Trong tỉnh

Cá lại chết hàng loạt trên sông Mã, hơn 14 tấn chỉ trong ngày 14-4

Sau huyện Bá Thước, đến cuối giờ chiều 14-4, cá nuôi lồng trên sông Mã đoạn qua hai xã Cẩm Thành và Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa lại chết hàng loạt.

Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt trong ngày 14-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, tình trạng cá nuôi chết hàng loạt xuất hiện từ sáng đến chiều 14-4 tại các thôn Bèo Bọt, Phân Khánh, Nâm Trẹn, Thành Long, xã Cẩm Thành và thôn Sủ Xuyên, xã Cẩm Lương, khiến người dân nuôi cá hoang mang, lo lắng.

Trong ngày 14-4, nước sông Mã đoạn chảy qua xã Cẩm Thành, Cẩm Lương có màu đen bất thường, mùi hôi tanh. Thủy sản tự nhiên trên sông chết, dạt vào bờ.

Riêng cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân 2 xã nêu trên chết rất nhanh, từ cá đang kỳ tăng trưởng đến cá thương phẩm chuẩn bị xuất bán.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy đến cuối giờ chiều 14-4 cho thấy tại huyện có 108 hộ dân nuôi cá lồng có cá bị chết hàng loạt, với tổng số lượng hơn 14 tấn, trong đó xã Cẩm Thành có 63 hộ với gần 13 tấn, xã Cẩm Lương có 25 hộ với 1,2 tấn cá chết.

Người dân nuôi cá lồng trên sông Mã đã và đang có nguy cơ trắng tay vì cá chết nhanh, hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết hàng loạt ngày 14-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Ngày 14-4, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện dọc sông Mã gồm: Quan Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thạch Thành khẩn trương giám sát chặt chẽ khu vực nuôi cá lồng của hộ dân.

Hướng dẫn người nuôi theo dõi, chăm sóc cá nuôi hằng ngày, vệ sinh lồng để lưu thông dòng chảy; dùng máy sục khí, máy bơm nước để tăng hàm lượng oxy hòa tan; khi môi trường nước có biến động ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cá nuôi, cần di chuyển lồng nuôi đến khu vực môi trường nước tốt hơn.

Đối với cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, cần sớm thu hoạch để giảm thiểu thiệt hại. Thống kê số hộ nuôi cá bị thiệt hại, thu gom thủy sản chết để tiêu hủy.

Tuyên truyền đến người dân không sử dụng thủy sản chết vớt được để chế biến thực phẩm và làm thức ăn chăn nuôi. Phân công cán bộ chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi cá lồng trên địa bàn để hỗ trợ người nuôi kịp thời.

Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết ngày 14-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, khu vực người dân nuôi cá lồng ở huyện Cẩm Thủy nằm phía hạ lưu sông Mã, giáp ranh với huyện Bá Thước.

Như Tuổi Trẻ Online đã đưa tin, trong một tháng qua, tại huyện Bá Thước đã có hơn 16 tấn cá nuôi lồng và thủy sản tự nhiên trên sông Mã bị chết bất thường, chưa rõ nguyên nhân. Cơ quan chức năng huyện Bá Thước đã phát hiện 3 doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã.

Đến tối 14-4, cá nuôi lồng trên sông Mã ở huyện Cẩm Thủy vẫn tiếp tục bị chết.

Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết ngày 14-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Cá nuôi lồng trên sông Mã của người dân xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị chết ngày 14-4 - Ảnh: HÀ ĐỒNG

Tác giả: Hà Đồng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok