Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực Bến Xuồng thuộc ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang nằm cách cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và đồn biên phòng chỉ vài trăm mét nhưng việc vận chuyển hàng lậu vào nội địa được diễn ra hết sức công khai.
Công khai vận chuyển
Người dân ở đây cho biết ngoài 2 mặt hàng chủ lực là thuốc lá điếu và đường cát thì cánh cửu vạn còn vận chuyển thuê đủ loại hàng lậu khác để kiếm thêm thu nhập như nước giải khát, bia, rượu, vải sợi, quần áo cũ... Đáng ngạc nhiên là nhiều người không cần che đậy hay ngụy trang hàng để qua mặt lực lượng chức năng như trước. Khi phát hiện có lực lượng làm nhiệm vụ thì họ gọi điện cho nhau tạm ngừng hoạt động hoặc chuyển sang đường khác một cách an toàn.
|
Các xe gắn máy ra vào nườm nượp trong con hẻm nhỏ dẫn ra bãi tập kết hàng lậu tại khu vực Bến Xuồng thuộc ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang
Nếu như việc vận chuyển diễn ra công khai, nhộn nhịp thì nơi tập kết hàng lậu ở khu vực giáp ranh thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang với chợ Tà Mâu (Campuchia) lại khá yên ắng. Đường cát lậu không còn để lộ thiên mà được giấu dưới các dãy nhà sàn ven khu chợ khá nổi tiếng này của đất nước chùa tháp.
Một người dân ở đây cho biết sau khi ông trùm đường Vi Ngươn Thạnh (tự Tỷ Đường) bị TAND tỉnh An Giang kết án 10 năm tù về tội "buôn lậu" cùng với 7 đồng phạm thì toàn bộ số đường nhập lậu từ bên kia biên giới về khu vực này và cả ở các xã Khánh An, Khánh Bình cũng như thị trấn Long Bình của huyện An Phú, tỉnh An Giang đều do ông M.T thao túng.
Vào ban ngày, ông trùm đường lậu mới này chỉ thuê người vận chuyển bằng xe máy với số lượng rất ít theo kiểu thăm dò sự giám sát của các lực lượng chức năng. Về đêm, hắn cho các đầu nậu tung lực lượng hùng hậu dùng xuồng máy tiến về khu chợ Tà Mâu lấy hàng, rồi vận chuyển theo kênh Chắc Ri vượt sông Hậu đến tập kết hàng ở khu vực ven sông thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú để chế biến lại thành dạng đường phèn hoặc được "lột xác" bằng nhãn hiệu đường nội địa.
Trường hợp con kênh này bị lực lượng chức năng chốt chặn thì các đầu nậu cho chuyển hàng sang hướng kênh Cây Gáo về các kho, bãi tập kết ven kênh Vĩnh Tế thuộc khu vực giáp ranh giữa phường A và phường Vĩnh Ngươn cất giấu.
Đặc biệt, khi 2 địa điểm này đều gặp khó thì cánh đầu nậu cho vận chuyển sâu vào khu vực ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc. Tại đây, sau khi "ăn hàng", các xe tải sẽ di chuyển theo tuyến Tỉnh lộ 955 rồi rẽ vào tuyến dân cư cặp kênh Tha La để ra tuyến tránh của Quốc lộ 91. Từ đây, số đường nhập lậu sẽ được vận chuyển về khu vực ngã ba Lộ Tẻ - Rạch Giá để phân phối cho các tỉnh, thành ĐBSCL hoặc đi thẳng về TP HCM tiêu thụ.
Ông N.V.L ở thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu ở khu vực này cũng trở nên sôi động hẳn lên. Các đầu nậu thường chọn kênh Cống Cả (xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc), cống Bảy Búa (xã An Phú) và kênh Tư Mèo (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) để vận chuyển đường cát lậu về nội địa.
Đặc biệt gần đây, một người tên C. từng được biết đến là đối tượng đầu nậu hung hãn nhất vừa ra tù đã hùn vốn với một phụ nữ thuê cả nhà máy chế biến gạo tại khu vực gần chợ bò Tà Ngáo để trữ hàng. Thông thường mỗi ngày có khoảng 4-5 xe tải đến đây để lấy hàng. Khi hàng đã được giao đi thì tên C. cho đàn em khóa kín cửa kho giống như căn nhà vô chủ để qua mặt lực lượng chống buôn lậu.
"Từ khi tên C. ra tù rồi được làm chủ, hàng lậu về đây nhiều hơn trước. Hắn có đội quân chuyên làm nhiệm vụ cảnh giới từ xa rất giỏi nên các lực lượng chức năng rất khó phát hiện hoặc bắt giữ hàng lậu của hắn. Ngay cả những người lạ mặt đến đây cũng bị dò xét rất kỹ" - ông L. khẳng định.
Điểm nóng thuốc lá lậu
Trong khi đó, Quốc lộ 91 (An Giang) và Quốc lộ 80 (Kiên Giang) từ lâu được người dân biết đến như những cung đường dành riêng cho việc vận chuyển thuốc lá nhập lậu.
An Giang là địa phương có lượng thuốc lá nhậu hằng năm nhiều nhất ở khu vực biên giới Tây Nam. Trong đó, các xã vùng ven biên thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc luôn xuất hiện các điểm nóng về tình trạng buôn lậu mặt hàng này. Khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc vẫn là nơi tập kết thuốc lá lậu lớn nhất vì có tuyến Đường Đua kết nối với Quốc lộ 91.
Từ đây, thuốc lá lậu được vận chuyển đến khu vực bến xe khách cũ trong nội ô hoặc tại tập kết tạm trong nhà dân phía trước khu trung tâm thương mại Nam Châu Đốc thuộc huyện Châu Phú. Nhiều xe khách cũng thường xuyên ra vào những khu vực này để lấy "hàng" rồi xuôi theo tuyến Quốc lộ 91 về giao lại cho các chủ hàng ở TP Cần Thơ hoặc các tỉnh, thành lân cận. Nếu "thuận buồm xuôi gió", thuốc lá lậu sẽ được cánh vận chuyển bằng xe gắn máy từ TP Châu Đốc về khu vực ngoại ô TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Trong khi đó, tình hình buôn lậu trên tuyến Quốc lộ 80 từ Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên về các huyện Kiên Lương và Hòn Đất đến TP Rạch Giá cũng liên tục diễn ra. Điểm tập kết và xuất phát mặt hàng lậu này thuộc đoạn cuối cùng của Quốc lộ 80 thuộc ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên.
Tại đây, các đầu nậu thường "chỉ đạo" cho những người vận chuyển hàng thuê bằng xe gắn máy theo tuyến quốc lộ này về tập kết tại khu vực trung tâm chợ Hà Tiên. Sau đó, hàng lậu được đưa lên ô tô vào ban đêm rồi sau đó chuyển thẳng về TP Rạch Giá tiêu thụ. Do đó, chúng rất ít khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, ngoại trừ trường hợp nhận được tin báo từ phía người dân địa phương.
Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trong năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ hơn 1,4 triệu gói thuốc lá ngoại nhập lậu qua các tuyến biên giới cũng như trong nội địa. Con số này được cho là có sự tăng đột biến vì đã vượt hơn 60% so với cùng kỳ. Chi cục QLTT tỉnh An Giang làm đầu mối tổ chức thu gom, tiêu hủy 4 đợt với tổng số lượng hơn 1 triệu gói.
Cơ quan chức năng bị động Theo nhận định của ngành chức năng, hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cận Tết nguyên đán do nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng cao. Phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới nhưng tinh vi hơn. Ông Phan Lợi, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang, cho biết bên cạnh 2 mặt hàng chủ lực là đường cát và thuốc lá điếu thì quần áo cũ, vải khúc, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, phụ tùng ô tô, gỗ, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng cũng được vận chuyển vào sâu trong nội địa tiêu thụ với số lượng lớn. Đặc biệt, gần đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng vận chuyển số lượng lớn vàng và ngoại tệ (USD, riel) và cả tiền Việt Nam trái phép qua biên giới. Để đối phó với lực lượng chức năng, chủ đầu nậu thường cử người canh coi trong suốt quá trình hoạt động để báo tin cho nhau, thường xuyên thay đổi địa điểm, phương tiện giao nhận hàng theo kiểu "đánh lạc hướng". Sử dụng các hóa đơn quay vòng và các bộ hồ sơ bán hàng phát mãi trong nước. Trong quá trình tổ chức hoạt động, các đối tượng thường tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường đối với những người đai vác, vận chuyển khi hàng lậu bị bắt. Do đó, các lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác chống buôn lậu. Ông Lê Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang, cho rằng bên cạnh những khó khăn do đặc thù địa bàn thì một bộ phân cư dân vùng biên giới thiếu việc làm nên dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng tiếp tay vận chuyển trái phép hàng hóa. Các đối tượng buôn lậu liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động. Trong khi đó, hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Sau khi áp dụng vào thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập mà việc sửa đổi bổ sung còn chậm và gây khó khăn cho các lực lượng chức năng đang thực thi nhiệm vụ. Cũng chính vì những lý do này mà hiệu quả công tác đấu tranh bắt giữ, xử lý các đối tượng cầm đầu buôn lậu còn hạn chế. Hầu hết đối tượng bị xử lý chỉ dừng lại ở việc vận chuyển thuê, không thể xử lý đến cùng nên làm giảm đi tính răn đe. Do đó, cho dù các lực lượng chức năng có quyết tâm chống buôn lậu thì phát sinh thêm tình trạng "bít lỗ này thì lại xì lỗ khác". |
Tác giả: THỐT NỐT
Nguồn tin: Báo Người lao động