Lao đao vì đòi nợ cán bộ trạm
Gửi đơn cầu cứu đến báo Pháp luật Việt Nam, ông Phùng Văn Hải (Quảng Ninh, Quảng Xương, Thanh Hóa) phản ánh tình thế nhà hàng của gia đình ông đang rơi vào khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản vì các nhà xe gắn bó với nhà hàng Hải Béo bỗng không dám ghé đến nữa.
Theo ông Hải, nguồn cơn dẫn đến sự việc này được xác định từ thời điểm ông mở lời đòi 200 triệu đồng mà Thiếu tá Nguyễn Văn Thành - Phó Trạm CSGT Quảng Xương, Phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa đã vay cách đây 2 năm nhưng chưa trả.
“Trước đây, anh Thành có việc nên đã ngỏ ý vay tôi 200 triệu đồng, mặc dù khó khăn nhưng tôi không ngần ngại vay mượn bạn bè cho anh Thành vay. Khi xong việc, qua 2 năm, anh Thành cũng không hề đả đụng gì đến việc trả nợ. Vì vậy, tôi đã gọi điện đòi nợ thì anh Thành tỏ ra bực tức với tôi”, ông Hải nói.
Trạm Cảnh sát giao thông Quảng Xương -Thanh Hoá nơi Thiếu tá Nguyễn Văn Thành đang công tác. |
Sau khi đòi được nợ, ông Hải tưởng việc như vậy là xong. Tuy nhiên, từ đó công việc kinh doanh của ông gặp nhiều sóng gió. Các nhà xe thường xuyên ghé nhà hàng của gia đình ông Hải đã không còn ghé qua nữa. Thấy kỳ lạ, ông Hải liên lạc với các tài xế thì nhận được câu trả lời là: “bọn em không ghé nhà anh nữa đâu, vào nhà anh rồi suốt ngày bị gây khó dễ trên đường”.
Chủ nhà hàng Hải Béo nơi dừng chân của nhiều xe khách đường dài hiện đang làm đơn tố cáo Phó trạm CSGT Quảng Xương về việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chèn ép doanh nghiệp. |
Lúc này, ông Hải mới biết, việc đòi nợ của mình đã khiến Phó trạm CSGT Quảng Xương “phật lòng”. “Tôi nhớ lại hôm nhà xe Sự Chuyện bị dừng và phạt lỗi tốc độ, tài xế gọi cho tôi bảo rằng đi đúng tốc độ mà vẫn bị dừng và xử phạt. Tôi mới lặn lội lên xem sao thì anh Thành quát rằng: ‘Đoàn xe nhà này gặp ở đâu là cho ăn biên bản’. Sau này, khi nói chuyện với tôi, anh Thành thản nhiên thừa nhận đúng là nói như vậy đó.
Lúc anh Thành nói vậy, tôi chỉ nghĩ là anh ấy nóng nên dọa thế thôi! Không ngờ, anh ấy làm thật. Các nhà xe thường ghé vào nhà hàng tôi kêu trời, kêu đất vì bị “bắt chẹt” suốt ngày chỉ vì tôi, một số nhà xe không còn thấy ghé đến nữa.
Như vậy, rõ ràng anh Thành đã mượn việc công để chèn ép, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, đẩy gia đình tôi đến bờ vực phá sản…?”, ông Hải nói.
Thiếu chuẩn mực, tư cách công an nhân dân
Ông Hải cũng cho biết thêm rằng: “Lúc công việc anh Thành khó khăn, anh ấy nhờ tôi, tôi không ngại ngần đi vay lãi cho anh ấy mượn. Chỗ tình nghĩa, tôi không lấy một đồng lãi lời nào, nhưng anh ấy sống không biết điều. Khi tôi khó khăn, tôi mới phải gọi đòi nợ, anh ấy đã không giúp thì thôi lại hành xử như thế.
Xét về cả mặt pháp luật và đạo đức, tôi thấy một cán bộ, lãnh đạo ngành công an mà lại mượn việc công để chèn ép người từng giúp mình lúc khó khăn thì không xứng đáng là người chiến sĩ công an nhân dân. Vì vậy, tôi phải làm đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền, cơ báo chí để làm rõ việc này”, ông Hải nói.
Phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa với khẩu hiệu xây dựng hình ảnh người chiến sĩ CSGT bàn lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân. |
Để chứng minh cho nội dung này, ông Hải đã đưa ra 1 đoạn băng ghi âm cuộc trò truyện giữ ông và Thiếu tá Nguyễn Văn Thành. Theo đó, bản ghi âm này có nội dung tương ứng với nội dung mà ông Hải trình bày. Đặc biệt, trong đó có đoạn thể hiện rõ hoạt động tuần tra, kiểm soát của Trạm CSGT có “vấn đề”, có dấu hiệu, hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực.
PLVN trích lược một phần nội dung cuộc trò truyện như sau:
Ông Phùng Văn Hải: Chú biết nhà xe Sự Chuyên nó ăn cơm nhà tôi thường xuyên, chú lại còn dọa là, cái đoàn xe nhà mày gặp thằng nào là tao cho chết.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành: Đúng! Tôi nói thế đó.
Ông Phùng Văn Hải: Nếu chú là tôi! Chú nghĩ như thế nào?
Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành: Cũng may, lúc đó tôi nói như thế, mới biết được anh thái độ với tôi…Tôi đã nói, trong tuần này, tôi sẽ trả tiền cho anh. Chưa có gì tôi nói mà tôi không làm được, chỉ có lên Trạm trưởng mà chưa lên được thôi!
Tôi sống với anh, anh cũng biết: Anh em (CSGT) gọi nhà anh mang cơm, mang đồ lên. Tôi còn nhắc nhở: Người ta bán hàng được mấy đồng, chúng mày cứ lợi dụng. Có hôm, tôi thấy thằng con anh mang gas, đem đồ lên…Tôi cũng nhắc anh em (CGST) là: Sống không biết điều, đừng có hành người ta như thế nữa…
Thôi! Chốt lại là tôi sẽ trả tiền cho anh. Rồi sau đó, anh thích chơi như thế nào thì cứ chơi.
Như vậy, đối chiếu với Thông tư số 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân. Cho thấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Thành đã thiếu chuẩn mực, tư cách người chiến sĩ công an nhân dân.
Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư số 27 về ứng xử với nhân dân nhấn mạnh: Lực lượng công an phải kính trọng, lễ phép với Nhân dân; gắn bó mật thiết với Nhân dân; tận tình, trách nhiệm giải quyết công việc, yêu cầu chính đáng của Nhân dân…
Tuy nhiên, ở đây, thái độ, xưng hô, đối đáp của Thiếu tá Nguyễn Văn Thành với người dân rất khôngkhông chuẩn mực.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, qua trao đổi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thành phủ nhận việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn để gây khó dễ cho doanh nghiệp là không có. “Tôi lại chèn ép anh ấy làm gì. Nếu nhà xe không vi phạm làm sao tôi xử phạt được. Mà sau hôm anh Hải lên tranh cãi về xe Sự Chuyên không vi phạm tốc độ, tôi có lập thêm cái biên bản nào nữa đâu. À mà cũng có 1 đồng chí lập thêm biên bản cùng tên nhưng không phải tôi”, Thiếu tá Thành nói.
Về phía Phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa, Đại tá Lê Văn Chiến – (Trưởng phòng CSGT tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Sau khi tiếp nhận phản ánh của công dân đã yêu cầu đồng chí Nguyễn Văn Thành báo cáo sự việc, đồng thời thành lập Tổ kiểm tra xác minh sự việc, hiện chưa có kết luận. Để thông tin cụ thể hơn, Đại tá Lê Văn Chiến đề nghị phóng viên liên hệ công tác với Công an tỉnh theo quy chế phát ngôn báo chí.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này.
Tác giả: Hữu Thiên
Nguồn tin: sao.baophapluat.vn