Giáo dục

Cần phải dạy giáo viên về “Đạo đức hành nghề”

Ở Việt Nam, giáo viên cứ tốt nghiệp có bằng là đủ điều kiện để giảng dạy suốt đời chứ không phải qua các cuộc thi sàng lọc về phẩm chất đạo đức để có chứng chỉ hành nghề. Nhiều giáo viên ý thức pháp luật kém, không còn nhớ lời thề sư phạm mình đã tuyên thệ mới dẫn đến những vụ việc "nóng" vừa qua gây bức xúc dư luận.

Đó là chia sẻ của TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội), thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE) với PV Dân trí.

Giáo viên chưa được sàng lọc về nhân phẩm

+ Thưa ông, thời gian qua, nhiều sự việc đáng tiếc trong giáo dục đã xảy ra: Cô giáo bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau, phụ huynh bắt cô giáo quỳ, cô giáo im lặng 4 tháng... Đây đơn giản chỉ là vô tình các sự kiện xảy ra liên tiếp hay thể hiện sư suy thoái đạo đức?

Theo tôi, những sự kiện không phải cá biệt liên tiếp xảy ra với tính chất ngày càng phức tạp và nghiêm trọng cho thấy sự suy thoái về đạo đức lối sống đã diễn ra và len lỏi vào trong mọi mặt của xã hội.

Nhà trường hiện tại có quá nhiều áp lực và mất an toàn. Giáo viên bị áp lực từ việc hoàn thành các nhiệm vụ giảng dạy, thực hiện các yêu cầu của lãnh đạo và cấp trên, áp lực lương thấp.

Học sinh trong trường thì chịu quá nhiều áp lực từ kỳ vọng của cha mẹ, thành tích học tập của nhà trường, danh dự giáo viên dạy giỏi của cô giáo, bị bắt nạt, quấy rối, bị dụ dỗ bởi các tệ nạn xã hội. Mỗi cá nhân đều đang chất chứa trong lòng rất nhiều áp lực. Họ như những quả bom chỉ đợi một kích thích quá ngưỡng sẽ nổ tung thành những hành vi phản cảm gây sốc cho xã hội.

TS Trần Thành Nam, Chủ Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục- ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam (VAPE).

+ Theo ông tác nhân nào dẫn đến những mâu thuẫn này ngày càng sâu sắc?

Mâu thuẫn thầy trò gia tăng hoặc uy tín, vị thế của người thầy giảm, thường được xem là nguyên nhân chính dẫn đến những biểu hiện hành vi xuống cấp đạo đức như thời gian qua. Tuy nhiên còn rất nhiều tác nhân khác ảnh hưởng dẫn đến thực trạng bạo lực trong trường học hiện nay.

Đó có thể là học sinh hiện nay tiếp cận với bạo lực khắp mọi nơi từ đời thực đến cuộc sống ảo trên mạng xã hội dẫn đến xuất hiện nhiều băng nhóm trong nhà trường mà trước đây không có.

Các băng nhóm trường học hiện nay cũng có nhiều điều kiện tiếp cận với vũ khí hơn. Học sinh mang dao, mang hung khí đến trường không được kiểm soát dẫn đến vụ việc đáng tiếc như học trò đâm thầy giáo đến nguy kịch.

Đó cũng có thể là hệ quả của việc xem nhẹ môn Giáo dục công dân nói riêng và công tác dạy làm người nói chung. Trường học đường như mới chỉ tập trung vào việc dạy chữ còn việc dạy người bị coi nhẹ và mang tính hình thức.

Môn Giáo dục công dân được xem là môn phụ và thường bị lấy giờ để giáo viên củng cố thêm kiến thức cho học sinh môn Văn, môn Toán. Có nhiều trường hợp giáo viên bị dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) tại các trường là những giáo viên yếu kém, bị kỷ luật, không thể dạy các môn khác thì được phân dạy Giáo dục công dân. Chương trình đào tạo giáo viên dạy GDCD không thu hút được người học.

Đặc biệt, ở chương trình đào tạo giáo viên, chúng ta cũng không hề thấy dấu ấn đậm nét về các nội dung rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp người giáo viên.

Đáng lẽ với bất kỳ một ngành nghề chuyên nghiệp nào như giáo viên đều phải được dạy về “Đạo đức hành nghề”.

Giáo viên trước khi hành nghề phải tuyên thệ thực hiện các quy điều đạo đức nghề giáo. Giáo viên phải ý thức rõ rằng việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp sẽ bị tước giấy phép hành nghề và đưa ra khỏi ngành.

Tuy nhiên ở Việt Nam, giáo viên cứ tốt nghiệp có bằng là đủ điều kiện để giảng dạy suốt đời chứ không phải qua các cuộc thi sàng lọc về phẩm chất đạo đức để có chứng chỉ hành nghề. Nhiều giáo viên ý thức pháp luật kém, không còn nhớ lời thề sư phạm mình đã tuyên thệ mới dẫn đến những vụ việc như bắt học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng như vừa qua.

Học sinh bị cô giáo bắt uống nước vắt giẻ lau bảng vì nói chuyện trong lớp

Quan hệ thầy- trò ngày càng xa cách

+ Một số ý kiến cho rằng ngành giáo dục đang đi xuống, quan hệ thầy trò thời nay không còn tốt đẹp như xưa... ông nhận định ra sao?

Rõ ràng quan hệ thầy trò hiện nay đang trở nên xa cách hơn. Vị thế của người thầy trong lòng công chúng bị suy giảm nghiêm trọng. Một nguyên nhân khách quan là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, người thầy không còn là nguồn tri thức duy nhất như trước đây nữa. Học trò có nhiều thời gian để tự nghiên cứu có thể giỏi hơn, biết nhiều hơn thầy.

Thế nhưng nhiều giáo viên chưa thích nghi với vai trò mới này, thấy uy tín và vị trí của mình bị lung lay. Để củng cố uy tín bị lung lay, giáo viên sử dụng các “áp lực” để “tạo uy” với học trò, làm cho trò nể, sợ thì mới dạy dỗ được, giáo viên sử dụng các dạng “bạo lực nóng” như phạt thể chất, quát mắng hạ nhục học sinh hoặc “bạo lực lạnh” như im lặng không giảng bài trong 4 tháng để tạo áp lực.

Bên cạnh đó, phải thẳng thắn nhìn nhận có một bộ phần “thầy không ra thầy”. Trong ngành còn nhiều giáo viên được bảo kê, giáo viên theo cơ cấu, giáo viên chạy vị trí. Về cơ bản, họ không đáp ứng các tiêu chuẩn năng lực và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của nghề giáo nhưng họ vẫn đang hành nghề. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh hạ thấp hình ảnh, vị thế của người thầy trong lòng công chúng.

Phụ huynh cũng góp phần làm tha hóa thầy cô, hạ thấp uy tín của thầy cô trước mặt con em bằng cách ứng xử “phong bì”, đo mức độ quan tâm của cô thầy bằng số lượng phong bì.

Học trò thì ngày càng ý thức được quyền của mình, các em chứng kiến thầy cô đối xử không công bằng giữa học sinh đi học thêm và không đi học thêm, chứng kiến việc phụ huynh đưa phong bì cho cô thầy và bình luận không tích cực sau đó... Tất cả góp phần làm hủy hoại sự tôn trọng thầy cô. Học sinh trở thành các ông vua con trong lớp, không biết tôn trọng ai và cảm thấy có thể xử lý mọi việc trong quan hệ với giáo viên bằng phong bì.

+ Chúng ta đều đồng ý rằng mạng xã hội giúp đưa nhiều câu chuyện chưa hay ra ánh sáng để có sự điều chỉnh phù hợp cho ngành giáo dục. Nhưng liệu có những tác động mặt trái làm căng thẳng hơn mâu thuẫn thầy - trò, nhà trường - gia đình?

Nhiều lúc tôi cảm thấy mạng xã hội như dùng kính hiển vi để soi con vi khuẩn. Nó quá phóng đại chi tiết tiêu cực mà không giúp ta nhìn thấy bức tranh tổng thể. Rõ ràng bạo lực học đường là vấn đề toàn cầu chứ không phải chỉ ở Việt Nam.

Các nước khác xuất hiện những vụ bạo lực nghiêm trọng như xả súng và nếu so sánh với Việt Nam thì chúng ta vẫn kiểm soát tốt hơn những vụ việc nghiêm trọng như thế. Tuy nhiên mạng xã hội nhiều lúc làm công chúng hoang mang lo lắng quá mức.

Bên cạnh đó, có nhiều tấm gương người thầy người cô nhân ái, hy sinh vì học trò nhưng không được mạng xã hội nói tới. Hoặc có nói thì cũng không được sự quan tâm của nhiều người.

Trên mạng xã hội, những người có tri thức, có trình độ và cái nhìn khách quan thì ít quan tâm hoặc thường không có thời gian bình luận. Phần nhiều những lời bình luận lại được viết ra bởi những “cái đầu đang nóng, trái tim lạnh và đôi tay manh động thiếu trách nhiệm”.

Đấy là chưa hiện có rất nhiều clip dàn dựng, thông tin giả với mục tiêu tạo sóng, tạo sốc, câu like, câu view gây hoang mang cho công chúng. Tất cả đều là những mặt trái của mạng xã hội.

Cô giáo im lặng suốt 4 tháng trời khiến học sinh phải bật khóc

Cần đưa việc dạy người trở lại đúng vị thế

+ Để ứng phó với những thực trạng vừa nêu, giải pháp là gì, thưa ông?

Thứ nhất, với những áp lực học đường mà học sinh và giáo viên đang phải đối mặt, cấp thiết phải có một bộ phận chuyên trách trong nhà trường giúp đỡ học sinh và giáo viên cân bằng lại trước các căng thẳng, áp lực cuộc sống. Cần có bộ phận "Tư vấn tâm lý học đường" chuyên trách để kịp thời nắm bắt tâm lý, tư tưởng của học sinh trong cuộc sống thực và cả cuộc sống trên mạng.

Thứ hai, cần phải đưa việc dạy người trở lại đúng vị thế của nó. Cần lấy lại vị thế của môn Giáo dục công dân, Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống. Chỉnh sửa lại sách giáo khoa từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, hướng đến các chuẩn mực hành vi đạo đức một cách nhất quán.

Thứ ba, cần xem xét điều chỉnh lại chương trình đào tạo giáo sinh, bổ sung thêm các học phần về Đạo đức nghề giáo, bổ sung và kéo dài học phần trải nghiệm nghề nghiệp để giáo sinh có thêm cơ hội thực hành kỹ năng quản lý lớp học. Cũng có thể suy nghĩ đến những chứng chỉ nghề, kiểm tra định kỳ để đảm bảo những giáo viên đứng lớp đều có năng lực hành vi ứng xử đạo đức nghề nghiệp.

Thứ tư, cần có sự chung tay của nhiều bên liên quan (như gia đình, công an, các tổ chức bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em) trong việc giám sát và quản lý việc tiếp cận và mang theo vũ khí đến trường học, các băng nhóm học đường, việc bị bắt nạt và bắt nạt trên mạng và trong cuộc sống thực, những hành vi nguy cơ cũng như nhất quán trong việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong các môi trường sống của trẻ.

Cuối cùng, cần suy nghĩ xây dựng lại bộ quy tắc ứng xử văn hóa trường học theo hướng thiết thực, khả thi, hướng tới hành vi, có thể đo được. Cần có Bộ quy tắc trước hết cho Hiệu trưởng và Giáo viên trước khi có Bộ quy tắc cho học sinh vì trong vấn đề này, người thầy cần phải làm gương và là tấm gương cho học sinh noi theo.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tác giả: Mỹ Hà

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok