Suốt 23 năm qua, túp lều cũ nát được che đậy, vá víu từ những mảnh bạt, tấm ni lông nằm ven sông Cửa Tiền (phường Vinh Tân, TP.Vinh, Nghệ An) là “ngôi nhà” của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Dần (78 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lan (68 tuổi).
Long đong mưu sinh
Ngồi co trong túp lều chật chội, ông Dần bộc bạch, vợ chồng ông từ nơi khác di cư đến đây sinh sống, không có tiền thuê nhà nên phải ra ven sông ở. Ông Dần quê Thanh Hóa, nhà nghèo lại đông anh em nên phải bươn chải từ nhỏ. Khi mới mười tám, đôi mươi, ông đã xa quê vào TP.Vinh kiếm sống. Lúc đầu đi bốc vác, sau nhặt phế liệu về bán.
Lao động vất vả nuôi thân, chàng trai còn dành dụm được khoản tiền nho nhỏ gửi về cho gia đình. Và cũng chính mảnh đất này đã giúp Dần tìm được một nửa của đời mình. Người phụ nữ đó chính là bà Lan.
Nghe chồng kể đến mình, bà lão móm mém cười ngượng ngùng. Quê bà ở xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Người dân Diễn Ngọc chủ yếu làm nghề đi biển, phụ nữ không thể ra khơi rong ruổi như cánh đàn ông nên bà cũng sớm vào TP.Vinh kiếm sống.
Lúc đầu, bà chỉ buôn lặt vặt như cái lược, chiếc gương… sau đổi nghề buôn mớ rau, con cá. Buôn bán ngày càng cụt vốn nên bà đành chuyển nghề “không cần vốn” là đi nhặt phế liệu về bán.
Ông Dần gần 80 vẫn ngày ngày nhặt phế liệu mưu sinh.
Cuộc sống đẩy đưa, hai người tình cờ gặp nhau ở nơi đất khách quê người khi đều đã “cứng” tuổi. Họ nên duyên vợ chồng khi bà Lan đã 30 tuổi, ông Dần bước sang tuổi 40. Sau ngày kết hôn, ông Dần về quê vợ ở rể.
Cũng như bao gia đình tại làng quê miền biển này, cả hai bắt đầu mưu sinh bằng nghề chài lưới. Nhưng một phần không quen nghề, một phần đã có tuổi, ông Dần không cầm cự được lâu với sóng nước, kinh tế khá chật vật. Cuộc sống càng túng thiếu hơn khi bốn đứa con lần lượt chào đời. Dù ông bà đã thử nhiều công việc khác nhau nhưng không thành công nên cứ làm thời gian ngắn lại bỏ.
Đến năm 1993, họ đành ngậm ngùi chọn con đường tha hương mưu sinh để “cứu đói” cho cả gia đình. “Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi bàn với vợ quay lại thành phố, vì ít ra ở đó cũng tìm được cái nghề kiếm đồng ra, đồng vào. Vợ chồng tôi khăn gói ít đồ, tạm xa các con đi kiếm sống”, ông Dần nhớ lại. Thời điểm ông bà rời quê, người con trai út mới sáu tuổi. Vắng bố mẹ, đoàn con phải tự chăm sóc nhau.
Để tiết kiệm tiền thuê trọ ở thành phố, vợ chồng ông Dần dắt nhau đến ven chân cầu Cửa Tiền sinh sống. Sau khi dựng xong cái lán nhỏ làm chỗ tá túc, ông bà bắt đầu hành trình đi nhặt phế liệu. Bà Lan cho hay, số tiền mỗi ngày họ kiếm được rất ít, có hôm chỉ mấy nghìn đồng, nhưng họ luôn chịu khó chắt bóp để gửi về cho đàn con ở quê.
Thời điểm đó, vùng Cửa Nam là nơi tụ tập nhiều người nghiện thường ra ven sông chích hút. Vợ chồng ông lắm đêm sợ không dám ngủ, phải thức canh chừng “con nghiện”. “Lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng dần phải thích nghi. Mấy “con nghiện” thường liều lĩnh trộm đồ rồi gây sự xin tiền, nhưng có lẽ thấy vợ chồng tôi già cả lại nghèo đói nên cũng bỏ qua, không đến quấy rối”, ông Dần cho hay.
Khổ nhất là những trận lũ lụt. Mỗi khi đến mùa mưa bão, vợ chồng ông lại cuốn đồ đạc lên chiếc thuyền cũ mua rẻ từ người hàng xóm để tránh lũ. Chẳng có tài sản gì quý giá, cách chống chọi lũ của họ rất đơn giản, cứ ngồi trên thuyền, nước dâng tới đâu thuyền nổi tới đó. Bão tan, họ lại bắt đầu cuộc sống thường nhật.
Chuyện tình trong “túp lều tranh”
Những bước chân nặng nhọc mỗi khi vác túi đi nhặt phế liệu của vợ chồng ông lão đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Túp lều của ông bà mấy chục năm vẫn chỉ toàn mấy chiếc nồi méo mó, vài bó củi nhặt về và lỏng chỏng mấy cái thau nhỏ.
Nước dùng hàng ngày, ông Dần chỉ tay vào chiếc thùng nhỏ, kể: “Tắm giặt thì lấy nước dưới sông. Còn nấu ăn thì phải xách xô đi mua. Nước hiếm nên vợ chồng tôi có dám dùng đâu, phải để dành”.
Rồi cụ ông trăn trở, vài chục năm trước, khi vợ chồng ông mới đến, nước trên con sông này khá sạch, có thể lấy về nấu ăn được. Nhưng giờ nước sông bẩn, ông bà không dám ăn, sợ sinh bệnh lại làm khổ con cháu.
Túp lều cũ ven sông là nơi nương náu của hai ông bà mấy chục năm nay.
Còn điện cũng là thứ xa xỉ với cặp vợ chồng ông lão. Suốt 23 năm nay, họ không biết đến điện thắp sáng. Hết dùng nến, lại chuyển sang dùng đèn pin. “Mới đầu thấy bất tiện, nhưng sống lâu thành quen. Với lại, mình đi làm cả ngày, tối đến kiếm nơi ngả lưng là được rồi”, ông nói.
Không có điện, nên đã lâu lắm ông bà không được xem vô tuyến, không biết đến cái quạt, cái nồi cơm điện… Những ngày Vinh nắng nóng hừng hực, ông bà cũng trông vào gió trời. Khổ nỗi, xứ Nghệ này, đã nóng thì cái gió cũng nóng. Mỗi lần gió thổi lại như tạt lửa. Ông bà cứ thế chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt sống qua ngày.
Mấy năm trở lại đây, sức khỏe bà Lan nhanh chóng giảm sút. Hết cảm cúm lại lên cơn ho dai dẳng không dứt. Cuộc sống kham khổ lại thêm tuổi già ngày một yếu, bà mỗi ngày một gầy mòn. “Tôi có cục u ở phần chân trái.
Trái gió trở trời là đau lắm, nhưng không dám đi bệnh viện. Tiền không có đã đành, nhưng sợ nhất là nhỡ phát hiện ra bệnh hiểm nghèo thì không biết xoay xở như nào. Thôi thì cứ sống chung với nó được lúc nào hay lúc đó”, bà Lan tâm sự.
Thương vợ, ông Dần lại làm việc nhiều hơn. Cụ ông chăm vợ từ những cái nhỏ nhất như nấu nồi cơm, đun ấm nước… Ông bảo: “Cực thêm một tý cũng được, miễn sao bà ấy khỏe mạnh để sống với tôi”.
Hỏi về quê nhà và các con, cả hai ông bà đều không cầm được nước mắt. “Quê hương ai chẳng nhớ. Nhưng vì hoàn cảnh phải chôn vùi thật chặt. Dù đường về nhà chỉ hơn một tiếng đi xe khách nhưng nhiều cái tết, chúng tôi không dám về.
Về rồi sợ không đi được vì không đành lòng. Nên chúng tôi động viên nhau, khi nào còn đi được thì cứ bám bíu cái thành phố này, đến lúc hết sức, ngồi một chỗ thì về quê”, ông Dần trải lòng.
Giờ đây, các con ông bà đã lập nghiệp mỗi người một nơi, kinh tế đều khó khăn. Ông bà thương nhất cậu con út, phải xa cha mẹ biền biệt từ năm sáu tuổi. Đến nay đã gần 30, anh này vẫn làm thuê trong miền Nam, chưa lấy vợ. Ông bà chỉ mong con ổn định gia đình để yên tâm nhắm mắt xuôi tay.
Gần 40 năm sống bên nhau, dù tha hương cầu thực, dù bươn trải ven sông qua ngày, vợ chồng ông Dần, bà Lan vẫn tình cảm như thuở ban đầu. Giữa cuộc sống vội vã, hạnh phúc đơn sơ của ông bà lão như làn gió nhẹ chạm đến trái tim biết bao người.
Tác giả bài viết: Kim Long