|
Tuy nhiên theo ông, thực tiễn có thể nảy sinh những trường hợp đặc biệt; vì vậy, Luật nên xem xét bổ sung: “Trường hợp đặc biệt do Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét quyết định”.
Băn khoăn về Hội đồng trường
Liên quan đến Hội đồng trường, Hội đồng đại học (Điều 16), theo GS Đinh Xuân Khoa, cần làm rõ quyền sở hữu của Chủ tịch Hội đồng trường và quyền điều hành của hiệu trưởng; quy định rõ về quan hệ giữa Hội đồng trường với Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường với Bí thư Đảng ủy. Đồng thời, cần quy định rõ Phó Hiệu trưởng vào Hội đồng trường do bầu hay cử.
Về Điều 16, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh bày tỏ 2 băn khoăn. Thứ nhất, ở điểm b, khoản 3, Điều 16 “Thành viên Hội đồng trường” quy định: “Các thành viên ngoài cơ sở GD ĐH chiếm tỷ lệ tối thiểu 30%”. Một thực tế hoạt động của các Hội đồng trường đã được thành lập lâu nay, hầu hết các thành viên ngoài trường chỉ tham gia lần đầu tiên khi ra mắt các thành viên Hội đồng trường còn sau đó các cuộc họp của Hội đồng trường gần như vắng mặt;
Điểm c, khoản 3, Điều 16 về nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng trường: Vì mọi quyết định của Hội đồng trường đều là quyết định của tập thể, không một thành viên Hội đồng trường nào được tự quyết định, vì vậy cụm từ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình” có chính xác hay không?
Dẫn Nghị quyết số 19-NQ/TW có nội dung: “Áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường” - GS Đinh Xuân Khoa đồng thời cho rằng: Nên chăng cần quy định rõ tại điểm a, khoản 4, Điều 16, Bí thư Đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường.
Riêng với Điều 54 về giảng viên, GS Đinh Xuân Khoa đề nghị cần định nghĩa giáo sư và phó giáo sư, quyền lợi và nghĩa vụ của họ vì đây là lực lượng nòng cốt của trường đại học. Đồng thời, cần sửa đổi chức danh của giảng viên trong Luật Giáo dục đại học để phù hợp với Luật Viên chức.
Nâng cao tính tự chủ toàn diện cho các cơ sở GD ĐH
Với Điều 33 (về mở ngành đào tạo), GS Đinh Xuân Khoa góp ý: Cần quy định các cơ sở GD ĐH được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở mã ngành đào tạo các trình độ. Việc mở ngành không nhất thiết phải có tiến sỹ cùng ngành, vì ngành mới mở thường thiếu giảng viên có học vị cao. Mà chỉ cần tiến sĩ dạy được các môn của ngành mới đó.
Điều 45 (Liên kết đào tạo với nước ngoài), cần nâng cao tính tự chủ toàn diện cho các cơ sở GD ĐH theo cơ chế chịu trách nhiệm giải trình cao nhất nhằm thúc đẩy quốc tế hóa các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên, giảng viên và phát triển đối tác quốc tế, các cơ sở GD ĐH tự chủ được quyền phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học và sau đại học.
“Luật chưa đề cập đến các chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia nghiên cứu và giảng dạy. Để được xem là đội ngũ cơ hữu hay thỉnh giảng, những chuyên gia này lại bị chi phối bởi Luật Lao động, quy trình rất phức tạp.
Cần bổ sung: Thành lập văn phòng đại diện phân hiệu cơ sở GD ĐH của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài” – GS Đinh Xuân Khoa góp ý thêm cho Điều 45.
Về cơ cấu tổ chức của trường đại học (Điều 14), GS Đinh Xuân Khoa cho rằng, các mô hình cơ sở GD ĐH chưa được quy định rõ trong Luật (đại học nghiên cứu, ứng dụng, thực hành...). Mô hình trường trong trường và doanh nghiệp trong trường là xu hướng của các trường đại học thế giới. Vì vậy, cần sử dụng mô hình trường đại học gồm các trường trực thuộc (University và các College thuộc University) đây là mô hình tổ chức phổ biến trên thế giới, đồng thời cũng là mô hình nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở GD ĐH thực hiện quyền tự chủ.
Đồng thời, cần quy định rõ hơn mô hình tổ chức và hoạt động của trường đại học (trường/viện/khoa/bộ môn); cho phép các viện trực thuộc trường được tổ chức đào tạo, tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ;
Trong Luật cũng cần quy định rõ quyền của các trường được tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế (làm rõ quyền xác định biên chế, cơ chế trả lương, cơ chế thu hút...); tài chính (làm rõ quyền liên doanh, liên kết, hợp tác, các hoạt động dịch vụ...); học thuật (làm rõ quyền xây dựng chương trình đào tạo; chương trình đào tạo chất lượng cao; mở ngành, chuyên ngành đào tạo trong danh mục theo quy định của Bộ GD&ĐT...; quyền được mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội); hợp tác quốc tế (liên kết, hợp tác đào tạo với các cơ quan, đơn vị, tổ chức... trong và ngoài nước).
Điều 11. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GD ĐH, tại mục 3. Ý cuối cùng nêu: “… ban hành chuẩn cơ sở GD ĐH để thực hiện quy hoạch mạng lưới, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”. Theo tôi, cơ sở GD ĐH không chỉ có hoạt động đào tạo, mà còn các hoạt động khoa học công nghệ, phục vụ xã hội. Do đó để khái quát đề nghị sửa ý này thành: “… ban hành chuẩn cơ sở GD ĐH để thực hiện quy hoạch mạng lưới, đảm bảo và nâng cao chất lượng GD ĐH”. GS.TS Đinh Xuân Khoa |
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: Báo Giáo dục & Thời đại