Nhiều năm về trước, bản Hua Lù, xã Pù Nhi, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) được xem như là “thủ phủ” trồng cây thuốc phiện. Số người nghiện của địa phương này đã chiếm tới 50% “con nghiện” của huyện.
Cũng như nhiều người dân khác nơi vùng đất này, ông Chá Văn Súng (SN 1957) được “làm quen” với thuốc phiện từ bé. Năm 12 tuổi, ông Súng đã biết vào rừng săn bắn và đây cũng là thời gian bắt đầu của những tháng ngày nghiện thuốc phiện. Nhà ông Súng có 10 người thì mất 7 người nghiện thuốc phiện.
Khác với nhiều người, ông Súng đến với con đường nghiện ngập trong hoàn cảnh khác người. Đó là khi lên 12 tuổi, trong một lần đi rừng, không may bị trượt chân ngã khiến ông đau đớn vô cùng. Vì thương con, bố ông Súng đã đưa thuốc phiện cho hút để giảm bớt cơn đau đang hành hạ con mình.
Cũng từ đó, ông Súng biết mùi vị thuốc phiện như thế nào và dần trở thành “con nghiện”. Khi đã ngấm thuốc, không ngày nào, ông Súng không chìm đắm trong những làn khói mờ ảo của những cơn “phê” thuốc. Hàng chục năm trời nghiện ngập, bao nhiêu của cải trong nhà cũng vì thế mà tiêu tan theo những làn khói thuốc.
“Thấy thương vợ con và nghe cán bộ xã nói, ai cai nghiện được thì sẽ sống lâu, không cai nghiện sẽ chết sớm, sợ quá nên đi cai nghiện thôi”, ông Súng, nhớ lại. Thế rồi, từ năm 2006, ông bắt đầu cuộc chiến cai nghiện thuốc phiện của mình.
Những ngày đầu của quá trình cai nghiện, ông tìm đến nhà một người ở bản Pù Quăn có bài thuốc cai nghiện. Tuy nhiên, loại thuốc đó cũng không thể làm dứt cơn mỗi khi ông thèm thuốc. Tiếp đó, ông rời bản xuống xã để cai nghiện nhưng cũng chẳng ăn thua. Không phải vì thế mà ông từ bỏ, ngược lại ông còn quyết tâm cai nghiện cho bằng được.
Khi đã thử nhiều cách không thành công, rồi ông Súng đã tự tìm cho mình một cách cai nghiện chẳng giống ai. Ông rời bỏ gia đình, vợ con vào rừng sống cuộc sống khổ hạnh. Đêm đến lấy vách đá làm giường, để không bị cảm lạnh, ông đốt những đống lửa sưởi ấm. Mỗi khi lên cơn, ông lại tìm đủ mọi việc để làm, khi săn chuột, khi đào củ cây, có lúc lại chạy trong rừng hay xuống suối lặn ngụp để quên đi cơn nghiện.
Nửa năm trời sống như người rừng, khi cảm thấy cơn nghiện đã hết, ông trở về trong niềm vui và sự ngỡ ngàng của gia đình và bà con dân bản. Sau khi trở về bản, mỗi khi thấy người khác hút thuốc, hoặc vô tình ngửi thấy mùi thuốc phiện ông lại không thể cầm lòng.
Với quyết tâm cai nghiện của mình và thấy con đường đi lại, giao lưu giữa các bản còn khó khăn nên mỗi khi lên cơn thèm thuốc, ông Súng đã “hành xác” bằng cách đào đất mở đường. Sau những tháng ngày chịu khó đào đường để cai nghiện, đến năm 2009, ông Súng đã mở thành công con đường từ bản Hua Pù đến bản Chiên Pục.
Ngày trước, để đi từ bản Hua Pù qua bản Chiên Pục phải leo đồi mất cả nửa ngày đường. Sau khi ông Súng mở đường, người dân các bản chỉ mất khoảng 30 phút để đi lại, rất thuận tiện cho việc giao lưu của người dân.
Thấy hiệu quả từ việc mở con đường, ông Súng lại tiếp tục mở thêm một con đường nối bản Hua Pù với bản Cá Nọi. “Sau hơn hai năm làm đường để quên đi thuốc phiện, tôi đã làm được một con đường dài 2.600m nối liền các bản Hua Pù, Cá Nọi, Chiên Pục với nhau”.
Ông Lâu Văn Kỷ - Phó Chủ tịch UBND xã Pù Nhi, cho hay: “Ông Súng đã tự cai nghiện thành công, không có biểu hiện tái nghiện lại, ông đã khỏe và hăng hái tham ra công việc hàng ngày, giúp đỡ vợ con khi lên nương rẫy. Ông Súng luôn chấp hành mọi đường lối, chính sách của Đảng và quy định của địa phương”.
Để nhớ ơn người đào đất mở đường, mỗi khi đi qua đoạn đường này, người dân địa phương nghĩ ngay đến ông và dành cho ông những tình cảm đặc biệt và gọi bằng cái tên trìu mến “con đường ông Súng”.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí