Theo phản ánh của người dân, phóng viên đi dọc hai bờ sông Mã ghi nhận nhiều điểm bị sạt lở tạo thành vách cao từ 3 đến 4m, chiều dài sạt lở hàng trăm mét, nhiều cây cối trồng giữ bờ như tre, xoan cũng bị dòng sông cuốn trôi. Có nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào diện tích đất người dân trồng ngô, khoai, hoa màu...
Nhiều điểm sạt lở tạo thành vách đứng 4-5 mét ăn sâu vào diện tích đất canh tác của người dân |
Bà Lê Thị L, ở thôn Vân Trai, xã Cẩm Vân cho biết: Các cô chú nhìn thấy cả đó sạt lở như vậy thì còn đất đâu mà canh tác, vụ vừa rồi nhà tôi trồng ngô nhưng mà mất trắng vì lũ lụt làm sạt lở cuốn hết xuống sông, cứ cái đà sạt lở như thế này thì nhà tôi chẳng còn đất mà canh tác. Nhiều năm trước các mỏ cát khai thác ồ ạt, hút sâu xuống lòng sông rồi hút sát vào bờ, nên bây giờ cứ trận lũ đến là đất nông nghiệp sạt lở xuống sông rất nhiều. Chúng tôi chỉ mong nhà nước kè những điểm bị sạt lở, có như vậy thì người dân chúng tôi mới yên tâm sản xuất để ổn định cuộc sống.
Nhiều cây cối trồng giữ bờ cũng bị dòng sông cuốn trôi |
Theo công văn số 14534/UBND-CN, ngày 27/11/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc yêu cầu xem xét, đánh giá ảnh hưởng của việc tiếp tục khai thác cát tại mỏ cát xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy đến đất sản xuất nông nghiệp, công trình phúc lợi công cộng và khu dân cư thôn Quan Bằng nêu: Theo báo cáo, đánh giá của Sở TN&MT tại công văn số 3168/STNMT-TNKS ngày 23/6/2017 (kèm theo ý kiến của UBND huyện Cẩm Thủy tại công văn số 666/UBND-TNMT ngày 20/6/2017) thì nếu tiếp tục gia hạn khai thác cát tại khu mỏ trên sẽ làm thay đổi dòng chảy dẫn đến nguy cơ sạt lở đất nông nghiệp lâu dài của nhân dân xã Cẩm Vân và làm sạt lở các công trình phúc lợi công cộng của địa phương như trạm bơm tưới, bến đò và đường giao thông xã Cẩm Vân.
Tình trạng sạt lở gây thiệt hại đến đất đai, hoa màu của người dân xã Cẩm Vân |
Đặc biệt sạt lở có nguy cơ ăn sâu vào trong khu dân cư thôn Quan Bằng. Tình hình dư luận của Chi bộ, Đảng viên và nhân dân rất bất bình về việc khai thác cát của các mỏ cát thuộc xã Cẩm Vân; trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có ý kiến không chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian khai thác của mỏ cát số 45, 46 xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy.
Trước tình trạng người dân phản ánh về việc sạt lở bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân trong nhiều năm trở lại đây. Ngày 24/9/2018 Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn số 5961/STNMT-TNKS gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc kết quả kiểm tra tình hình sạt lở đất bờ sông Mã, đoạn thuộc xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy theo phản ánh của nhân dân cho thấy: Nội dung đơn phản ánh việc sạt lở đất bờ sông Mã khu vực xã Cẩm Vân là đúng thực tế, việc sạt lở xảy ra từ trước, trong và sau khi các mỏ cát 45, 46, 47 được UBND tỉnh cấp phép khai thác. Hiện tại các vị trí trên đã và đang tiếp tục sạt lở, nguyên nhân gây nên sạt lở có nhiều nguyên nhân.
Công văn của Sở TN&MT gửi UBND tỉnh về tình trạng sạt lở bờ sông Mã |
Kết quả kiểm tra cũng cho thấy tại bờ sông Mã thuộc xã Cẩm Vân có 4 điểm sạt lở: Điểm số 1 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Đồi Vàng, cách cầu phao Cẩm Vân khoảng 01km về phía thượng lưu, chiều dài sạt lở khoảng 1.000m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 3m, sạt lở vào đất canh tác; Điểm sạt lở 2 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Vân Trai, chiều dài khoảng 500m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 2m, sạt lở vào đất canh tác; Điểm sạt lở 3 nằm phía bờ Tả sông Mã thuộc thôn Eo Lê, chiều dài khoảng 350m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 2m, sạt lở vào đất canh tác; Điểm sạt lở 4 nằm phía bờ Hữu sông Mã thuộc thôn Quan Bằng, chiều dài khoảng 1.000m, vách sạt lở cao so với mặt nước khoảng 3- 4m, sạt lở vào đất ở của nhân dân.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Tác giả: Tùng Minh
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường