Giáo dục

Cảnh báo lợi dụng công nghệ cao gian lận thi cử

Cơ quan chức năng cảnh báo trước kỳ thi THPT quốc gia 2017, có hai thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử phổ biến là máy tính bỏ túi và đồng hồ. Ngoài ra, các giám thị cũng phải chú ý đến cả những thiết bị khác từ nhẫn, kính thí sinh đeo.

Thiết bị gian lận "đội lốt" đồng hồ, máy tính bỏ túi

Đại tá Nguyễn Bạch Đằng, Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) lưu ý như vậy trong chuyến kiểm tra thi cùng đoàn công tác của Bộ GD&-ĐT tại hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh vừa qua.

Theo Đại tá Đằng, với máy tính bỏ túi, các giám thị phải kiểm tra xem có đúng chức năng của máy tính không. Vì nhiều khi vỏ là máy tính nhưng ruột là điện thoại Iphone. Nên có thể chụp ảnh toàn bộ đề thi ra ngoài, đồng thời nhận được lời giải từ ngoài gửi vào.

Kiểm tra thi THPT quốc gia 2017 tại Trường THPT An Hải (Hải Phòng). Ảnh: Tú Lệ

Thứ hai là đồng hồ. Vì có trường hợp dán mặt đồng hồ còn thực chất là điện thoại, tai nghe của những đồng hồ này chỉ bằng hạt gạo đặt vào trong tai.

"Khi vào phòng thi, giám thị coi thi cần kiểm tra một lượt máy tính bỏ túi và đồng hồ đeo tay của thí sinh xem là “hàng thật” hay “hàng đội lốt”. Chỉ cần bấm qua một số nút trên máy tính là có thể phát hiện được điều này. Chúng tôi cũng từng phát hiện những chiếc đồng hồ được dán mặt hình đồng hồ như thật nhưng thực chất là một chiếc điện thoại rất hiện đại” – Đại tá Đằng chia sẻ thực tế.

Còn Đại tá Vũ Đức Thành, PA83 Công an thành phố Hải Phòng cũng cho biết thêm hiện có loại ống nhòm mới có thể nhìn xa cách mục tiêu 2km, sau đó phóng lên rồi chụp bằng điện thoại.

Do đó, nguy cơ lộ đề thi rất có thể xẩy ra từ cách xa điểm thi tới 2km. Vì vậy, đại tá Thành yêu cầu tất cả các điểm thi có tiếp xúc với nhà dân phải đóng cửa sổ. Giám thị phải chú ý đến các biểu hiện của thí sinh trong phòng thi.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), nhấn mạnh đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn cho các điểm thi.

“Cán bộ giám sát phải giám sát cả mặt sau của mỗi phòng thi. Có che chắn với khu vực tiếp giáp với nhà dân. Những điểm xung yếu cần bổ sung thêm lực lượng an ninh cắm chốt".

Trước đề nghị của ông Trinh, Thượng tá Nguyễn Bá Bính, phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu ngành giáo dục của tỉnh rà soát một lần nữa tất cả các điểm thi có được con số cụ thể, chính xác để công an bố trí lực lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ đã hướng dẫn danh sách máy tính cầm tay được mang vào phòng thi. Theo ông Hải, khó khăn là làm sao giám thị có năng lực để phát hiện hành vi sử dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng chia sẻ kinh nghiệm của Hải Phòng: Khi vào làm thi, PA83 dùng nghiệp vụ để kiểm soát, xem xét nghiêm hơn cả hành khách lên máy bay. Điện thoại của các thành viên thuộc ban in sao đề thi đều được niêm phong bên ngoài.

"Phá sóng tại các điểm thi rất khó. Chúng tôi hạn chế tối đa bằng biện pháp là kiểm soát con người. Từ in sao đề cho tới làm phách. Tuy nhiên, lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là công nghệ hiện đại”.

Gọi điện thoại đôn đốc thí sinh những ngày thi

Theo bà Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, tỉnh có trên 13.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia tại 34 điểm thi. Mỗi huyện, thị (14 huyện thị) phải có ít nhất một điểm thi. Cơ sở vật chất đáp ứng phục vụ kỳ thi và phải có nơi ăn chốn ở (gần nhà nghỉ, khách sạn hoặc trong điểm thi có thể lo được) cho giáo viên về coi thi và thí sinh nghỉ nếu có nhu cầu.

Tại trường THPT Lê Hồng Phong (thành phố Cẩm Phả), ông Ngô Bá Uyên, hiệu trưởng nhà trường cho biết giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ về làm công tác thi tại điểm trường. Chỗ ở lực lượng giảng viên về coi thi được bố trí nghỉ tại nhà nghỉ, khách sạn cách trường 1.4km. Tại trường THPT Hải Đảo, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, cán bộ ĐH về coi thi cũng được bố trí ăn nghỉ gần khu vực điểm thi.

Đặc biệt, năm nay, các trường THPT phải có số điện thoại, địa chỉ của tất cả các thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, trường, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm gọi điện đôn đốc thí sinh. Trên các phương tiện truyền thông như đài phát thanh những ngày thi đều thông báo ngày giờ cụ thể mỗi môn thi.

Tại 2 điểm thi ở đảo là Cô Tô và Quan Lạn, số lượng thí sinh tham gia dự thi không lớn nhưng tất cả các khâu của kỳ thi đều được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là khâu vận chuyển đề thi. “Với các điểm thi trong đất liền, đề thi được vận chuyển đến điểm thi trước ngày thi một ngày thì tại hai điểm thi ngoài đảo sẽ được vận chuyển đến trước hai ngày. Trong trường hợp nếu có bão to chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo cụ thể”.

Sở GD-ĐT Hải Phòng năm nay cũng có cách làm mới đó là bổ sung thêm lực lượng công an phòng cháy chữa cháy tham gia kỳ thi, khai thác tối đa cơ sở vật chất của các trường ĐH đóng trên địa bàn.

Đối với kỳ thi sắp tới, làm việc với hai địa phương, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT một lần nữa nhấn mạnh đến vấn đề bảo mật đề thi, bài làm của thí sinh.

“Tại tất cả các điểm thi, bài thi, đề thi ở đâu, công an và điểm trưởng phải ở đó”.

Tác giả: Tú Lệ

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: gian lận , thi cử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok