 9 vị trí cấu được bố trí chống va trôi vào mùa lũ để bảo đảm an toàn cho phương tiện thủy, công trình cầu. “Hiện, chưa có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật về bố trí ánh sáng, phao dẫn luồng trước khi vào khoang thông thuyền, nên hầu hết các cầu chỉ có đèn tín hiệu để phương tiện nhận biết, lưu thông vào ban đêm”, ông Loan nói.

Thượng tá Bùi Xuân Khởi, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ TNGT nào liên quan đến tín hiệu đèn giao thông. Theo quy định, các phương tiện trước khi được cấp giấy phép đăng ký, đăng kiểm phải được trang bị đầy đủ các dụng cụ như: Đèn tín hiệu, áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi… Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng phối hợp với ngành chức năng, Chi cục Đăng kiểm Bạc Liêu tuyên truyền, vận động người dân ý thức hơn về việc trang bị dụng cụ hỗ trợ phương tiện đường thủy.

Trong khi đó, ông Lê Trương Xuân, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông thủy bộ Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, trung tâm đã tiến hành kiểm định 1.232 phương tiện thủy, trong đó có 232 phương tiện kiểm định lần đầu. Qua công tác kiểm định, nếu các phương tiện thủy không có hoặc không đủ đèn tín hiệu theo quy định, trung tâm bắt buộc chủ phương tiện phải bổ sung mới tiến hành kiểm định.

H.Thủy - G.Minh

Cũng theo ông Loan, biển báo hiệu trên cầu vượt sông được lắp đặt theo dự án và do đơn vị quản lý cầu quản lý, bảo trì. Tuy vậy, có tình trạng báo hiệu có kích thước không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc đơn vị quản lý cầu không chú trọng bảo dưỡng, duy trì màu sắc biển báo, tín hiệu đèn theo quy chuẩn, một số cầu chủ đầu tư không lắp báo hiệu gây khó khăn trong công tác quản lý và ATGT (mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản nhắc nhở…).

Trong khi đó, ông Nguyễn Thông Thạo, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 12 cho biết: “Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cầu dân sinh bắc qua luồng đường thủy quốc gia, nhưng hầu hết không lắp đèn chiếu sáng, không bố trí hoặc bố trí báo hiệu, đèn tín hiệu không đúng tiêu chuẩn. Đây cũng là nguy cơ dẫn đến các sự cố phương tiện thủy lưu thông ban đêm đâm va công trình cầu”.

Trước thực tế trên, Cục ĐTNĐ Việt Nam đang nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn báo hiệu tại khoang thông thuyền các cầu vượt sông. Trong đó, sẽ bổ sung phao dẫn luồng, đèn chiếu sáng ban đêm, giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt hơn. Đồng thời, đơn vị này cũng sẽ thử nghiệm lắp thiết bị đọc mực nước tự động tại cầu, với chức năng tự động ghi nhận mực nước và cập nhật 1 giờ/lần trên mạng điện tử, để người điều khiển phương tiện có thể tra cứu từ xa trước khi đưa phương tiện qua.

Cũng theo ông Loan, hiện Cục ĐTNĐ Việt Nam đang xây dựng thông tư về điểm đen TNGT đường thủy, trong đó sẽ đưa ra tiêu chí để phân loại các cầu với các mức độ nguy cơ xảy ra sự cố, điểm đen TNGT để có các giải pháp phòng ngừa rủi ro tương ứng.

Nói về giải pháp của Cục ĐTNĐ Việt Nam, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì ĐTNĐ số 7 và một số thuyền trưởng đều đồng tình cho rằng, ngày càng nhiều phương tiện thủy có kích thước, trọng tải lớn, nên hệ số xảy ra mức độ rủi ro cao khi lưu thông qua các cầu vào ban đêm. “Nếu các cầu được lắp đèn chiếu sáng, phao dẫn luồng sẽ rất tốt, giúp người điều khiển phương tiện ban đêm dễ dàng quan sát luồng, giảm nguy cơ va chạm, sự cố tại khu vực cầu”, ông Nhuần nói.

Tác giả: Huy Lộc

Nguồn tin: atgt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok