Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tính đến thời điểm hiện tại, cả nước mới có 424.757 phòng học kiên cố trên tổng số 567.012 phòng học hiện có, đạt tỷ lệ 75%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, vẫn còn thiếu khoảng 142 nghìn phòng học kiên cố, đủ điều kiện để triển khai chương trình GDPT mới.
Theo chương trình GDPT mới, sẽ phải có đủ phòng để bố trí cho học sinh học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Ảnh minh họa. |
Ông Chữ Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Cách đây 1 năm, Hà Nội đã chủ động rà soát đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trên địa bàn để có thể đáp ứng được chương trình mới. Để đảm bảo học sinh bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày theo chương trình mới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND và Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đầu tư xây mới 22 trường với hàng trăm phòng học; bên cạnh đó tiếp tục đầu tư hàng năm cho cơ sở vật chất trường lớp hiện có.
Tuy vậy, ông Dũng cũng đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành các quy định tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, phòng học bộ môn để các địa phương có sự chủ động. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng mong muốn Bộ GD&ĐT chia sẻ, có định hướng với một số địa phương sĩ số học sinh/lớp còn đông như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai Nguyễn Anh Ninh, để chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới, nhiều công việc đã được Lào Cai chủ động như rà soát để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp khắc phục như quy hoạch mạng lưới trường lớp, đưa được các học sinh từ lớp 3 ở các điểm trường về trường chính; hoàn thành xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh vùng cao, với tổng số khoảng 2.000 phòng; đầu tư đủ nhà vệ sinh, nhà tắm, bếp ăn cho trường bán trú có học sinh bán trú... Từ câu chuyện của Hà Nội và Lào Cai cho thấy, việc kiên cố hóa phòng học, đảm bảo có đủ phòng để học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày theo chương trình mới vẫn đang là vấn đề cần phải giải quyết của nhiều địa phương.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT cho biết, về cơ sở vật chất của các trường phổ thông thì hiện nay, cấp tiểu học thì vẫn còn khó khăn vì phải đảm bảo có đủ phòng cho học sinh học 2 buổi/ngày theo chương trình mới. Để đạt được yêu cầu này, Bộ GD&ĐT đã giao các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm, trong đó xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu đã định.
Dự kiến, quý I-2019 sẽ ban hành Danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để chuẩn bị cho triển khai chương trình đối với lớp 1 năm học 2020-2021. Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp còn lại sẽ được ban hành theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong Quý I-2020.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân