Để thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các nhà trường, năm học 2017 - 2018, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh học sinh (HS) để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, tiền bảo vệ trường…
Không được thu tiền làm vệ sinh lớp đối với HS THCS, THPT; không thu tiền tổ chức may đồng phục và tiền sách, vở, đồ dùng học tập...
Các tổ chức, cá nhân thuộc Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT; cán bộ quản lý, giáo viên (GV), nhân viên của các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới HS hoặc cha mẹ HS dưới bất kỳ hình thức nào.
Các khoản thu theo quy định của Nhà nước, gồm: học phí; phí gửi xe đạp tối đa trông giữ xe đạp ban ngày của 1 HS là 15.000 đồng/tháng, xe máy là 30.000 đồng/tháng...
Việc dạy thêm, học thêm đối với THCS, THPT tối đa không quá 17.000đ/buổi/HS đối với lớp dưới 30 HS; tối đa không quá 15.000đ/buổi/HS đối với lớp từ 30 đến 45 HS.
Đối với các trường Tiểu học đảm bảo đủ GV (1,5 GV/lớp), thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày theo quy định; các trường chưa đủ GV dạy 2 buổi/ngày (dưới 1,5 GV/lớp), căn cứ số lượng GV và điều kiện thực tế, có thể tổ chức dạy tăng buổi. Không thu tiền HS 2 buổi/ngày và HS học tăng buổi.
Còn một khoản thu bắt buộc là Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến HS: Đoàn, Đội, Hội chữ thập đỏ, Khuyến học, Bảo hiểm thân thể.
Riêng qũy ban đại diện cha, mẹ HS thực hiện theo Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Không sử dụng quỹ này để hỗ trợ các hoạt động giáo dục, khen thưởng GV và HS nhà trường.
Ngoài ra, các khoản thu phục vụ HS như: Tiền phục vụ bán trú, trông trẻ ngoài giờ, trang thiết bị phục vụ bán trú, ăn bán trú, nước uống, hồ sơ HS; học phẩm đối với cấp học Mầm non. Các trường học tổ chức thu, nhưng phải căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu của cha mẹ HS, xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi, thu theo nguyên tắc đủ chi và báo cáo phòng GD-ĐT thẩm định.
Đồng thời, tổ chức hội nghị để công khai, thống nhất trong ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể trong trường và ban đại diện cha mẹ HS; tổ chức họp lớp triển khai thực hiện đến từng cha mẹ HS; chỉ thu khi cha mẹ HS tự nguyện đóng góp; kết quả thu, chi phải quyết toán theo quy định, đảm bảo dân chủ và công khai; công bố trước cha mẹ HS và GV kết quả thực hiện vào cuối năm học.
Đối với các khoản tài trợ phải dựa trên nguyên tắc kêu gọi đóng góp tự nguyện để sửa chữa, mua sắm trang thiết bị trong điều kiện ngân sách nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được.
Không được gắn điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường.
Trước hết, thống nhất chủ trương, xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí thực hiện; lập kế hoạch công việc. Báo cáo cấp quản lý trực tiếp và chỉ được tiến hành vận động sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp. Lập danh sách ký xác nhận tự nguyện tài trợ của các tổ chức, cá nhân nhà tài trợ về kinh phí, hiện vật hay ngày công lao động.
Trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra và giám sát của các tổ chức, cá nhân đã tài trợ. Niêm yết công khai, báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện, đưa vào sổ sách kế toán và hạch toán, thanh quyết toán theo quy định. Các tài sản được mua sắm, sửa chữa phải hạch toán tăng tài sản và sử dụng trong nhà trường.
Sở GD-ĐT Thanh Hóa lưu ý, mức trần thu các khoản phục vụ HS phù hợp với điều kiện mức sống của nhân dân trên địa bàn; định kỳ đột xuất tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, chi tại các trường học .
Các đơn vị chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện khoản các thu ngoài ngân sách; địa phương nào để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân thì Trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thị xã, thành phố và Sở GD-ĐT...