Thế giới

Các tân tổng thống Mỹ dọn về Nhà Trắng như thế nào

Sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình vốn là niềm tự hào của nền dân chủ Mỹ nhưng quá trình này hết sức phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều người.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, một trong những hoạt động bỏ phiếu phức tạp nhất thế giới, sẽ diễn ra trong hơn 2 tuần nữa. Các ứng viên tổng thống của cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đã vạch ra kế hoạch cho 100 ngày làm việc đầu tiên sau khi đắc cử.

Việc làm này dường như thể hiện sự tự tin thái quá, nhưng thực ra lại vô cùng thiết thực.

Cựu Tổng thống George W. Bush đi cùng người kế nhiệm Barack Obama ra xe limousine dành cho tổng thống để tới lễ nhậm chức năm 2009. Ảnh: AP.


Niềm tự hào của người Mỹ

Chuyển giao quyền lực trong hòa bình là dấu hiệu của một nền dân chủ. Bởi vậy, việc các đời tổng thống đều chuyển giao quyền lực trong hòa bình đã trở thành niềm tự hào của người dân Mỹ. Tuy nhiên, đây là một quá trình phức tạp đòi hỏi công sức của nhiều người.

Cuộc bầu cử năm nay sẽ là lần đầu tiên trọng trách đảm bảo cho ứng viên chiến thắng sẵn sàng đảm nhận công việc trong ngày đầu làm tổng thống được giao cho một tổ chức mới thành lập. Trung tâm Chuyển tiếp quyền hành Tổng thống, một tổ chức phi lợi nhuận và phi đảng phái, sẽ đảm đương trọng trách lớn lao này.

Họ sẽ phải hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian khá ngắn là 73 ngày giữa cuộc bầu cử và ngày Nhậm chức. 4000 cuộc hẹn tổng thống được lên lịch, 100 cơ quan liên bang với vị trí lãnh đạo cần được lấp đầy.

“Trong một cuộc chuyển đổi, có người đến, người đi và người ở lại. Và chúng tôi sẽ làm việc với cả 3”, David Eagles, giám đốc Trung tâm Chuyển tiếp quyền hành Tổng thống, cho biết về công việc chuẩn bị của cả đội cho chính quyền sắp tới.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, các ứng viên bắt đầu lên kế hoạch cho nhiệm kỳ tổng thống của họ khoảng 6 tháng trước ngày bầu cử. Các thảo luận này được giữ bí mật vì lo sợ bị đối thủ buộc tội xem thường cử tri.

Tuy nhiên, trong mùa bầu cử năm nay, bà Clinton và ông Trump đã thoải mái thừa nhận quá trình chuyển tiếp đang tiến hành. Đội chuyển giao của họ đã bắt đầu làm việc ở 2 tầng khác nhau của cùng một tòa nhà từ vài tháng nay tại địa chỉ 1717 đại lộ Pennsylvania NW, cách Nhà Trắng 1 dãy nhà về phía tây.

Bà Hillary Clinton đã lựa chọn ông Ken Salazar, 61 tuổi, cựu bộ trưởng bộ Nội vụ dưới thời ông Obama, đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực vào Nhà Trắng của bà. Ảnh: AP.


Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 2 ban vận động tranh cử tổng thống làm việc ở 2 tầng liền kề trong cùng một tòa nhà văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm thương mại của thủ đô Washington.

Clinton đã ra thông cáo báo chí để công bố đội ngũ chuyển giao của mình. Trong khi đó, Trump sẽ cung cấp 75 phút tham quan để có “cái nhìn về công việc hoạch định cho việc chuyển tiếp” cho những ai bỏ ra số tiền 5.000 USD, theo thông tin từ một thư gây quỹ.

Với mớ hỗn độn trong chiến dịch tranh cử của mình, Trump khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng tổ chức và sắp xếp công việc của ông. Kế hoạch chuyển giao trước bầu cử là cơ hội hiếm hoi để chứng minh khả năng lập kế hoạch của Trump vượt trội hơn bà Clinton.

Trump đã công bố người chịu trách nhiệm cho việc chuyển tiếp của mình là thống đốc bang New Jersey, Chris Christie. Trong khi đó, vào cuối tháng 6, Clinton bị Giám đốc Eagles chỉ trích vì kế hoạch chuyển tiếp chậm chạp.

Giữa tháng 8, chiến dịch của Clinton mới nêu tên người phụ trách việc chuyển tiếp là cựu bộ trưởng bộ Nội vụ Ken Salazar.

Trả lời Politico, phát ngôn viên cho đội chuyển giao của bà Clinton cho biết họ có khoảng 12 nhân viên được trả lương, trong khi ban vận động tranh cử của Trump từ chối cung cấp thông tin về quy mô của đội.

Tâm lý hậu 11/9

Việc công khai kế hoạch chuyển tiếp của các ứng viên tổng thống là kết quả của 2 đạo luật đã được quốc hội thông qua do những lo ngại trong bối cảnh hậu 11/9. Một sự chuyển giao quyền lực không hiệu quả có thể khiến đất nước dễ bị khủng bố tấn công.

Theo dự kiến, ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kì tổng thống thứ 2 của mình và chính thức chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm vào ngày Nhậm chức 20/1/2017. Ảnh: Getty.


Năm 2010, Đạo luật Chuyển tiếp Tổng thống trước bầu cử được ban hành. Luật này quy định Cục Quản lý Dịch vụ chung (GSA) cung cấp văn phòng, bàn làm việc, máy tính và điện thoại cho ứng viên tổng thống của các đảng lớn (hoặc ứng viên của bất kì đảng thứ 3 nào mà GSA đánh giá là ứng viên quan trọng) trong vòng 3 ngày làm việc từ khi họ chính thức được đề cử.

5 năm sau, Đạo luật Cải thiện việc Chuyển tiếp Tổng thống ra đời. Đạo luật này yêu cầu các cơ quan hành pháp thành lập 2 cơ quan chuyên trách, một cho Nhà Trắng và một cho các cơ quan liên bang. Việc này diễn ra ít nhất 6 tháng trước cuộc bầu cử nhằm tạo thuận lợi cho việc chuyển giao quyền lực cho tổng thống kế tiếp.

Những lo lắng về việc tổng thống đắc cử không có đủ thời gian chuẩn bị cho việc nhậm chức xuất phát từ sự thay đổi trong lịch sử bầu cử Mỹ. Thời gian giữa ngày bầu cử và lễ nhậm chức đã bị rút ngắn lại do sự cải thiện về công tác kiểm phiếu và phương tiện đi lại.

Tổng thống đắc cử cũng cần nhanh chóng tiếp quản công việc để sẵn sàng đối phó với những khủng hoảng có thể xảy ra như cuộc nội chiến đầu năm 1861 hay tình hình xấu đi nhanh chóng trong cuộc Đại suy thoái đầu năm 1933.

Tác giả bài viết: Tuyết Mai

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok