Trong tỉnh

Các tổ chức tín dụng đen núp bóng công ty tài chính ở Thanh Hóa lộng hành thế nào?

Để qua mắt lực lượng chức năng, các tổ chức 'tín dụng đen' thường yêu cầu khách hàng vay tiền bán lại tài sản thế chấp, sau đó cho chủ thuê lại chính tài sản đó với lãi suất 'cắt cổ' lên tới 182%/năm.

Cho vay với lãi suất "cắt cổ" 182%/năm

Vừa qua, Công an TP Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt khám xét 32 cơ sở tài chính, cầm đồ của 5 công ty hoạt động tại 14 huyện, thị xã, TP.

Công an TP Thanh Hóa đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi cho vay lãi nặng tại 5 công ty tài chính, cầm đồ có trụ sở chính đặt trên địa bàn TP Thanh Hoá gồm: Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH Trường Cửu, Công ty TNHH Dịch vụ tài chính Thương Tín, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Quyền Quý và Công ty TNHH Nam Tiến 36.

Công an TP Thanh Hóa

Công an TP Thanh Hóa đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ án (Ảnh: Công an Thanh Hóa)

CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong các giao dịch dân sự của 5 công ty dịch vụ tài chính nêu trên.

Ngay sau ngày khám xét tại 32 chi nhánh dịch vụ công ty tài chính, hầu hết các công ty tài chính khác trên địa bàn Thanh Hóa đã đóng cửa, gỡ bảng hiệu , một số cơ sở đã nộp đơn đề nghị dừng kinh doanh dịch vụ tài chính.

Theo điều tra ban đầu của của CQĐT Công an TP Thanh Hóa, thủ đoạn để thực hiện các giao dịch này là các đối tượng ép buộc con nợ viết giấy bán tài sản của mình, rồi sau đó lại phải thuê lại chính tài sản đó mới có thể được vay số tiền mình cần.

Theo quy định của luật pháp, tất cả những văn bản này đều là thỏa thuận dân sự giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, mức phí thuê tài sản mà người đi vay phải chịu là từ 3.000 đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương từ 109,5 đến 182,5%/năm. Theo cách tính này, nhiều khách hàng chỉ vay 30 triệu đồng nhưng chỉ sau 1 năm đã phải trả hơn 100 triệu đồng tiền lãi mà vẫn chưa trả hết nợ.

Bên cạnh đó là một hình thức cho vay lãi cắt cổ khác với số tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng 1 bát thăm, kỳ hạn 50 ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm hoạt động, tổng số lượt giao dịch của 5 công ty này lên tới con số hơn 7.000 lượt giao dịch với tổng số tiền là hơn 72 tỷ đồng, mở rộng 32 chi nhánh ở khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, với hoạt động điều tiết vốn cho vay rất bài bản.

Các đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen

Các đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen vừa bị Công an TP Thanh Hóa bắt giữ

Thủ đoạn hoạt động tinh vi

Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, trong năm 2018, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng đen; xử lý vi phạm hành chính 97 trường hợp cơ sở kinh doanh dich vụ kinh doanh cầm đồ và công ty dịch vụ tài chính, xử phạt 100 triệu đồng.

Đối tượng khách hàng mà các tổ chức tín dụng đen thường nhắm tới là những người dân có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để sản xuất, lao động; các doanh nghiệp cần tiền để mở rộng kinh doanh nhưng khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng; các thanh thiếu niên chơi bời, hư hỏng tham gia lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá…

Hoạt động tín dụng đen có những phương thức hết sức tinh vi như: Các công ty dịch vụ tài chính được đăng ký, cấp phép theo quy định, có giám đốc là người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đa phần các công ty này đều do các đối tượng hình sự đứng sau điều hành, tổ chức hoạt động.

Các công ty này tổ chức cho vay tiền bằng cách vay không thế chấp, lập hồ sơ mua bán tài sản, sau đó làm hợp đồng cho thuê lại tài sản, viết giấy nhận tiền xin việc… nhưng thực chất là hoạt động "tín dụng đen" với lãi suất cao…

Thủ đoạn của những cơ sở này là khi người vay đến cầm cố tài sản, các đối tượng lập 2 hợp đồng, trong đó hợp đồng thứ nhất có nội dung cầm cố tài sản với lãi suất 8%/tháng và giao cho chủ tài sản; hợp đồng thứ 2 có nội dung thuê lại tài sản có lãi suất 7%/tháng hoặc lớn hơn nhưng không giao cho người vay tiền giữ. Đến hạn thanh toán, người cầm cố tài sản phải thanh toán cả 2 hợp đồng với mức lãi suất 15%/năm.

Khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì phải làm giấy chốt nợ cũ để lập hợp đồng mới. Hợp đồng mới bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ. Khi đến thời hạn thanh toán mà người vay tiền không thể trả một lúc hết số nợ gốc lẫn tiền lãi thì người vay phải trả nợ trước khoản tiền lãi đã phát sinh mà không được trừ vào tiền gốc đã vay. Do đó, số tiền phải trả tăng lên rất nhanh.

Quá trình hoạt động đã sử dụng các đối tượng hình sự có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên hư hỏng tiến hành các hoạt động đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…

Tác giả: Lương Diễn

Nguồn tin: antt.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok