Chúng tôi tìm đến “căn nhà” của ông Tống Văn Dinh (80 tuổi) và bà Trần Thị Huyền (71 tuổi) vào một chiều đông Hà Nội nắng hanh hao nhưng lạnh vẫn lạnh tê tái.
Nói là nhà nhưng thực ra, đó chỉ là một khoảng đất trống dưới chân đường sắt trên cao đang xây dở. Nhìn đâu cũng ngổn ngang phế liệu, vài ba thứ vật dụng sinh hoạt thường ngày, bếp lò được kê tạm bợ bằng hai viên gạch, vừa để đun nấu vừa để sưởi ấm. Thứ tài sản quý giá nhất của cặp vợ chồng già này chính là chiếc xe đạp cà tàng được dựng ngay ngắn và khóa cẩn thận.
Ông Tống Văn Dinh co ro vì lạnh |
Suốt 30 năm qua, hai ông bà nắm tay nhau lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội, đi qua 30 mùa giông bão, 30 mùa đông giá rét. Người ta cứ đuổi ông bà lại dắt nhau đi.
Bà Huyền quê ở Thái Bình, từng là nhân viên cấp dưỡng ở ĐH Văn hóa (Hà Nội). Năm 1975, bà Hiền buộc phải nghỉ mất sức. Bà Huyền rưng rưng khi kể cho chúng tôi nghe về cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng trước nghiện rượu, lười lao động, vũ phu; kể về quyết định đau đớn gửi 2 con về quê ngoại, bỏ nhà ra đi lang bạt kiếm sống.
"Căn nhà" của vợ chồng ông Dinh, bà Huyền là một góc nhỏ ngay dưới chân trụ cầu. |
Còn ông Dinh quê Thanh Hóa, từng làm thợ cơ khí nhưng mất việc vì tinh giảm biên chế. “Chân ướt chân ráo lên thành phố, chẳng quen biết ai, không xin được việc làm, tôi cứ thui thủi một mình”, ông Dinh tâm sự.
Hai người dưng ngược lối bất chợt va vào nhau giữa dòng đời tấp nập. Ông Dinh dí dỏm, chuyện tình của vợ chồng ông nảy nở từ một thanh sắt phế liệu và bát phở bò.
Đó là một ngày hè nắng cháy, ông Dinh bắt gặp bà Huyền đang quẩy gánh đồng nát nặng trĩu trên đôi vai gầy. Mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đen sạm, chằng chịt vết chân chim. Sẵn trong tay có một thanh sắt phế liệu, ông bèn đem cho bà Huyền và 2 người bắt chuyện.
Hai ông bà tìm đến nhau để bầu bạn, tâm sự và sẻ chia rồi dần nên duyên vợ chồng. |
Ông trời khéo se duyên cho người đàn ông góa vợ và người phụ nữ đã qua một lần đò. Hai người đồng cảnh ngộ gặp nhau và nương tựa vào nhau mà sống.
Chẳng một lời tỏ tình, không đám cưới linh đình, quen được một ngày thì hai ông bà dọn về ở với nhau. Bà Huyền kể: “Hôm ấy, chúng tôi tìm bóng cây nói chuyện. Ưng rồi thì ông ấy dẫn tôi đi ăn phở bò. Mùi vị bát phở bò ấy đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Ngày ấy đi ăn phở bò là sang lắm”.
Đúng là tình yêu đôi khi không cần nói thành lời, giao kết của trái tim bền vững hơn chữ ký trên tờ hôn thú. Mặc dù sống trong cảnh màn trời chiếu đất, nhưng với hai ông bà, điều may mắn nhất là gặp được nhau, chăm sóc, đùm bọc cho nhau.
Chiếc xe đạp cũ là tài sản giá trị nhất của ông bà |
Ngày ngày, ông bà đi nhặt rác, tối lại về căn "nhà" của mình đốt lửa sưởi ấm, ngồi tâm sự. Mắt ông Dinh đã mờ, chân tay run, chỉ quanh quẩn nhặt nhạnh ở gần 'nhà'. Còn bà Huyền lọc cọc đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để nhặt phế liệu. Một ngày miệt mài từ 4h sáng đến tối muộn, hai ông bà kiếm được 40 đến 50 nghìn đồng.
Hà Nội những ngày này chìm trong rét buốt. Những người dân sinh sống trên phố Hoàng Cầu thường xuyên đi qua cung đường này, ai nấy đều xót xa khi nhìn hai cụ già tím tái trong giá lạnh. Với ông bà những đêm đông dài lê thê, trằn trọc mong cho trời mau sáng. “Lạnh thôi chứ cầu trời đừng mưa. Khổ lắm. Chúng tôi phải trú tạm hiên nhà người ta cho khỏi ướt”, bà Huyền nói.
Bữa cơm đạm bạc |
Ai cho gì ăn, ông Dinh bà Huyền cũng đều chia đôi sẻ nửa từ củ khoai, gói mỳ tôm, cái bánh bao hay bánh mỳ. Như bao cặp vợ chồng khác, thỉnh thoảng hai ông bà cũng xích mích, mỗi lần như thế, ông Dinh thường là người làm hòa trước. “Bà ấy nóng tính lại hay nói nhiều nên tôi phải bớt đi vài câu cho yên ấm”, ông Dinh cười nói.
Có quê nhưng ông bà cũng chẳng thể trở về vì tấc đất cắm dùi cũng không có. Con cái phiêu bạt khắp nơi. Con bà Huyền làm công nhân cầu đường ở biên giới, còn con cháu ông Dinh vào Nam mưu sinh. Bà Huyền xua tay: “Chúng nó nghèo lắm, làm sao cáng đáng nổi hai thân già này. Chúng tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng cho chúng”.
30 năm qua, ông bà mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu |
Mong ước lớn nhất của ông bà bây giờ là có một mái nhà để trú mưa, trú nắng nhưng có lẽ nó quá xa vời. Bà Huyền buồn bã: “Tôi khổ quen rồi, đến cái chết cũng chẳng còn đáng sợ nữa. Chỉ sợ một ngày ông ấy bỏ tôi đi thì tôi không biết sống như thế nào”.
30 năm trước họ đến với nhau chỉ với tấm lòng, 30 năm sau họ vẫn gắn bó dù chẳng có gì. Chỉ có một thứ tồn tại duy nhất là tình yêu.
Tác giả: Mạnh Long
Nguồn tin: antt.vn