Trong nước

Đại biểu Quốc hội: Cần giảm bớt tần suất đặc xá

Sáng nay, 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu

Không nhất thiết phải bồi thường đủ mới được đặc xá

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về dự Luật này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Một số ý kiến đề nghị quy định điều kiện bắt buộc để được xét đặc xá với mọi tội phạm là phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Ý kiến khác cho rằng chỉ quy định phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

UBTVQH cho rằng, Luật Đặc xá hiện hành quy định phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác nhưng chỉ áp dụng đối với người phạm tội về tham nhũng và một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định. Dự thảo Luật sửa đổi lần này sửa theo hướng bắt buộc phải chấp hành xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ khác đối với mọi tội phạm.

Theo bà Lê Thị Nga, quy định này chặt hơn nhưng làm giảm đi phần nào ý nghĩa của chính sách đặc xá và thu hẹp hơn đối tượng được đặc xá. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ như quy định của Luật hiện hành, chỉ quy định điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc một số tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì vẫn được xét đặc xá.

Về ý kiến này, quan điểm của UBTVQH đồng tình cho rằng nếu quy định chặt như dự thảo Luật sẽ dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá, ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt.

Vì vậy, dự thảo Luật lần này bổ sung quy định, đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Nên đặc xá cho lao động duy nhất?

Trong buổi sáng, có 20 ý kiến thảo luận và 1 ý kiến tranh luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), trong đó nhiều phát biểu tập trung phân tích các nội dung như điều kiện đặc xá, thời hạn đặc xá và việc đặc xá đối với người nước ngoài,…

Nêu quan điểm, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh, đặc xá là chế định thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và hợp lòng dân.

Theo ông Kim, Việt Nam có nhiều ngày lễ trọng đại, có ý nghĩa nhưng chỉ nên lựa chọn 3 thời điểm để xét đặc xá gắn với 3 sự kiện lớn là Quốc khánh 2/9, Tết Nguyên đán và Giải phóng đất nước 30/4. Đồng thời, nên giao Chủ tịch nước quyết định thời điểm đặc xá trên cơ sở có sự tham mưu của Tổ tư vấn và đề nghị của Chính phủ.

ĐB cho rằng, điều này sẽ giúp đợt đặc xá tránh được những sự kiện quan trọng của đất nước như Đại hội Đảng, họp Quốc hội, sự kiện quốc tế,… “Để trùng vào thời điểm bận rộn, làm quá gấp gáp sẽ dễ dẫn đến nảy sinh lỗi khi tiến hành đặc xá” – ĐB Kim nhấn mạnh.

Về tần suất, ông Kim cho rằng, rút kinh nghiệm 10 năm qua, việc đặc xá được làm hơi dày, khoảng 1,5 năm tổ chức 1 lần. Theo ông, nên đặc xá 3 đến 5 năm/lần. Việc làm dày quá sẽ không phù hợp vì ta còn có quy định về đại xá, tha tù trước hạn. Nếu không quy định cụ thể thì dễ xảy ra du di mất ý nghĩa của việc đặc xá.

ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) cho biết, hiện quy định các ngày lễ lớn đã có trong Nghị định của Chính phủ, tuy nhiên, “sự kiện trọng đại” và “trường hợp đặc biệt về lý do đối ngoại” chưa có quy định cũng như giải thích.

Cũng theo ĐB, thời điểm đặc xá và thẩm quyền xem xét đặc xá của Chủ tịch nước là khác nhau. Việc quy định thời điểm không đồng nghĩa với việc cứ đến thời điểm đó là có đặc xá mà do Chủ tịch nước quyết định và thực tế nhiều năm qua vẫn thực hiện như vậy.

Về điều kiện được xem xét đặc xá với người lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ĐB tỉnh Ninh Bình cho rằng nên bỏ quy định căn cứ trên quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền mà nên ghi “chưa có điều kiện thi hành án theo Luật Thi hành án” để tránh lạm dụng thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan.

Với điều kiện để được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định, ông Mai Khanh đề nghị cân nhắc trường hợp “Phụ nữ đang có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi”, nhất là “Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình người đó cư trú” vì dễ bị lạm dụng trong thực tiễn.

“Đánh giá lao động duy nhất là thế nào? Chỉ cần xác nhận của chính quyền cấp xã thì có phù hợp?” – ĐB đặt câu hỏi.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đề nghị UBTVQH bổ sung thêm một số đối tượng vào diện không được đề nghị đặc xá là phạm nhân đã bị truy nã loại nguy hiểm trở lên mà không tự ra đầu thú, bị bắt.

Vị này phân tích: Việc bổ sung này là cần thiết nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với những phạm nhân khác nhằm đảm bảo công bằng cho những người có án phạt tù có ý thức chấp hành án tốt đồng thời làm thay đổi nhận thức của các đối tượng bị truy nã ra đầu thú để hưởng khoan hồng, góp phần ngăn ngừa tội phạm.

Đại biểu Thúy cũng đề nghị bổ sung đối tượng là tội phạm về ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc vào diện không được đề nghị đặc xá. "Loại tội phạm ma túy và tội phạm liên quan đến đánh bạc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các loại tội phạm khác. Khả năng hoàn lương của các đối tượng này khi trở về địa phương rất thấp. Sau khi trở về địa phương thường gây mất trật tự, an ninh tại nơi cứ trú. Bên cạnh đó, những trường hợp tái phạm sau khi đặc xá chủ yếu tập trung vào số đối tượng này dù trong thời gian chấp hành án họ có thể cải tạo tốt” – Đại biểu Thúy nói.

Tác giả: Hồng Vân

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok