4 giờ sáng, khi chồng con vẫn đang ngủ, cô giáo Lê Thị Yến (Hà Nội) đã thức dậy để chuẩn bị công việc ngày mới. Cô ngồi vo gạo để thổi xôi, bán trước cổng trường.
8h15 có tiết dạy đầu tiên nên cô Yến phải tranh thủ kiếm được đồng nào hay đồng đấy. Nhiều ngày đông khách, một số giáo viên trong trường phụ giúp cô. Người gói xôi, người thu tiền, tấp nập một góc bên đường. Nhờ công việc tay trái này mà cô cũng có thêm đồng ra đồng vào.
Mặc dù chỉ mới bán xôi được ít lâu nhưng do có duyên bán hàng nên thu nhập của cô Yến cũng tương đối.
Công tác trong ngành giáo dục 15 năm, trong đó 10 năm gắn bó với trường tiểu học B.T (Hà Nội), cô Yến chưa một lần được thưởng Tết. Năm nào may mắn lắm thì nhà trường thưởng cho can dầu ăn, cân mì chính.
Mấy tháng nay, chồng ngã bệnh, cô Yến gần như là trụ cột gia đình. Dịp cận Tết nhiều khoản phải chi tiêu trong khi lương giáo viên chỉ 7 triệu đồng. Nữ giáo viên chưa biết xoay sở như thế nào thì có người mách nước mở hàng xôi bán trước cổng trường.
Những ngày đầu tiên, cô cũng ngại khi gặp đồng nghiệp, học sinh. Nhưng thầy hiệu trưởng động viên cô làm việc chính đáng tăng thu nhập thì có gì phải ngại. Cô thấy tự tin hơn. Đến nay, bán xôi được hơn 1 tháng, dù vất vả nhưng cô cũng có đồng ra, đồng vào lo cho cái Tết sắp tới.
Cô Yến tranh thủ nửa đêm thái lá sen thuê để có thêm thu nhập. (Ảnh: V.N) |
Hàng chục năm nay, cô Lê Thị Minh, giáo viên hợp đồng tại huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chưa bao giờ ngủ trước 12h đêm. 17h mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc ở trường, cô Minh lại đạp xe khắp các quán ăn trong thị trấn để xin thức ăn thừa về nuôi gà, chó.
Năm 2008, sau khi lập gia đình, cô Minh xin về dạy hợp đồng tại trường mầm non Đ.L. Từ đó đến nay, lương của cô vẫn chỉ dừng ở mức hơn 3 triệu đồng/ tháng. Thu nhập thấp, cô Minh làm đủ nghề để mưu sinh. Dịp cận Tết, cô không có thời gian nghỉ ngơi. Có đêm, người trong làng thấy cô đi ủng cao su, mặc áo bảo hộ, đầu đeo đèn ra cánh đồng đặt trúm bắt lươn, cua đồng.
Sáng sớm, cô vội vàng ra chợ bán cua, ngô khoai để tăng thu nhập. Ngày nào may mắn thì kiếm thêm được hơn 100.000 đồng. Ngày vắng khách cô chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng.
Tuy vất vả nhưng cô Minh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Cô cho biết nghề trồng người đem đến cho cô nhiều niềm vui và hy vọng. Sự nhân văn và tình cảm với học sinh là lý do cô tiếp tục gắn bó với công việc này đã 13 năm. Dịp Tết năm nay, cô chỉ mong nhà trường có phần quà nho nhỏ để động viên những nỗ lực của giáo viên trong suốt năm học qua.
Chia sẻ về những vất vả của giáo viên mầm non, cô Minh tâm sự: “Trong đội ngũ nhà giáo thì giáo viên mầm non là vất vả nhất nhưng mức lương lại chưa tương xứng. Chúng tôi làm việc mỗi ngày từ 8-10 tiếng cũng chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng/ tháng. Quá vất vả nhiều cô đã bỏ nghề để đi làm công nhân, làm may”.
Ngoài thời gian ở trường, công việc chính của cô Minh là nuôi gà, vịt. (Ảnh:V.N). |
12h trưa, sau khi kết thúc công việc tại trường, hai vợ chồng cô giáo M.H, giáo viên trường THCS T.H (Cầu Giấy, Hà Nội) vội vã trở về phòng trọ nấu mì. Ăn xong, hai vợ chồng khoác vội bộ quần áo Grab rồi mỗi người một xe máy chạy hai hướng khác nhau.
Dịp cuối năm, ngoài thời gian lên lớp vợ chồng cô H. tranh thủ đăng ký chạy xe Grab để kiếm thêm thu nhập. Cô H nhờ em trai chỉ cho cách chạy xe giao hàng còn chồng thì chạy xe ôm.
Hai vợ chồng cô đều từ dưới quê lên Hà Nội để xin việc. Tiếng là dạy ở Hà Nội cả hai đều đang dạy hợp đồng, nhận lương một tháng gần 3 triệu đồng. Nhà riêng chưa có nên đồng lương của hai vợ chồng chỉ đủ trả tiền thuê nhà trọ.
Ngoài thời gian đi dạy và chạy Grab, cô H còn tranh thủ bán hàng trên Facebook. Nhờ sự chăm chỉ, hai vợ chồng cô cũng đủ sống tạm qua ngày tại đất Hà Nội.
Trong tương lai, hai vợ chồng cố gắng bám trụ dạy hợp đồng để đợi cơ hội thi vào biên chế. Tuy nhiên cô H cũng đặt mục tiêu nếu 2 năm nữa vẫn dạy hợp đồng thì sẽ bỏ việc về quê để làm công việc khác.
Tác giả: Vũ Ninh
Nguồn tin: Báo VTC News