Trước đó, ngày 17/12/2017, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật ông Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Thêm một mất mát trong công tác cán bộ, nhưng là một sự cần thiết để củng cố niềm tin trong nhân dân. Cán bộ, đảng viên có vi phạm bị xử lý đúng mức độ vi phạm; trong công tác kỷ luật, không có chuyện “giơ cao đánh khẽ.”
Vụ việc của ông Ngô Văn Tuấn gắn với chuyện đề bạt thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh, diễn ra tại Sở Xây dựng Thanh Hóa đã gây ra những dư luận không hay trong một thời gian khá dài. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên lao động hợp đồng đã được tuyển vào làm công chức chuyên môn, sau đó được gấp gáp bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng, kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng, thậm chí còn được đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở. Cán bộ, nhân dân, báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, xác minh và cuối tháng 9/2017 có Thông báo số 116-TB/UBKTTU về kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên có liên quan tại Sở Xây dựng. Sự vào cuộc này là cần thiết để làm rõ những điều dư luận, nhất là dư luận địa phương vẫn xì xào.
Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, ông Ngô Văn Tuấn (Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng giai đoạn 2010-2015), người đóng vai trò chính trong vụ “bổ nhiệm thần tốc” và một số vụ việc khác chỉ bị… khiển trách.
Không phải cán bộ, nhân dân địa phương nói riêng và dư luận cả nước nói chung chỉ muốn xử nặng cán bộ, mà điều mong mỏi lớn nhất là phải xử lý đúng người, đúng tội, vi phạm đến đâu phải bị xử lý đến đó. Do đó, bằng hình thức khiển trách đối với ông Ngô Văn Tuấn, mà hầu hết mọi người đánh giá là không tương xứng với những vi phạm, khuyết điểm mà ông Tuấn phạm phải, dư luận không khỏi đặt câu hỏi phải chăng có sự bao che? Phải chăng chỉ là động tác “phủi bụi?” Rằng, cán bộ xử lý nhau nên sẽ chỉ là “giơ cao đánh khẽ?”
Điều đó không những ảnh hưởng đến sự nghiêm minh trong công tác kỷ luật của Đảng mà còn tạo sự nghi ngờ, gây xói mòn lòng tin, làm méo mó hình ảnh người cán bộ và cả công tác kỷ luật của Đảng. Điều đó còn kéo theo hệ quả làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cuộc đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, nhất là trong bối cảnh có chuyện “cả nhà làm quan,” “thăng tiến thần tốc”…
Sự vào cuộc kịp thời của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hết sức cần thiết. Đặc biệt, tại phiên họp ngày 17/12/2017 tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã có kết luận rõ ràng về những vi phạm của ông Ngô Văn Tuấn trong giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng “đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ.”
Với sự chỉ ra những sự việc cụ thể, Ban Bí thư đánh giá vi phạm, khuyết điểm của ông Ngô Văn Tuấn là “rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật.” Trên cơ sở đó, Ban Bí thư đã có quyết định nghiêm khắc nhưng cần thiết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn.
Trên cơ sở đó và căn cứ vào những vi phạm cụ thể, ngày 18/1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cách chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn như ở trên đã nói.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiếp theo việc thi hành kỷ luật về Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn được dư luận đánh giá là đúng người, đúng tội, không có sự bao che, cũng không có chuyện giơ cao đánh khẽ.
Tác giả: BÙI VĂN DOANH
Nguồn tin: Báo TTXVN