Giáo dục

Cần tiếp tục khơi dậy tinh thần cuộc vận động “hai không”

Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “hai không” là một biện pháp quan trọng trong nỗ lực chấn hưng ngành giáo dục nước nhà.

LTS: Khi kỳ thi THPT quốc gia 2016 sắp bắt đầu, hôm nay, thầy giáo Bùi Minh Tuấn gửi tới tòa soạn bài viết với mong muốn kỳ thi sắp tới sẽ diễn ra nghiêm túc và hiệu quả hơn.

Những năm gần đây, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90% thậm chí có nơi đạt 98,99%.

Trước thực tế này, tác giả cho rằng đã đến lúc cần tiếp tục khơi dậy tinh thần của cuộc vận động “hai không” để tránh tình trạng chất lượng giáo dục tiếp tục “xuống dốc”.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Cuộc vận động “hai không” được ngành giáo dục phát động thực hiện từ mười năm trước và đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ trong thời gian đầu thực hiện.

Mặc dù vậy, trước áp lực của “bệnh thành tích” còn khá nặng nề, đặc biệt là trước tình trạng học sinh bỏ học nhiều, đã xuất hiện tâm lí hoài nghi, nao núng…

Trước thực trạng trên, việc tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “hai không” là một biện pháp quan trọng trong nỗ lực chấn hưng ngành giáo dục nước nhà.

hai
Cần tiếp tục khơi dậy tinh thần cuộc vận động “hai không” (Ảnh chưa rõ tên tác giả)

Nhất là khi, nhu cầu phát triển của đất nước đang trông đợi rất nhiều vào đội ngũ nhân lực có chất lượng.

Còn nhớ, trong năm học 2006-2007, với nỗ lực tạo ra một diện mạo mới, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng chất lượng thực, Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Ngay trong năm đầu tiên thực hiện, “hai không” đã phát huy tác dụng. Hiệu quả lớn nhất từ cuộc vận động mang tính đột phá này là chất lượng thực trong dạy và học phần nào được nhận diện.

Đồng thời, các cấp, các ngành và toàn xã hội đã “xắn tay” nhập cuộc, sát cánh, chung sức với ngành giáo dục trong nỗ lực chấn hưng.

Một thực tế đã diễn ra là khi thực hiện “hai không”, kỷ luật phòng thi được siết chặt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT đã giảm mạnh.

Trong năm 2007, ở lần thi thứ nhất, cả nước chỉ có 66,7% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và 26,6% học viên đỗ tốt nghiệp bổ túc THPT.

Mặc dù phải nếm “trái đắng” nhưng phải thừa nhận rằng, kết quả trên đã phản ánh được phần nào những mảng tối trong bức tranh về chất lượng giáo dục đại trà.

Sau nhiều năm “ngủ quên” trong thành tích ảo, kết quả trên cho thấy, đã đến lúc ngành giáo dục phải có những động thái quyết liệt, tích cực, nếu như không muốn để chất lượng giáo dục tiếp tục “xuống dốc”.

Những tưởng khí thế bước đầu của cuộc vận động “hai không” sẽ được phát huy trong những năm tiếp theo nhưng đáng buồn là dường như càng về sau, sức lan tỏa, ảnh hưởng của “hai không” càng nhạt dần.

Đặc biệt là trong vài năm trở lại đây, biểu hiện rõ nhất là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng cao nhưng dường như chưa phản ánh đúng chất lượng học tập thực tế của học sinh.

Năm 2015, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chung trên cả nước là 91,58%, trong đó có nhiều trường đạt gần 100%.

Nếu như ở các năm trước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các địa phương còn ít nhiều phản ánh khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền thì những năm gần đây, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%.

Trong đó, có nhiều tỉnh đạt từ 96-99% ở cả hai hệ THPT và bổ túc THPT. Gần đây, ở những địa phương mà điều kiện kinh tế còn khó khăn, đã xuất hiện tình trạng học sinh bỏ học nhiều.

Không ít ý kiến cho rằng, sở dĩ có hiện tượng học sinh bỏ học tràn lan là do cuộc vận động “hai không”.

Điều đó có phần đúng và là hệ quả không mong muốn từ “hai không”.

Trong một thời gian dài, ngành giáo dục và cả xã hội nhắm mắt làm ngơ cho một bộ phận không nhỏ học sinh không đạt chuẩn lên lớp, từ đó nảy sinh những tiêu cực, yếu kém trong dạy và học, trong công tác thi, kiểm tra, đánh giá.

Việc giải quyết triệt để tình trạng trên không thể chỉ diễn ra trong một sớm một chiều mà cần có thời gian, lộ trình cụ thể.

Có thể nhận thấy, kết quả lớn nhất thu được từ cuộc vận động “hai không” là: Những ung nhọt trong ngành giáo dục bấy lâu bị che đậy đã được phanh phui, mổ xẻ, mặc dù gây đau đớn, nhưng không còn cách nào khác là phải chấp nhận để khắc phục, vượt qua.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân – người phát động cuộc vận động “hai không” trong ngành giáo dục từng nhận định: “Các em có thể cầm được mảnh bằng tốt nghiệp nhưng phỏng có ích gì khi vào đời các em không làm được việc”.

“Hai không” có thể chưa phải là một cuộc cách mạng thực sự triệt để nhằm giải quyết hết được những bất cập, yếu kém bấy lâu nay của ngành giáo dục nhưng ít ra nó đã khiến cho những người có trách nhiệm và dư luận xã hội thấy được chất lượng thực của dạy và học để từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Hậu quả sẽ rất tai hại nếu như chúng ta tiếp tục chấp nhận những sản phẩm giáo dục có danh mà không có thực.

Sự phát triển của đất nước sẽ ra sao nếu được trao vào tay những cá nhân mà vị trí của họ được tạo bởi những tấm bằng không thực chất?

Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “hai không” là một biện pháp quan trọng trong nỗ lực chấn hưng ngành giáo dục nước nhà.

Nhu cầu phát triển của đất nước đang trông đợi rất nhiều vào đội ngũ nhân lực có chất lượng.

Những bước đi táo bạo, mang tính đột phá của ngành giáo dục trong thời gian qua trong nỗ lực đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà là rất đáng khích lệ và cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đồng lòng, ủng hộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Kỳ thi THPT năm 2016 đang đến gần, mong rằng, tinh thần của cuộc vận động “hai không” năm nào sẽ được tiếp tục khơi dậy, phát huy hiệu quả, tạo cơ sở cho việc thực hiện lộ trình đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Bùi Minh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok