Trong nước

'Cảm xúc đặc biệt' qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm

Đại biểu Quốc hội và một số cựu bộ trưởng chia sẻ trải nghiệm qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 và 2014.

Việc lấy phiếu tín nhiệm 48 người sẽ được tiến hành vào ngày 24/10, hai ngày sau khi kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 khai mạc và kết quả sẽ được công bố vào ngày tiếp đó. Đây là lần thứ ba hoạt động nêu trên diễn ra tại nghị trường.

Tháng 6/2013, Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt với kết quả bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó chủ tịch Quốc hội đứng đầu về số phiếu tín nhiệm cao. Người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đứng trên ông Bình về mức độ tín nhiệm thấp là ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.

Ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khi đó đã khẳng định "kết quả lấy phiếu tín nhiệm rất tốt".

Các đại biểu Quốc hội tiến hành thủ tục lấy phiếu tín nhiệm tháng 11/2014. Ảnh: Q.H

Ông Lê Nam - đại biểu Quốc hội khoá 13 kể lại, lúc đó lấy phiếu tín nhiệm là một việc chưa có tiền lệ nên "mọi người đều có những cảm xúc rất đặc biệt".

Ông nhớ như in hình ảnh Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận sau khi kết quả được công bố. Ông Luận đứng thứ hai về số phiếu tín nhiệm thấp với 177 phiếu.

"Giờ giải lao, Bộ trưởng Luận ra ngoài đứng một mình, nhìn về một nơi xa xăm, ánh mắt biểu thị nỗi buồn khôn tả", ông Nam nhớ lại. Ông cho biết rất chia sẻ với tư lệnh ngành Giáo dục vì lúc bấy giờ lĩnh vực ông phụ trách có nhiều vấn đề nổi cộm, một số tồn tại nhức nhối. Đơn cử việc thực hiện chiến dịch "ba không" hay những chủ trương của Bộ trưởng tiền nhiệm cần thời gian thực thi, giải quyết.

"Dù anh Luận hay ai làm Bộ trưởng thì cũng phải gánh trên vai khối lượng lớn công việc", ông Nam nhận xét.

Theo dõi việc quản lý, điều hành ngành Giáo dục rất sát, ông Nam thấy rằng Bộ trưởng Luận đã cố gắng rất nhiều. Tuy nhiên, những điều đó vẫn không theo kịp mong muốn của cử tri và đại biểu, nên kết quả phiếu tín nhiệm lần hai (năm 2014) dành cho ông Luận không khả quan hơn so với lần đầu.

"Lội ngược dòng ngoạn mục"

Khi được hỏi ấn tượng nhất với thành viên Chính phủ nào qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm 2013 và 2014, ông Lê Nam nói ngay: "Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình".

"Nhờ lấy phiếu tín nhiệm, một số thành viên Chính phủ đã thực sự thay đổi phong cách, tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Bình", cựu đại biểu nêu ý kiến cá nhân.

Theo ông, lúc đó Thống đốc Bình gặp nhiều khó khăn khi cả đại biểu Quốc hội và cử tri, công luận đều chỉ trích nặng nề vấn đề nợ xấu, hoạt động của một số ngân hàng... Tuy nhiên, ông Bình lại "thể hiện sự tự tin đến bất lợi" khi nói rằng "mình xứng đáng được một nửa giải Nobel". Kết quả, ông Bình nhận số phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất với 209 phiếu.

"Tôi cho rằng đó là một cú sốc đối với Thống đốc", ông Nam nói.

Vị đại biểu chia sẻ, sau đó ông cảm nhận rất rõ những chuyển biến trong điều hành của Thống đốc Bình, trước hết là các giải pháp mạnh tay để quản lý giá vàng, ngoại tệ, hoạt động của ngân hàng thương mại và nợ xấu. Phong cách của Thống đốc cũng thay đổi, mềm mại hơn, khúc triết hơn và cũng thể hiện bản lĩnh quyết liệt hơn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu trước Quốc hội năm 2014. Ảnh: Q.H

Sự chuyển biến đó đã giúp Thống đốc Ngân hàng nhà nước lội ngược dòng ngoạn mục khi đạt 323 phiếu tín nhiệm cao ở lần hai so với 88 phiếu ở lần đầu.

Đồng quan điểm với ông Nam, đại biểu khoá 13 Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho hay, "bản thân tôi trong lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đã đánh giá Thống đốc Bình tín nhiệm thấp, nhưng qua theo dõi bước đi và sự cố gắng của vị trưởng ngành này, thì lần thứ hai đã đánh giá tín nhiệm cao".

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được số phiếu tín nhiệm thấp khá nhiều ở cả hai lần lấy phiếu năm 2013 và 2014. Tuy nhiên, đại biểu Lê Nam vẫn đánh giá bà Tiến là "Bộ trưởng nữ duy nhất có rất nhiều nỗ lực và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận". Tương tự như giáo dục, ông Nam cho rằng yêu cầu và áp lực của người dân với lĩnh vực y tế rất lớn, "va chạm trực tiếp hàng ngày", đòi hỏi Bộ trưởng cũng như toàn ngành phải cố gắng không ngừng.

Trăn trở vì "nhiều phiếu tín nhiệm thấp"

Là người trong cuộc, cựu Bộ trưởng Văn hoá Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn Anh chia sẻ, việc lấy phiếu tín nhiệm tác động rất lớn đến bản thân ông.

Sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên với chỉ 90 phiếu tín nhiệm cao, 286 phiếu tín nhiệm và 116 phiếu tín nhiệm thấp, ông Tuấn Anh đã tự đặt câu hỏi: "Tại sao mình lại có số phiếu tín nhiệm cao ít như vậy". Rồi ông thẳng thắn nhìn nhận "có những việc mình làm chưa tốt".

"Tôi đã nghĩ xem đó là những việc gì? Thậm chí, tôi còn họp các lãnh đạo Bộ để rút kinh nghiệm, chỉ đạo mọi người cùng cố gắng để lần sau Quốc hội đánh giá tốt hơn. Quan trọng là phải tự kiểm điểm bản thân, đừng bị ru ngủ bởi những kết quả mình làm được", ông Tuấn Anh nói.

Thực tế, trong suốt một năm sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên, ông Hoàng Tuấn Anh đã tìm giải pháp thu hút khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn như đẩy mạnh tổ chức ngày văn hoá Việt Nam ở nước ngoài; tập trung xây dựng hồ sơ di sản văn hoá trình UNESCO... Những cố gắng này đã góp phần đưa lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng trưởng kỷ lục 30% vào năm 2017, tương đương 13,5 triệu người.

Từ trái qua: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhiệm kỳ 2011-2016) trong phiên lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội khoá XIII, ngày 15/11/2014. Ảnh: Q.H

Khác với ông Hoàng Tuấn Anh, nguyên Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ, đến nay vẫn còn băn khoăn, trăn trở về kết quả tín nhiệm các đại biểu dành cho bà.

Năm 2013, bà Hải Chuyền đứng thứ 43 trong số 47 người có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất; năm 2014 đứng thứ 44 trong số 50 người.

"Đương nhiên là tôi thấy buồn. Nhưng tôi không có nhiều cơ hội chia sẻ thông tin với đại biểu nên có thể họ chưa hiểu đúng về mình, về ngành mình", bà nói.

Không chấp nhận "dĩ hoà vi quý"

Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm, thực tế cho thấy là khối lập pháp được nhiều phiếu tín nhiệm cao hơn khối hành pháp.

Lý giải điều này, ông Nam cho rằng khối lập pháp không trực tiếp điều hành những vấn đề nóng, đối diện trực tiếp với bức xúc của người dân. Còn khối hành pháp gồm các thành viên Chính phủ phải đối diện với từng lĩnh vực riêng, trong đó nhiều yếu kém đã tồn tại từ lâu, tích tụ dần, như giáo dục, y tế...

Đề cập đến lần lấy phiếu tín nhiệm sắp diễn ra, ông Lê Nam nhấn mạnh, đánh giá tín nhiệm của đại biểu đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn rất quan trọng, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của người đó, nên mỗi đại biểu cần phải thật sự khách quan, công tâm.

Với kinh nghiệm của mình, ông Lê Nam cho rằng mỗi đại biểu nên căn cứ vào chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của từng cá nhân với lĩnh vực mà họ phụ trách, xem đã đem lại kết quả thế nào đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Ông Nguyễn Anh Sơn thì lưu ý các vị đại biểu Quốc hội kiên quyết không đánh giá tín nhiệm cao với người phụ trách lĩnh vực còn nhiều yếu kém.Ông nhắn nhủ các đại biểu khi cầm bút, cầm lá phiếu để đánh giá phải mạnh dạn, không thể "dĩ hoà vi quý".

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ba mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Những người được lấy phiếu tín nhiệm gồm Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội...

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.

Tác giả: Hoàng Thùy - Viết Tuân

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok