Ông Chu Ngọc Anh, cựu Chủ tịch TP Hà Nội không nằm trong danh sách đặc xá 2024. Ảnh: Đ.X |
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh, 70 năm Giải phóng thủ đô, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký quyết định đặc xá cho 3.763 phạm nhân phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 2 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, trong đó có 275 người phạm các tội về chức vụ.
Tại buổi họp báo công bố quyết định của định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước sáng 30/9, Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm thông tin cụ thể tội danh của số phạm nhân được đặc xá đợt này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, trong số phạm nhân được đặc xá lần này có: 403 phạm nhân phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế; 275 người phạm các tội về chức vụ; 64 người phạm tội giết người, 205 người phạm tội các tội về ma túy; 91 người phạm tội hiếp dâm; 156 người phạm tội cướp, cướp giật tài sản; 77 người phạm tội về trộm cắp và 2.494 người phạm các tội khác.
Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, trong số phạm nhân được đặc xá lần này không có các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Đinh La Thăng. Ảnh: Đ.X |
“Các ông Chu Ngọc Anh, Phạm Xuân Thăng, Đinh La Thăng không có trong danh sách đặc xá lần này”, lãnh đạo Bộ Công an nói và khẳng định, quá trình xét, quyết định đặc xá cho những phạm nhân phạm các tội về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thực hiện theo đúng quy định.
20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài được đặc xá
Thông tin thêm về số phạm nhân nước ngoài được đặc xá, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, theo quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, lần này có 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài (19 nam, 1 nữ) được đặc xá.
Cụ thể có: 9 người mang quốc tịch Trung Quốc, 3 người mang quốc tịch Lào, 2 người mang quốc tịch Campuchia, 2 người mang quốc tịch Mỹ, 1 người mang quốc tịch Nam Phi, 1 người mang quốc tịch Ấn độ, 1 người mang quốc tịch Congo, 1 người mang quốc tịch Ireland.
“20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài được đặc xá gồm nhiều tội danh như giết người, buôn lậu, tổ chức đánh bạc, tổ chức cho người ở lại Việt Nam phi pháp…”, ông Việt nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, sau khi các trường hợp này được đặc xác, Bộ Ngoại giao sẽ gửi công hàm đến cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan đại diện lãnh sự ở các nước để đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận người đặc xá, triển khai thủ tục đưa những người này trở về nước hoặc đến nơi cư trú an toàn, phù hợp.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà khẳng định, đặc xá không có sự phân biệt đối xử hoặc hạn chế với bất kỳ phạm nhân nào cho dù phạm nhân đó là người Việt Nam hay là người có quốc tịch nước ngoài.
“Nếu phạm nhân đó có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật Nước CHXHCN Việt Nam đều được xét đặc xá”, ông Hà nhấn mạnh.
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: thanhtra.com.vn