Trong nước

Cán bộ sợ sai ở Đà Nẵng: Ai không làm hãy đứng sang một bên

Thời gian qua, Đảng, Chính phủ có nhiều chủ trương, nghị quyết bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận cán bộ thực thi công vụ sợ sai, né tránh trách nhiệm.

“Tôi thấy rằng hiện nay bên trong một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm ấy, nó bao gồm 2 nhóm cán bộ. Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm”.

“Có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói chung và cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói riêng có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh không giải quyết các thủ tục hành chính hoặc gây ách tắc kéo dài khi giải quyết các thủ tục hành chính của dân và doanh nghiệp”.

“Nếu trong thực thi công vụ để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta còn nỗ lực để năng động, sáng tạo, tìm đến cách làm hiệu quả hơn, không có gì phải sợ”.

Trên đây là ý kiến của các Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh); Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) và Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa 15, diễn ra ngày 31/5/2023. Như vậy, tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm tiếp tục nóng lên tại nghị trường.

Thành ủy Đà Nẵng đã thẳng thắn nhìn nhận một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm được giao


Tại thành phố Đà Nẵng, ngày 29/9/2023, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng công khai danh sách 19 cơ quan, đơn vị xử lý hồ sơ chậm trễ về giải quyết thủ tục hành chính của các cá nhân, tổ chức trong tháng 8/2023. Tháng trước đó, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã công khai 22 đơn vị, địa phương chậm trễ về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trong tháng 7/2023.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng nhận định: Tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm được thể hiện qua thông báo nhắc việc, nhắc nhở về chuyện trễ hạn, quá hạn. Ở cấp thành phố có thông báo của Văn phòng Thành ủy; Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố; Văn phòng UBND thành phố và thông báo của các sở, ngành trong các cuộc họp. Điều này còn thể hiện trong đơn thư, nội dung tin nhắn, phản ánh khiếu nại của người dân và doanh nghiệp.

Trong bảng đánh giá nhận xét của các đơn vị gửi về Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho thấy, việc đùn đẩy, né tránh, chưa làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao đều xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị. Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, hiện nay, tất cả các cơ quan, đơn vị từ cấp thành phố đến quận/huyện, xã/phường đều có chuyện này với mức độ lúc đậm, lúc nhạt, lúc nhiều, lúc ít.

“Ngay với các cơ quan khối Đảng cũng còn nhiều việc chưa tham mưu, xử lý kịp thời. Theo số liệu thống kê từ văn phòng thì năm 2021 có 14 đầu việc quá hạn, trong đó các cơ quan tham mưu giúp việc của thành ủy là 3. Năm 2022 có 17 đầu việc chậm trễ quá hạn và trong 9 tháng năm 2023 có 19 đầu việc chậm trễ, quá hạn, chiếm tỷ lệ 2,05%. Như vậy, các cơ quan, đơn vị đều có việc trễ hạn, quá hạn, chưa làm tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình”, ông Vĩnh nói.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng


Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng thừa nhận chưa quyết liệt trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục giấy tờ, công việc có lúc chậm trễ. Ông Thạnh giải thích, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, quận là đơn vị được ủy quyền phân cấp. Thế nhưng, trong tất cả những quyết định ủy quyền phân cấp đều yêu cầu lấy ý kiến các sở, ngành cấp trên theo quy định nhưng có tình trạng trả lời rất chung chung, không cụ thể và lúc nào cũng kèm theo yêu cầu “xử lý theo đúng quy định”. Cán bộ dưới quận không được hướng dẫn cụ thể nên gặp rất nhiều lúng túng. Đã vậy, trong rất nhiều cuộc họp, các đơn vị cử người dự họp không đúng thành phần nên không thống nhất quan điểm xử lý một vấn đề, rồi phải họp lại.

“Địa phương tổ chức cuộc họp để lắng nghe từ cơ sở và chúng tôi có giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, khi mời lãnh đạo hoặc chuyên viên các sở ngành thì hầu như rất ít khi cử cán bộ tham gia để cùng thảo luận. Khi chúng tôi thảo luận xong có báo cáo lên thì sở ngành tổ chức họp lại. Do vậy gây ức chế cho những cán bộ cơ sở khi một nội dung cũng không có gì phức tạp nhưng mà phải họp nhiều lần nhiều lần”, ông Lê Tự Gia Thạnh nêu thực tế.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới"


Qua thực tế, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã nhận diện 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức. Một là, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hai là, không ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách; các vấn đề lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm; các vấn đề nổi cộm, bức xúc, cấp bách liên quan đến địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn phức tạp.

Ba là, không chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao phụ trách; tham mưu lòng vòng, không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm đối với công việc được giao; không phối hợp hoặc phối hợp không có hiệu quả.

Bốn là, tìm cách đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc chuyển ngang sang cơ quan, đơn vị, cá nhân khác trong khi công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình.

Năm là, không trả lời hoặc trả lời không rõ quan điểm, chậm trễ trong việc tiếp thu, trả lời các vấn đề thuộc thẩm quyền khi được hỏi hoặc xin ý kiến.

Sáu là, xa rời thực tế, không sâu sát công việc, không nắm chắc tình hình. Bảy là, thái độ thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm trước các hành vi sai trái và những bức xúc của người dân. Tám là, không hướng dẫn cụ thể mà trả lời đề nghị thực hiện đúng quy định hoặc hướng dẫn chung chung.

Chín là, không xác định trách nhiệm của người kế nhiệm. Mười là, người đứng đầu đùn đẩy, né tránh giao cho cấp phó. Mười một là, thuộc thẩm quyền ký nhưng chuyển người khác ký thay. Và mười hai là, chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên và cơ quan chức năng có hướng dẫn.

Ngoài 12 biểu hiện vừa nêu, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng đề xuất cần phân loại 3 đối tượng cán bộ: Thứ nhất là những cán bộ lâu nay tích cực nhưng gần đây thấy nhiều cán bộ bị kỷ luật, khởi tố nên chùn bước, không dám làm. Thứ hai là một bộ phận cán bộ khi có lợi mới làm, còn không thì cứ làm từ từ, chuyển hồ sơ vòng quanh. Thứ ba là những cán bộ biết dấn thân, dám làm vì việc chung.

Tại các Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thường xuyên nhắc nhở về tình trạng né tránh đùn đẩy trách nhiệm của một số cán bộ, đồng thời nêu các biểu hiện và giải pháp khắc phục


Bà Lê Thị Mỹ Hạnh cho rằng, trên cơ sở đó mới có biện pháp xử lý phù hợp, ai xử lý, xử lý ai và xử lý như thế nào: “Nhận diện những biểu hiện vi phạm này rất khó. Một trong những công cụ mà theo tôi phải xây dựng được là quy chế nội bộ, trong đó cụ thể hóa, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm của từng tập thể, từng cá nhân, trong từng khâu, trong từng lĩnh vực công tác, từng vị trí, chức vụ và phải công khai minh bạch. Qua đó, chúng ta có thể kiểm tra, kiểm soát được và dễ đánh giá, dễ đo lường được chính xác và hiệu quả của công việc. Từ đó, mới xác định được cụ thể đối tượng đùn đẩy, né tránh không làm đúng, không làm đầy đủ là ai, là cán bộ thực thi hay là cán bộ lãnh đạo quản lý”.

Vừa qua, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng đùn đẩy, sợ sai, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ. Nguyên nhân khách quan của tình trạng này do sự chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ giữa các luật, văn bản hướng dẫn dưới luật; nhiều vấn đề khó, vướng, chưa có quy định hoặc quy định còn chồng chéo, cần có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương nhưng hầu hết không được trả lời hoặc trả lời chung chung. Khi thành phố linh động vận dụng giải quyết thì qua thanh tra, kiểm tra lại bị kiểm điểm, phê bình nên từ đó gây tâm lý e ngại trong công tác tham mưu.

Bên cạnh đó là áp lực công việc ngày càng cao, mức độ và yêu cầu chất lượng công việc ngày càng lớn, thời gian gấp rút, trong khi số lượng biên chế và người làm việc ngày càng giảm, dẫn đến quá tải trong thực hiện nhiệm vụ, nảy sinh tình trạng đùn đẩy, né tránh, giảm áp lực cho mình.

Đà Nẵng nhận diện 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức


Về nguyên nhân chủ quan cũng bộc lộ nhiều nỗi lo, cần sớm khắc phục. Đó là một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, quy định, quy chế làm việc; một số cán bộ năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc được giao nên sợ sai, sợ phê bình.

Cũng có trường hợp tìm kẽ hở trong quy định của pháp luật để né tránh, không nhận việc; có tính toán lợi ích cá nhân trong thực hiện chức trách, thậm chí vòi vĩnh, gây khó cho người dân và doanh nghiệp; chưa có chế tài cụ thể xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm cầm chừng.

Xa hơn nữa là các quy định của Trung ương về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung chậm được cụ thể hóa, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok