GS Lân Dũng chia sẻ về hai người con.
GS Lân Dũng với câu chuyện về vợ và bệnh tim.
Xem toàn bộ chương trình về GS Nguyễn Lân Dũng.
Nhà báo Hà Sơn: Giáo sư có một tổ ấm hạnh phúc với người vợ làm ngành y và 2 người con tri thức. Hẳn ông rất tự hào về 2 người con?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất tự hào về các con, các cháu, trong dòng họ vì nhiều cháu thành đạt. Thế hệ sau hơn thế hệ trước cũng là điều đáng mừng. Nhiều người bảo nhà tôi có di truyền nhưng không phải như vậy. Tôi làm lĩnh vực sinh học biết di truyền chỉ có 2 thứ: Một là di truyền hình thái "Giỏ nhà ai quai nhà ấy", "Rau nào sâu ấy" giống nhau lắm. Thứ 2 là một số bệnh có yếu tố di truyền.
Hai con tôi không định hướng nhưng có cách, ví dụ vợ tôi từng là Viện phó viện 108 luôn luôn kể những câu chuyện ở bệnh viện, nhất là cái chết của mẹ tôi và mẹ vợ làm xúc động cháu Hiếu (con trai Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là PGS Nguyễn Lân Hiếu - PV) nên cháu muốn làm bác sĩ để cứu người hay như con gái hồi bé về vi sinh vật không hiểu gì nhưng tôi đưa vào phòng thí nghiệm soi kính hiển vi thấy vi sinh vật cũng lạ dần dần thích và tự nguyện vào trường chuyên sinh học rồi thực tập ở Nhật, tiến sĩ ở Mỹ.
Tôi không ép các con bởi biết có 8 loại thông minh nếu giỏi bơi lội cũng quý, giỏi âm nhạc cũng quý nhưng phải theo định hướng các cháu chọn, tự quyết định. Tôi thấy hiện nay nhiều người ép con, bố làm công an ép con xin việc cho dễ. Cái này không nên bởi năng khiếu phải có từ bé và hình thành trong quá trình phát triển, đừng ép các con phải hướng dẫn tạo điều kiện để con gần gũi cái nghề của mình, bởi hiểu biết mình có thể giúp đỡ con cái rất tốt nhưng phải tùy năng khiếu, đừng ép.
Nhà báo Hà Sơn: Việc con gái Giáo sư học ở nước ngoài rồi lại về Việt Nam làm việc có sự tác động của Giáo sư hay hoàn toàn do quyết định và tâm nguyện của con gái?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Con tôi muốn gần bố mẹ, chồng cháu cũng làm Tiến sĩ ở Bỉ sau đó sang Mỹ, hai cháu cùng ở Mỹ nhưng lại cùng về VN sinh sống. Về nước tuy nghèo một tí nhưng làm gì nơi đất khách quê người mãi được? Khi vật chất không đến nỗi nào đời sống tinh thần quan trọng hơn. Đời sống Việt kiều về vật chất đầy đủ nhưng nếu không có sự ham mê về nghiên cứu khoa học, cống hiến họ sẽ có đời sống không thú vị như ở trong nước đâu. Ở trong nước tuy nghèo nhưng có sự thú vị khác, đặc biệt được cống hiến trực tiếp cho đất nước vinh quang, vẻ vang và vui lắm bạn ạ!
Nhà báo Hà Sơn: Con trai giáo sư là Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu mới trúng Đại biểu Quốc hội, với kinh nghiệm nhiều năm trong nghị trường, ông có lời khuyên nào với con trai?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi rất mừng khi cháu không hề tự ứng cử mà được Tổng hội y học Việt Nam giới thiệu. Tổng hội Y học Việt Nam nhiều giáo sư giỏi mà Hiếu là phó giáo sư trẻ nhưng thuộc chuyên viên Tổ chức Y tế Thế giới cũng nổi tiếng trong lĩnh vực tim mạch. Khi cháu ứng cử tại An Giang tôi lo lắm nhưng đạt tiêu chuẩn khiến tôi giật mình. Tôi đặt câu hỏi tại sao họ lại biết đến cháu? Hóa ra nhiều năm nay Hiếu đã giúp Hội tim mạch An Giang. Các cán bộ trong đó được Hiếu đào tạo và Hiếu có lời hứa với cử tri sẽ tiếp tục giúp Hội tim mạch An Giang phát triển những kĩ thuật mới. Có thể nói những lời hứa của cháu làm cho cháu đạt phiếu cao.
Với kinh nghiệm tham gia Quốc hội 3 khóa tôi cũng nhắc nhở cháu. Thứ 1, con đại diện cho ngành y phải hiểu được những khó khăn của y tế, đóng góp xây dựng cho ngành y tế, lôi kéo những chuyên gia quốc tế về cho ngành y.
Thứ 2, đại biểu đại diện cho các tỉnh con phải hiểu tâm tư nguyện vọng của dân và chọn lựa ra những gì nhân dân bức xúc phát biểu. Tuy rất bận nhưng con phải dành thời gian vì nhận lời phải làm đúng như nguyện vọng, có thể vẫn làm thêm vào buổi tối với những ca mổ khó và phải đến họp Quốc hội.
Tất cả những cái đó tôi tin tưởng cháu làm được vì cháu đang có nhiều bức xúc của tuổi trẻ muốn đóng góp cho đất nước, thay mặt cho thế hệ trẻ nói tiếng nói có ý nghĩa trong Quốc hội.
Nhà báo Hà Sơn: Thưa Giáo sư, mọi người biết đến Giáo sư rất nhiều trên truyền hình cũng như nhiều bài báo nhưng cuộc sống gia đình rất hiếm thấy giáo sư nhắc tới, vì phóng viên không hỏi hay giáo sư ngại trả lời?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Vợ tôi có những điểm lạ lắm, là con gái Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, học y dân sự nhưng lại tình nguyện vào bộ đội và đặc biệt nhận kỷ niệm chương còn quý hơn huân chương ghi "Bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị". Giữa lúc nóng bỏng nhất chiến trường Quảng Trị vợ tôi xung phong đi, ít người biết lúc đó vợ mang bầu cháu Lân Hiếu. Lúc đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đồng lòng cho con gái thực hiện ý nguyện, tôi không thể nào không đồng lòng được. Tôi rất lo lắng vì bom đạn lúc ấy kinh khủng quá và rồi may mắn trở về an toàn và 2 đứa con lành lặn. Nhiều đồng nghiệp của vợ tôi có con bị ảnh hưởng chất độc da cam nên gia đình tôi như thế là may mắn.
Những tấm gương của vợ tôi cũng được báo chí nói nhiều, một người phụ nữ chèo chống xây dựng một bệnh viện lớn khó khăn vô cùng. Bạn tưởng tượng bệnh viện vợ tôi xây dựng khang trang như thế phải nói là rất cố gắng. Khi sống tập thể, vợ tôi hay kể câu chuyện tôi nhớ mãi. Đó là dạo mùa đông rét, các chị em không có tất đi nên vợ tôi thường phải chờ mọi người đi ngủ mới dám đi tất sáng ra dậy sớm cởi tất ra trước lúc mọi người dậy, những chuyện nhỏ nhỏ như thế khiến tôi rất cảm động vì vợ sống chan hòa với mọi người.
Nhà báo Hà Sơn: Ông thấy vợ ông đóng vai trò như thế nào trong việc định hướng và giáo dục con cái?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Chúng tôi thống nhất quan điểm nhưng ngoài ra vợ tôi còn chăm sóc các cháu nhiều hơn tôi, bởi vì chức năng của người phụ nữ khác nam giới. Vợ tôi rất lo lắng cho các cháu, thường xuyên ăn cơm với cháu nội, hàng tuần vài lần ăn cơm với cháu ngoại để chăm sóc các cháu và chú ý giúp đỡ nên các cháu yêu bà, nghe lời bà.
Nhà báo Hà Sơn: Có người vợ làm ngành y, hẳn là việc giữ gìn sức khỏe và sinh hoạt của giáo sư rất nghiêm ngặt?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi có 2 cái stent ở tim nên vợ tôi cứ cuối tuần xếp một hộp để tôi uống hàng ngày thuốc sáng, chiều. Mỗi tháng tôi vào bệnh viện Hữu nghị Việt Xô để nhận thuốc và đưa cho vợ kiểm tra, vì quan điểm của bà ấy phải dùng thuốc tốt, thuốc nào bệnh viện không có sẽ đi mua, đảm bảo những thuốc an toàn. Cho nên 7 năm rồi mà tôi thấy 2 cái stent ở tim yên ổn. Chúng ta đều biết stent là 2 cái ống thép nhỏ, chỉ cần một cục máu đông chui vào là tắc, phải uống thuốc chống đông.
Có một lần vào trong Nam, có đại hội một xí nghiệp, họ cho tôi lên quay xổ số thưởng cho cán bộ - vinh dự lắm và không may có một dây thép đâm vào tay chảy máu và rất khó đông vì đã uống thuốc chống đông để bảo vệ cho 2 cái stent. Tôi rất sợ chảy máu vì tai nạn giao thông hay dao kéo đụng vào. Vợ tôi luôn dặn phải tránh hết sức để không chảy máu. Có người vợ làm bác sĩ mình hết sức yên tâm, cứ làm đúng những gì bà dặn nên tôi vẫn khỏe mạnh.
Nhà báo Hà Sơn: 78 tuổi giáo sư vẫn hăng say làm việc, có vẻ như với ông không làm việc nghĩa là rất buồn và cô đơn?
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Những việc tôi thấy vui mới nhận. Hiện nay tôi hay đi nói chuyện, cố vấn cái này, cái kia. Tôi đã viết được 50 cuốn, năm nay in và tái bản 7 cuốn, sang năm chắc cũng khoảng 6,7 cuốn, chỉ có điều đặc biệt chưa bao giờ tôi lấy tiền thù lao, chỉ nhận sách để biếu thôi và nhận sách chưa đủ, thường thường phải mua thêm 200, 300 cuốn vì học trò rất đông. Họ quý mới đến đây xin sách của mình, tôi nghĩ món quà là sách rất quý.
Tôi không giỏi tiếng Anh nhưng tôi thấy tự học tiếng Anh rất hiệu quả nên viết quyển "Từ vựng tiếng Anh tối thiểu" không ngờ các bạn trẻ thích bởi có 1400 từ nhưng mỗi từ là 9, 10 ví dụ, học đơn giản, dễ vào.
Tự học nên tôi biết nhiều ngoại ngữ ví dụ "Con dâu tiếng Anh là gì?" thì tôi sẽ hỏi "Vợ của con trai là gì?". Cho nên các bạn trẻ phải học một ngoại ngữ, cố gắng học thêm 1, 2 ngoại ngữ, học càng nhiều càng tốt và ngoại ngữ mở cho mình cánh cửa ra thế giới. Tôi đang viết tiếp quyển Từ vựng tiếng Pháp tối thiểu hợp tác với Nguyễn Ngọc Lưu Ly - nữ giáo sư trẻ nhất Việt Nam chuyên về tiếng Pháp, 2 bác cháu viết chung cuốn này, tôi đang viết được khoảng gần 200 trang rồi.
- Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về cuộc trò chuyện!
Tác giả bài viết: Sơn Hà - Xuân Quý - Đức Yên