Xã hội

Cá chết “trắng”, nông dân rơi vào cảnh điêu đứng

Hơn một tháng nay, nhiều thôn trên địa bàn huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đặc biệt, có rất nhiều hộ, cá đã đến thời gian thu hoạch bỗng “lăn” ra chết, khiến người dân “chết đứng”, ước tính tổng thiệt hại đến thời điểm hiện nay khoảng nửa tỉ đồng.

Hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra trên địa bàn các thôn Đắk Bình và thôn Đắk Lợi, xã Đắk Ngọc (huyện Đắk Hà). Qua công tác kiểm đếm ban đầu, đã xác định 8 hộ dân nuôi cá có quy mô và số lượng thiệt hại lớn. Theo báo cáo số 44/BC-PNN của UBND huyện Đắk Hà về việc hiện tượng thủy sản bị dịch bệnh chết trên địa bàn huyện cho biết, tình hình thủy sản chết xảy ra vào thời gian khoảng 20/4 đến nay tại địa bàn thuộc thị trấn Đắk Hà và xã Đắk Ngọc.

Cá chết hàng loạt xảy ra trên địa bàn xã Đắk Ngọc, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.

Sơ bộ số lượng cá chết là 7170kg, gồm các chủng loại như cá rô phi 5940kg, kích cỡ 0,3kg/con; cá rô đồng 1000kg; cá rô đồng giống 230kg. Nguyên nhân ban đầu là do thời tiết thay đổi thất thường. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, nắng nóng và mưa lũ kéo dài gây bất lợi cho sinh trưởng và làm giảm khả năng đề kháng của cá và phát triển dịch bệnh.

Sau nhiều năm thực hiện chăn nuôi thủy sản, đây là lần đầu tiên hộ gia đình ông Hoàng Danh Chuyền (tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) gặp tình trạng cá chết nhiều như vậy. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp xử lý như thay nước thường xuyên, dùng các phụ gia như tỏi, kháng sinh… cho cá ăn, nhưng tình trạng cá chết vẫn không thuyên giảm. Theo ông Chuyền, trung bình mỗi ngày số lượng cá chết nằm ở mức 2- 2,5 tạ, chủ yếu cá rô phi. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 200 triệu đồng.

Cá chết hàng loạt khiến nông dân rơi vào cảnh "điêu đứng" vì mất vốn

“Từ khi mua giống về thả xuống hồ cá phát triển bình thường, khoảng 25 ngày trở lại đây thì con cá có biểu hiện lờ đờ, bỏ ăn rồi chết. Đây là lần đầu tiên có tình trạng có chết như thế này, trước đây có chết chỉ một vài con nhưng không bất thường. Dù gia đình đã làm nhiều cách, cho ăn thêm phụ gia như tỏi, kháng sinh nhưng tình trạng cá chết vẫn không giảm”- ông Chuyền cho biết thêm.

Rớt nước mắt nhìn cá chết hàng loạt, ông Đỗ Đức Huệ (55 tuổi, ngụ tại thôn Đắk Bình), chủ hộ nuôi cá cho biết: “Hơn một tháng nay, cá xuất hiện tình trạng chết lai rai, sau đó chết đồng loạt. Trước khi cá chết, xuất hiện triệu chứng đỏ mang, cá không ăn, một thời gian sau thì chết hàng loạt. Hiện số lượng cá chết của gia đình ông là hơn 1 tấn bao gồm cá cá rô phi và cá rô đồng, ước tính thiệt hại hơn 30- 40 triệu đồng. Ngoài ra, tại thôn Đắk Bình còn có nhiều hộ như Nguyễn Văn Huấn có khoảng 10.000 kg cá bị chết và ông Đỗ Minh Tâm có tới 12.000 kg…”.

Cá gần đến thời gian thu hoạch bỗng lăn ra chết "bất thường"

Ông Lê Thế Cương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Trước tình trạng cá chết trên địa bàn, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo tuyến cơ sở thống kê các hộ gia đình bị thiệt hại để làm cơ sở ban đầu. Thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không đổ cá ra môi trường, làm ô nhiễm môi trường, phải thực hiện chôn lấp để đảo bảo vệ sinh môi trường. Thứ hai xử lý vệ sinh ao nuôi cá để đảm bảo môi trường tốt cho cá phát triển và điều trị bệnh. Thứ ba là khuyến cáo nhân dân điều trị bệnh bằng một số loại thuốc thông thường.

“Về nguyên nhân cá chết thực tế rất khó xác định, theo như bà con nhân dân nói chung và chúng tôi nói riêng, vì không có trang thiết bị máy móc cần thiết cho nên chỉ có xác định ban đầu là do thời tiết bất lợi dẫn đến các yếu tố đề kháng bị giảm sút, một số dịch bệnh có điều kiện phát sinh. Ban đầu, chúng tôi khuyến cáo bà con tiếp tục thay nước chăm sóc cá theo quy trình đang điều trị bệnh và điều trị bằng một số loại kháng sinh thông thường”- ông Cương cho biết thêm.

Tác giả: Phạm Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

ok